Tham dự phiên họp trực tiếp có hơn 500 đại biểu, ngoài ra còn có hàng ngàn đại biểu tham gia trực tuyến từ các quốc gia trên thế giới. Đại diện đoàn Việt Nam tham gia chia sẻ bài học thành công tại Hội nghị có TS.BS.Nguyễn Thị Minh Tâm, Trương phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng , chống HIV/AIDS; Bà Asia Nguyen, Cố vấn cấp cao của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam; ông Nguyễn Anh Phong, Đại diện cho mạng lưới những người sống chung với HIV đã chia sẻ các bài học thành công triển khai chương trình K=K từ năm 2017 cho đến nay.
Chương trình K=K tại Việt Nam được triển khai mạnh mẽ, với rất nhiều các hoạt động khác nhau có sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế Việt Nam, CDC Hoa kỳ tại Việt Nam cũng như sự tham gia của các tổ chức cộng đồng. Chiến dịch đã lan toả rộng rãi thông điệp đơn giản nhưng đầy hiệu quả: Khi một người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) và đạt được tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện (dưới 200 bản sao/mL máu) sẽ không còn khả năng lây truyền HIV cho người khác qua đường tình dục.
Tại Việt Nam, Chiến dịch “Không phát hiện = Không lây truyền” đã triển khai rộng rãi trong toàn quốc. Hiện nay hơn 163.000 người nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc kháng HIV. Trong số đó có khoảng 95% có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện, điều này có ý nghĩa to lớn trong việc làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ người nhiễm HIV ra cộng đồng.
Việc triển khai mạnh mẽ chiến dịch “Không phát hiện = Không lây truyền tại Việt Nam còn có ý nghĩa giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS khi mọi người nhận thức được rằng hiện nay một người nhiễm HIV nếu được điều trị sớm, tuân thủ điều trị và đạt được tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện sẽ không chỉ tránh lây nhiễm HIV cho bạn tình mà còn giúp họ có cuộc sống khỏe mạnh lâu dài như những người không nhiễm HIV.
Các báo cáo viên của Việt Nam chia sẻ bài học thành công chiến dịch K=K tại hội nghị
Các báo cáo viên của Việt Nam tham gia tọa đàm về chiến dịch K=K tại hội nghị