Trang Chủ Tin tức Tâm sự và chia sẽ Kỳ 2: Đứng lên từ tận cùng nỗi đau

Kỳ 2: Đứng lên từ tận cùng nỗi đau

187
0

Không còn nghĩ đến chuyện quyên sinh hay lầm lũi sống qua ngày, nhiều người có H đã đứng dậy từ tận cùng nỗi đau. Họ không ngại công khai về bệnh tình, tìm niềm vui trong những hoạt động cộng đồng.
Tựa vào nhau để đứng dậy

CLB Yêu Thương đón chào một thành viên mới. Đó là một cô gái Vân Kiều nhỏ nhắn, có đôi mắt thăm thẳm buồn. Cách đây không lâu, trong một lần đi khám ở bệnh viện, bác sĩ phát hiện chị S. và chồng đều nhiễm HIV. Lặng lẽ trở về nhà, chị khóa chặt cửa suốt ba ngày liền. Nơi chị S. sống, người ta không biết nhiều về căn bệnh thế kỷ. Thế nhưng, ai cũng sợ “con Ết”, xem đây là “hình phạt của Giàng”. Tuyệt vọng, chị S. chỉ muốn chết cho nhanh và quyết định không dùng thuốc ARV. Khi các thành viên CLB Yêu Thương cùng nhân viên y tế đến thăm hỏi, động viên, chị òa khóc. Chị biết rằng, mình vẫn có thể sống và cống hiến cho đời. Chính những người đồng cảnh sẽ là điểm tựa cho chị.

Trên địa bàn tỉnh, nhiều người có H đã đến với CLB Yêu Thương từ những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhưng ấm áp tình cảm như vậy. CLB Yêu Thương được thành lập vào tháng 4/2009 với sự hỗ trợ của Tổ chức Handicap International và Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh. Mục đích của CLB là giúp trang bị kiến thức, kỹ năng cho những người có H để họ tự tin hòa nhập cộng đồng. Từ buổi đầu thành lập với 14 người, CLB hiện có trên 50 thành viên.

 ky2001
Các thành viên CLB Yêu Thương theo dõi kịch rối

Thành thông lệ, mỗi tháng, các thành viên CLB Yêu Thương lại họp một lần. Tại đây, không chỉ nhận thuốc ARV để điều trị bệnh, họ tổ chức sinh hoạt theo từng chủ đề như: Cách tự chăm sóc sức khỏe; làm thế nào khi bị phân biệt, kỳ thị; sử dụng vốn vay đúng mục đích… Đặc biệt, các thành viên CLB thường quây quần tâm sự về những khó khăn trong cuộc sống. Chị L.T.L. chia sẻ: “Tôi tham gia CLB Yêu Thương ngay từ những ngày đầu, thấy hạnh phúc và tự tin hơn. Trước đây, hầu hết thời gian tôi chỉ nói chuyện với con và luôn cảm thấy cô đơn, giờ thì khác rồi”.

Ngoài sinh hoạt định kỳ, các thành viên trong CLB Yêu Thương còn thường xuyên thăm hỏi, động viên nhau. Họ cũng gom góp, xây dựng quỹ để giúp đỡ người đồng cảnh lúc hoạn nạn. Hơn ai hết, những con người không may mắn này hiểu rằng, họ phải tựa vào nhau để đứng dậy. Vì vậy, các anh chị đều tự giác đến tìm hiểu, gặp gỡ, động viên những người mới phát hiện nhiễm HIV.

Anh N.Đ.L.T., Chủ nhiệm CLB Yêu Thương chia sẻ: “Bản thân mắc căn bệnh thế kỷ, tôi và các thành viên khác hiểu rõ những ngày tháng kinh hoàng ban đầu. Thế nên, khi được cơ quan chức năng thông tin về các trường hợp có H, tôi điện thoại, nhắn tin và tìm đến nhà để tư vấn, hướng dẫn và giới thiệu với họ về CLB. Anh chị em trong CLB không nói những lời sáo rỗng hay đao to, búa lớn, thay vào đó, mọi người thường tâm sự về cuộc đời mình và con đường hòa nhập”.

Khác với thực tế đến từng nhà để vận động như trước kia, giờ đây, không ít người có H đã tự nguyện gia nhập CLB. Nhờ vững tinh thần và được điều trị tốt, nhiều thành viên khỏe mạnh hẳn ra. Đặc biệt, trong thời gian sinh hoạt, một số anh chị đã đến với nhau, kết hôn và về chung sống dưới một mái nhà. Đó đều là những chuyện tình đẹp của những người đồng cảnh ngộ.

