Không đặt tên nhóm, không tiếp xúc với báo chí, không cần xây dựng thương hiệu và không nhận tài trợ của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào nhưng hàng ngày họ vẫn làm công việc hỗ trợ tư vấn, chuyển gửi khách hàng là những người có HIV
Không đặt tên nhóm, không tiếp xúc với báo chí, không cần xây dựng thương hiệu và không nhận tài trợ của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào nhưng hàng ngày họ vẫn làm công việc hỗ trợ tư vấn, chuyển gửi khách hàng là những người có HIV, người dân bị phơi nhiễm và những người có hành vi nguy cơ cao đến các cơ sở dịch vụ tư vấn xét nghiệm điều trị (HTC) và cơ sở điều trị HIV (OPC). Ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh có một nhóm bạn như vậy, họ là những người có HIV và đã có tiền sử nghiện ma túy nhiều năm.
Tôi nhớ lại câu chuyện về HIV cách đây 11 năm về trước, với sự hỗ trợ từ Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), thông qua dự án Sáng kiến chính sách về Y tế (HPI) giai đoạn 01. Đó là năm 2003, NhómVì ngày mai tươi sáng là một nhóm tự lực của những người có HIV đầu tiên tại Việt Nam được ra đời tại Hà Nội. Lúc đầu, có sáu thành viên tham gia. Họ còn chưa có văn phòng và sinh hoạt nhờ tại chùa Pháp Vân. Sau một thời gian, với sự nỗ lực của các thành viên trong ban điều hành, nhóm Vì ngày mai tươi sáng đã không ngừng phát triển và mở rộng trở thành Mạng lưới Vì ngày mai tươi sáng, một mạng lưới của các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) của những người có HIV đầu tiên tại Việt Nam với 22 nhóm trên 16 tỉnh phía Bắc, số thành viên tham gia lên tới khoảng 5000 người. Đến nay, tài trợ quốc tế cắt giảm, một số nhà tài trợ đã rút khỏi Việt Nam,với áp lực phải tìm kiếm cơ hội việc làm và thu nhập để mưu sinh,một số nhà hoạt động xã hội là lãnh đạo cộng đồng đã phải bỏ cuộc, đồng nghĩa với việc các nhóm của họ đứng trên bờ vực của sự tan rã hoặc đã tan rã Đằng sau sự giải tán nhóm lại hình thành nên những nhóm ngẫu nhiên, một cách không chính thức trong cộng đồng. Hàng ngày, họ vẫn làm công việc hỗ trợ những người cùng cảnh và không hề đòi hỏi bất cứ điều gì.
Trong lần về thăm gia đình, tôi đi uống cà phê với một người bạn, một người đồng nghiệp đã từng sáng lập nên Nhóm tự lực của những người có HIV tại thành phố Hạ Long. Vì lý do khách quan, cho đến nay, nhóm đó không còn hoạt động nữa.
Trước mặt tôi là một người đàn ông khoảng 40 tuổi tên là Dũng với gương mặt gầy và xương toát lên sự kiên nghị và nghị lực, má hơi hóp bởi tác dụng phụ do một thời gian dài phải uống stavudine (d4T)dung và Efavirenz. Gặp tôi anh rất vui nhưng vẫn không dấu được sự mệt mỏi.
Trong lúc nói chuyện, anh giơ bàn tay lên. Chơi với anh Dũng đã lâu, hôm nay tôi mới để ý phát hiện anh bị mất một ngón tay trỏ bàn tay trái. Anh Dũng kể lại câu chuyện buồn với giọng xúc động.“ Ngày xưa, anh có tiền sử nghiện heroine mười năm. Lúc đó, mẹ anh đã phải quỳ xuống khóc lóc và nói với anh vì anh là con út nên được mẹ chiều: “ Mẹ xin con hãy thương lấy bố mẹ”. Anh ôm lấy mẹ anh nói giọng nghẹn ngào trong nước mắt. “Con hứa sẽ bỏ ma túy”. Ngày hôm sau, anh không chịu được cơn đau vật vã như giòi bò trong xương do đến cơn “vã” anh đã phải chặt bỏ ngón tay trỏ. Rồi sau đó, đem ngâm nó vào rượu mạnh và cất đi. Mỗi khi thèm nhớ, anh lại lấy nó ra để tự nhắc nhở mình”.
Anh Dũng lấy điện thoại gọi cho các thành viên trong nhóm.“Hôm nay, có chú Thành lâu ngày ở Hà Nội về các cậu ra quán cà phê chỗ cũ ngay nhé”.Khoảng 30 phút sau, năm thanh niên có mặt toàn là những gương mặt quen thuộc đã từng tham gia các nhóm trước đây.Mỗi người một công việc khác nhau. Cậu làm nghề lắp đặt ,sửa chữa nội thất ô tô, cậu làm sơn tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, cậu làm thuê cho các công ty/ doanh nghiệp, cậu lái xe taxi, cậu làm bảo vệ. Có điều họ đều giống nhau là người có HIV và có tiền sử nghiện ma túy. Không ai bảo ai, ngày nghỉ hoặc có công có việc họ vẫn tìm đến với nhau để thăm hỏi, động viên lẫn nhau lúc đau ốm và làm công việc hỗ trợ tư vấn, chuyển gửi, tuân thủ điều trị cho những ai bị phơi nhiễm hoặc có hành vi nguy cơ cao, bị sốc do mới phát hiện ra tình trạng có HIV.
Mải nói chuyện, tôi quên mang theo thuốc ARV. Loại thuốc này phải uống đúng giờ, nếu quên có thể bị kháng thuốc. Anh Dũng nói. “Yên tâm đi, ở đây, nhiều anh em uống thuốc cùng phác đồ điều trị giống như chú”. Nói xong, anh Dũng liền lấy điện thoại ra gọi. Khoảng 15 phút sau, một cậu thanh niên đi xe máy mang thuốc đến tận nơi cho tôi. “Làm công việc này, phải có cái tâm, chứ vì tiền thì sẽ không bền vững” Một thành viên trong nhóm bộc bạch.
Mỗi lần có người quen hoặc bạn bè, người thân ở quê bị phơi nhiễm do không sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với phụ nữ bán dâm,họ chỉ biết gọi điện cho tôi. Những lúc như vậy, tôi thường gọi cho anh Dũng, họ đều được các thành viên trong nhóm tư vấn, hướng dẫn chuyển gửi rất tận tình.
Những nhóm tự lực thầm lặng như vậy trong cộng đồng không phải là hiếm. Nếu họ có việc làm, thu nhập ổn định và được hỗ trợ họ sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn.
Đồng Đức Thành