Mục tiêu 95 – 95 – 95
Các quốc gia trên thế giới đã ký kết tham gia mục tiêu của Liên Hợp Quốc nhằm giảm tỷ lệ nhiễm HIV mới và tử vong liên quan đến AIDS. Để đạt được điều này đồng nghĩa với việc tăng cường các can thiệp dự phòng, xét nghiệm HIV sớm cho người có hành vi nguy cơ cao và điều trị sớm cho người nhiễm HIV và tuân thủ điểu trị. Từ đó mỗi người nhiễm HIV sẽ sống khỏe mạnh và không làm lây nhiễm cho người khác. Khi đó bệnh AIDS không còn là vấn đề sức khỏe cộng đồng.
Để đạt được mục tiêu mục tiêu tham vọng trên, Liên hợp quốc cũng đã phát động mục tiêu 95-95-95 vào nắm 2030 tức là 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; và 95% người điều trị bằng thuốc ARV sẽ đạt được tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế.
Nếu các quốc gia đạt được mục tiêu trên, số ca nhiễm mới HIV và tử vong liên quan đến AIDS vào năm 2030 dự kiến giảm 90% so với năm 2010. Mặc dù về lâu dài chúng ta vẫn cần có vắc xin dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu nhưng nhân loại có thể đẩy tỷ lệ nhiễm HIV và tử vong vì AIDS xuống gần bằng 0 ngay cả khi không có vắc xin. Thách thức là làm thế nào các quốc gia cùng đạt được mục tiêu này.
Thuốc điều trị HIV đầu tiên được phê duyệt vào năm 1987 là AZT (Azidothymidine) nhưng không phải đặc hiệu và hoàn hảo. Gần 4 thập kỷ với hơn 40 triệu ca tử vong vì AIDS, thế giới đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong việc tìm ra phương pháp điều trị HIV. Dù vậy, chúng ta vẫn đang nỗ lực tìm kiếm vắc-xin và thuốc điều trị.
Bà Caroline Nyamayemombe, Quyền Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam tham quan gian hàng của chị em phụ nữ đại diện cho Mạng lưới Quốc gia Phụ nữ dễ bị tổn thương.
Mặc dù năm 2015, Liên Hợp Quốc lần đầu tiên đặt ra mục tiêu có thể chấm dứt dịch AIDS, coi AIDS không còn là mối đe dọa sức khoẻ cộng đồng vào năm 2030. Năm 2020, Chương trình Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đề ra mục tiêu 95 – 95 – 95 để có thể tuyên bố chấm dứt dịch bệnh. Tuy nhiên đến nay, thế giới vẫn chưa đạt được mục tiêu trên. Theo báo cáo mới nhất của UNAIDS, vào năm 2022, chỉ 76% trong tổng số 39 triệu người nhiễm HIV trên toàn thế giới sử dụng ART và tỷ lệ người điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng cức chế chỉ đạt 71%.
Trở ngại lớn nhất để đạt mục tiêu 95 – 95 – 95 là điều trị cho những người dễ bị tổn thương, bao gồm trẻ em. Năm 2022, chỉ 57% trong số 1,5 triệu trẻ em dưới 15 tuổi nhiễm HIV được điều trị. 46% được ức chế virus nhưng khoảng 84 nghìn trẻ chết vì các bệnh liên quan đến AIDS.
Tuy vậy cũng có một số tín hiệu đáng mừng là một số các quốc gia như Botswana, Eswatini, Cộng hòa Thống nhất Tanzania, Zimbabwe đã đạt được mục tiêu 95 – 95 – 95 và thêm 16 quốc gia sắp đạt được các cột mốc này.
Rào cản thực hiện mục tiêu
Để đạt mục tiêu 95 – 95 – 95 cũng sẽ đòi hỏi phải tiếp cận tốt hơn nhóm bé gái tuổi vị thành niên và phụ nữ trẻ, nhất là trong công tác phòng ngừa và xét nghiệm. Gần một trong 6 trường hợp nhiễm HIV mới vào năm 2022 là trẻ em gái và phụ nữ từ 15 – 24 tuổi. Nhiều người trong số họ sống ở châu Phi cận Sahara.
GS Abdool Karim – Phó Giám đốc khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Chương trình AIDS (Nam Phi) cho biết, sau khi được chẩn đoán và bắt đầu điều trị ARV, tỷ lệ ức chế virus ở phụ nữ cao và từ đó khả năng sống sót của phụ nữ cũng cao. Để điều trị ARV trước tiên đòi hỏi bệnh nhân phải được xét nghiệm HIV để biết tình trạng nhiễm HIV của mình nhưng hiện nay tỷ lệ xét nghiệm HIV nhìn chung vẫn ở mức thấp.
Hiện nay, nhiều khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi HIV/AIDS vẫn thiếu các chương trình phòng ngừa dành cho phụ nữ trẻ và một số chương trình hiện có thường bỏ sót nhóm bé gái không được đến trường. Trong khi đó, nhóm này phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo dục, nghèo đói, mất an ninh lương thực nên nguy cơ nhiễm HIV đặc biệt cao. Vì vậy, cải thiện khả năng tiếp cận của các bé gái với các dịch vụ phòng ngừa cũng như giáo dục giới tính trong và ngoài trường học được coi là chìa khoá để giảm tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm này.
Chi phí cũng là rào cản lớn trong việc thực hiện mục tiêu 95 – 95 – 95. Theo ông Abdool Karim, các công cụ chấm dứt dịch bệnh đến năm 2030 sẽ phát huy tác dụng nhưng chỉ khi chúng đến được với người cần chúng. Đơn cử, thuốc Cabotegravir có tác dụng cao trong việc phòng ngừa HIV vẫn chưa được sử dụng rộng rãi do giá thành cao, khoảng 3.700 USD mỗi liều tại Mỹ. Vì mức giá cao, thuốc này chưa được lưu hành ở châu Phi, nơi có tỷ lệ nhiễm HIV mới cao nhất.
Bên cạnh đó, xét nghiệm tải lượng virus HIV rất tốn kém cho người bệnh nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước hoặc các dự án quốc tế. Ngoài ra, khoảng 25% người dân ngừng điều trị ARV do họ phải đối mặt với sự kỳ thị, không thể đến phòng khám hoặc không đủ khả năng điều trị.
Các chuyên gia đều đồng thuận rằng còn nhiều trở ngại trên con đường chấm dứt đại dịch HIV/AIDS nhưng chúng ta có tất cả các công cụ để đạt được điều đó. Mục tiêu 95 – 95 – 95 cũng không đồng nghĩa dừng việc tìm kiếm vắc-xin và thuốc điều trị HIV, dù điều này rất khó khăn.