Có “Ết” không phải là hết

“Nơi nào cộng đồng coi thường người có H thì ở đó sẽ có nhiều trường hợp nhiễm HIV hơn”, anh T.Đ.L.T., Chủ nhiệm CLB Yêu Thương thường chia sẻ điều đó trong các buổi truyền thông. Theo anh, khi bị kỳ thị, xa lánh, con người ta thường có xu hướng thu mình lại, không tiết lộ về bệnh tình. Thậm chí, một số trường hợp nghi vấn có H còn không dám đi xét nghiệm. Vì thế, nguy cơ lây truyền HIV/AIDS càng cao hơn.

 ky2002
Truyền thông về phòng chống HIV/AIDS cho đồng bào dân tộc thiểu số (Ảnh minh họa)

Từ khi tham gia CLB Yêu Thương, nhiều người có H đã không ngại chia sẻ về bệnh tình của mình. Họ còn tìm cách giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Chị H. là một ví dụ. Nhiễm HIV từ chồng, chị về quê, bươn bả mưu sinh. Đối diện với sự kỳ thị của mọi người, chị trực tiếp đến trạm y tế để nhờ giúp đỡ. Sau những buổi truyền thông của cán bộ y tế, cái nhìn của mọi người với chị H. đã trở nên thân thiện hơn. Cũng có nhiều trường hợp, những bà mẹ có H đã đấu tranh, giúp con mình được học tập, sinh hoạt như những đứa trẻ bình thường. Đồng hành cùng họ trong những hành động như thế là các thành viên khác trong CLB Yêu Thương.

Thực tế, hầu hết những người có H trên địa bàn tỉnh đều có hoàn cảnh khó khăn. Không cam phận nghèo, họ nỗ lực tìm cách phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Nhiều người đã tìm thấy niềm vui trong lao động như anh L.Đ.H. mở nhà hàng; chị H.T.N. là công chức nhà nước; anh M.V.C trồng cao su; anh N.V.T. xây dựng mô hình trang trại… Trong chuỗi ngày thoát ra khỏi đói nghèo, họ nhận được khá nhiều sự ủng hộ từ chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị. Nhiều anh chị được tạo điều kiện vay vốn; hỗ trợ xây dựng nhà; tặng trâu bò để sản xuất; thăm hỏi, động viên vào dịp lễ tết… Đó cũng chính là động lực thôi thúc người có H vươn lên, tự tin hòa nhập cộng đồng.

Không chỉ lo cho cuộc sống riêng, các thành viên trong CLB Yêu Thương đang từng ngày góp sức giúp nâng cao nhận thức của mọi người về căn bệnh thế kỷ. Họ trực tiếp đến các miền quê để tuyên truyền về HIV/AIDS. Hiện nay, có gần 20 thành viên CLB Yêu Thương đã tự tin trò chuyện trước đám đông. Mỗi chuyến đi là một kỷ niệm không bao giờ quên đối với người có H. Đến giờ, anh N.Đ.L.T. vẫn nhớ như in lần lên vùng cao để truyền thông cho đồng bào dân tộc thiểu số. Sau khi trò chuyện với dân bản về căn bệnh thế kỷ, anh T. hỏi: “Mọi người nghĩ bệnh nhân nhiễm HIV trông sẽ như thế nào”. Ai cũng lắc đầu. Anh T. hỏi tiếp: “Vậy, bà con có muốn gặp họ không?”. Nhiều người gật đầu đồng ý. Thấy vậy, anh T. và một thành viên khác trong CLB đứng lên và khẳng định: “Chúng tôi có H”. Ngay lập tức, đám đông xì xầm. Nhiều người tỏ ý không tin cho đến khi cán bộ y tế huyện khẳng định lại một lần nữa. Sau buổi truyền thông, anh T. hỏi dân bản: “Có ai dám bắt tay với tôi không?”. Nhiều người không trả lời, thay vào đó choàng tay ôm lấy anh. Cũng có những lần trò chuyện với học sinh, sinh viên các trường học trên địa bàn, khi thành viên CLB Yêu Thương đứng lên trò chuyện và khẳng định mình có H, rất nhiều người bất ngờ. Trong suy nghĩ của họ, bệnh nhân nhiễm HIV sẽ gầy gò, ốm yếu, da bị lở loét, nhăn nheo… Sau buổi truyền thông, nhiều bạn trẻ đã gửi thư, bày tỏ sự sẻ chia.

Hiểu những con đường dẫn đến HIV, các thành viên CLB Yêu Thương hướng hoạt động tuyên truyền vào những đối tượng có nguy cơ cao. Họ đến từng nhà hàng, khách sạn, quán karaoke để phát bao cao su, tờ rơi. Thậm chí, nhiều anh chị còn trực tiếp gặp người nghiện ma túy để tuyên truyền, vận động. Họ làm việc thầm lặng, không bao giờ đòi hỏi thù lao hay muốn ai phải mang ơn. Giữa cuộc đời bão giông, những thành viên CLB Yêu Thương đã vươn lên, thực sự sống có ích.
Khát vọng lớn nhất của người phụ nữ có H là sinh ra những đứa con khỏe mạnh. Nhờ sự can thiệp kịp thời của y học, giấc mơ ấy đã trở thành hiện thực.

Không còn là giấc mơ

Là một phụ nữ có H nhưng chị H.T.H. (trú tại huyện Gio Linh) tự nhận mình may mắn vì sinh hạ những đứa con khỏe mạnh. Vào Nam lập nghiệp năm 1997, chị H. làm việc cho nhà máy sản xuất giày da. Tại đây, chị yêu một đồng nghiệp và quyết định tiến đến hôn nhân. Năm 2005, khi chị H. đang mang thai thì chồng lâm trọng bệnh. Chỉ 10 ngày sau đó, anh qua đời. Theo lời khuyên của bác sĩ, chị H. quyết định vào viện kiểm tra sức khỏe và chết lặng khi cầm kết quả xét nghiệm dương tính với HIV. Nhớ lại ngày ấy, chị H. chia sẻ: “Bấy giờ, tôi cảm giác như trăm ngàn mũi kim đâm vào tim. Không xót xa cho bản thân nữa, tôi chỉ nghĩ đến con. Mới thành hình trong cơ thể mẹ, tại sao cháu đã phải chịu nỗi bất hạnh này”.

Thương con, chị H. không cho phép bản thân gục ngã. Người mẹ trẻ bắt đầu tìm hiểu về HIV/AIDS. Thế rồi, chị trào nước mắt khi biết thông tin nhiều phụ nữ không may bị nhiễm HIV vẫn có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh nhờ sự can thiệp kịp thời của y học. Từ đấy, chị H. nén nỗi đau vào lòng, sống những ngày còn lại vì con. Hôm chị sinh, mọi đau đớn, mệt mỏi trong chị tan biến khi nghe bác sĩ báo tin con mình không mang vi rút HIV. Chị H. chia sẻ: “Chính con đã giúp tôi vượt qua những ngày tăm tối nhất. Tôi bồng con trở về quê, quyết tâm xây dựng cuộc sống mới”.

Con trai chị L.T.H. (trú tại huyện Đakrông) năm nay đã 13 tuổi. Đối với chị, cháu là món quà quý giá mà cuộc sống ban tặng. Năm 2006, những trận ốm triền miên khiến chị H. khô gầy như xác ve. Khi vào bệnh viện điều trị, chị bàng hoàng biết tin mình nhiễm HIV từ chồng. Tuy nhiên, chị H. không trách cứ chồng. Điều khiến người mẹ trẻ âu lo nhất là tương lai con mình. Chị đinh ninh rằng cháu cũng chịu chung nỗi đau có H vì không được y học can thiệp và bú sữa mẹ đến một năm. Thế nhưng, điều khiến người mẹ trẻ hạnh phúc tột cùng là con chị âm tính với HIV.

Ngoài đường máu và tình dục, HIV còn lây truyền từ mẹ sang con. Nếu không có sự can thiệp của y học, tỉ lệ lây truyền tự nhiên trong trường hợp này chiếm từ 15 – 45%. HIV có thể truyền từ mẹ sang con sớm, diễn ra ở giai đoạn đầu của thai kỳ. Đến khi người mẹ chuyển dạ, nguy cơ lây truyền xảy ra cao hơn do trẻ tiếp xúc với dịch âm đạo hoặc có sự trao đổi máu. Sau khi sinh, trẻ vẫn có thể nhiễm HIV trong quá trình bú sữa mẹ. Tuy nhiên, nếu có sự can thiệp kịp thời của y học, tỷ lệ trẻ lây nhiễm HIV từ mẹ sẽ giảm xuống đến mức tối đa.

Để không còn trẻ lây nhiễm HIV từ mẹ

Nhiều năm gắn bó với những người có H, bác sĩ Hồ Phong Điệp, Phó Trưởng Khoa Điều trị và chăm sóc HIV/AIDS – Cơ sở điều trị Methadone đã chứng kiến nhiều cặp vợ chồng có H sinh ra những đứa con khỏe mạnh. Theo ông, đây là điều kỳ diệu mà y học mang lại cho bệnh nhân mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Niềm vui của những người chịu nhiều thiệt thòi này cũng chính là động lực giúp bác sĩ Điệp và đồng nghiệp nỗ lực nhiều hơn trong công việc.

Cùng nhiều địa phương trong nước, tỉnh Quảng Trị sớm được thụ hưởng các chính sách của chương trình can thiệp giảm tác hại lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Được sự hỗ trợ của dự án, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã có nhiều hoạt động nhằm giảm tác hại lây truyền HIV từ mẹ sang con, cụ thể như: Tập trung giáo dục, tuyên truyền rộng rãi đến người dân về HIV/AIDS; tư vấn về sự cần thiết của việc khám sàng lọc, xét nghiệm HIV sớm; triển khai các dịch vụ can thiệp lây truyền HIV từ mẹ sang con; theo dõi, quản lý sức khỏe của bà mẹ và trẻ sau khi sinh…

Đối với phụ nữ có H, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã theo dõi, quản lý và đưa ra các quyết định can thiệp phù hợp, hiệu quả nhằm làm giảm tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con. Trước sinh, người mẹ được tư vấn xét nghiệm, sàng lọc và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bổ sung vitamin, sắt, ARV… Trong quá trình sinh, bệnh nhân được tránh các can thiệp như bấm ối, forcep, cắt tầng sinh môn, cân nhắc chỉ định mổ lấy thai… Người mẹ sau khi sinh con sẽ được tư vấn về nguy cơ lây nhiễm HIV khi cho trẻ bú, khuyến cáo nuôi con bằng sữa thay thế.

Bác sĩ Hồ Phong Điệp cho biết: “Đối với thai nhi trên 14 tuần tuổi, tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con chiếm dưới 8% nếu được y học can thiệp trước, trong và sau khi sinh. Trường hợp can thiệp sớm hơn, tỷ lệ lây nhiễm chiếm dưới 2%. Năm 2014, tất cả trường hợp bà mẹ có H được y, bác sĩ Trung tâm Phòng chống HIV/ AIDS tỉnh điều trị dự phòng bằng thuốc ARV đều sinh ra những cháu bé khỏe mạnh”.

Đến giờ, các y, bác sĩ vẫn nhắc nhiều đến vợ chồng anh L.T.Đ. và chị P.T.H.L. Tham gia sinh hoạt tại CLB Yêu Thương, hai bệnh nhân có H này đã tìm thấy sự đồng cảm và tiến đến hôn nhân. Sau khi kết hôn, kiểm tra thấy bản thân không mắc bệnh lý nhiễm trùng cơ hội, hệ miễn dịch hoạt động tốt, tải lượng vi rút HIV thấp và tâm lý thoải mái, anh chị đã quyết định có con với nhau. Nhờ tuân thủ đúng phác đồ điều trị, con của anh chị không mang căn bệnh thế kỷ. Chị P.T.H.L. chia sẻ: “Con tôi giờ đã 13 tuổi, cháu hoàn toàn khỏe mạnh, học giỏi và rất ngoan ngoãn. Cháu là niềm vui của vợ chồng tôi. Từ ngày có con, vợ chồng tôi vui vẻ, yêu đời hẳn lên”.

Như vậy, y học hiện đại hoàn toàn có thể kiểm soát được sự lây truyền HIV từ mẹ sang con. Điều quan trọng là chị em phụ nữ, đặc biệt là người đang mang thai sớm đến bệnh viện hoặc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS để được tư vấn và tiến hành xét nghiệm. Chúng ta có cơ sở để tin tưởng vào tương lai không còn trẻ lây nhiễm HIV từ mẹ.

Trương Quang Hiệp