Tham dự Lễ khởi động, về phía Việt Nam có: ThS.BS Võ Hải Sơn, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế; TS.BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TPHCM; BS Tiêu Thị Thu Vân, Chủ tịch Hội Phòng, chống HIV/AIDS thành phố Hồ Chí Minh – là đơn vị tiếp nhận dự án và tổ chức triển khai nghiên cứu tại Việt Nam; Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh; bà Đào Thị Minh Thư – Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp; Bs Nguyễn Trung Hòa – Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp cùng các bộ, nhân viên của Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, các tổ chức cộng đồng tại thành phố Hồ Chí Minh…
GS.TS. Luis J. Montaner – Viện Wistar Hoa Kỳ phát biểu khai mạc
Về phía đối tác nước ngoài có: GS.TS. Luis J. Montaner, Phó Chủ tịch Hoạt động khoa học, Trưởng Chương trình nghiên cứu HIV-1 – Viện Wistar (Hoa Kỳ), nghiên cứu viên chính của dự án; GS.TS.BS David Metzger, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu dự phòng HIV – Đại học Pennsylvania Hoa Kỳ, đồng nghiên cứu viên chính nghiên cứu AMOHI-1; BS Jean Pierre Daulouede, Giám đốc Phòng Khám Bizia (Pháp); Ông Vincent Trias, Giám đốc Dự án AMOHI tại Việt Nam; Bà Ma Ling, đại diện Tổ chức CDC Trung Quốc; Bà Flora Canetti, phụ trách Hợp tác Kỹ thuật và đổi mới – Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; BS Navin Saxena, Giám đốc Công ty Dược Rusan Pharma – nhà cung cấp thuốc nghiên cứu Buprenorphine (Addnok).
Ths.Bs Võ Hải Sơn – Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS phát biểu tại Lễ khởi động Dự án
Phát biểu khai mạc, Ths.Bs Võ Hải Sơn đã nhấn mạnh: Theo số liệu thông kê của Bộ Công an năm 2021, toàn quốc có khoảng hơn 200.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trong đó tới hơn 50% là nghiện các chất dạng thuốc phiện. Trong thời gian qua, Bộ Y tế Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp can thiệp giảm tác hại cho nhóm người nghiện ma túy nói chung và nghiện các chất dạng thuốc phiện nói riêng như truyền thông, tư vấn, cung cấp và hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone và Buprenorphine. Tuy nhiên độ bao phủ vẫn còn hạn chế. Một trong các nguyên nhân cản trở việc tiếp cận điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại Việt Nam là người bệnh phải hàng ngày đến các cơ sở y tế uống thuốc trực tiếp. Cũng theo thống kê hiện nay trong số những người nghiện các chất dạng thuốc phiện có khoảng 20% nhiễm HIV và cũng đang điều trị bằng thuốc ARV. Điều này đặt ra làm thế nào để tiếp tục duy trì và mở rộng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, đồng thời duy trì điều trị và hiệu quả của điều trị ARV trên nhóm người nghiện các chất dạng thuốc phiện nhiễm HIV.
Ths,Bs Võ Hải Sơn cho rằng việc tiến hành thí điểm lâm sàng nhằm đánh giá tác động của các thuốc hỗ trợ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện lên chức năng miễn dịch của bệnh nhân HIV bắt đầu điều trị ARV là rất cần thiết vì hiện chúng ta cùng còn rất thiếu các thông tin khoa học về các tác động này nhất là thuốc Natrexone điều trị nghiện dạng tiêm 1 tháng/lần và lần đầu tiên được sử dụng ở Việt Nam, nên nếu thành công sẽ mở ra nhiều sự lựa chọn cũng như duy trì sự tuân thủ điều trị của người nghiện các chất dạng thuốc phiện nhất là với người nhiễm HIV.
Ths,Bs Võ Hải Sơn cũng tin tưởng rằng với kinh nghiệm của các các đơn vị nghiên cứu uy tín trên thế giới cùng tham gia, với sự phối hợp chặt chẽ của các đối tác, dự án thử nghiệm lâm sàng sẽ thành công. Từ đó mở ra cơ hội cho những người nghiện chất dạng thuốc phiện nói chung và những người nghiện các chất dạng thuốc phiện nhiễm HIV được điều trị đồng thời nghiện và HIV an toàn, hiệu quả.
Cắt băng trong Lễ khởi động Dự án
GS.TS. Luis J. Montaner từ Viện nghiên cứu Wistar, nghiên cứu viên chính của nghiên cứu AMOHI bày tỏ niềm tự hào khi tham gia dự án nghiên cứu này và mong muốn tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực nghiên cứu giữa Hoa Kỳ và Việt Nam qua việc hoàn thành nghiên cứu này. Kết quả nghiên cứu này chắc chắn sẽ tác động đến việc chăm sóc bệnh nhân trong tương lai ở cả hai quốc gia cũng như trên toàn cầu. Đây cũng là cột mốc quan trọng trong nỗ lực toàn cầu nhằm thúc đẩy các chiến lược điều trị mới và thu thập những thông tin, kiến thức về cách điều trị HIV ở những người nhiễm HIV đang dùng thuốc điều trị rối loạn sử dụng chất, các chất dạng thuốc phiện ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Dự án AMOHI-1 là dự án nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng nhằm đánh giá tác động của các thuốc hỗ trợ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bao gồm Methadone, Buprenorphine và Naltrexone (riêng Naltrexone dạng tiêm, tác dụng kéo dài 1 tháng 1 lần) lên chức năng miễn dịch của bệnh nhân bắt đầu điều trị ARV. Thử nghiệm có tiêu đề “Tác động của thụ thể mu-opiat lên sự dịch chuyển vi sinh và kích hoạt miễn dịch tồn lưu trên người bệnh nghiện chất dạng thuốc phiện nhiễm HIV, điều trị thuốc kháng retro vi rút (ARV) và bắt đầu điều trị nghiện bằng thuốc hỗ trợ”.
Quận Gò Vấp là nơi được chọn làm điểm đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh khởi động chính thức Dự án AMOHI-1 tại Việt Nam. Ngày 31/1/2023, với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế, các bác sĩ của khoa Tư vấn, điều trị nghiện chất và HIV/AIDS – Trung tâm Y tế quận Gò Vấp đã tiến hành khởi liều điều trị cho những bệnh nhân đầu tiên tham gia vào chương trình nghiên cứu. Đây là cột mốc quan trọng đối với khoa học toàn cầu về HIV và rối loạn sử dụng nghiện chất. Nghiên cứu sẽ không chỉ lần đầu tiên giới thiệu Naltrexone tác dụng kéo dài đến Việt Nam, mà còn có thể trả lời câu hỏi về các tác động miễn dịch của các thuốc điều trị nghiện trên bệnh nhân điều trị ARV như thế nào.
Toàn cảnh Lễ khởi động Dự án
Dự kiến sẽ có 225 người nghiện các chất dạng thuốc phiện nhiễm HIV bắt đầu điều trị ARV hoặc đã bỏ điều trị và quay trở lại điều trị ARV sẽ được tuyển chọn vào nghiên cứu này. Người bệnh sẽ được chọn ngẫu nhiên vào điều trị một trong ba loại thuốc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện là Methadone, Buprenorphine và Naltrexone. Naltrexone là thuốc dạng tiêm, tác dụng kéo dài 1 tháng 1 lần và chưa từng có ở Việt Nam. Sau đó sẽ nghiên cứu tác động đến sự phục hồi miễn dịch của ba loại thuốc này trên người nhiễm HIV điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV.