Trẻ OVC là trẻ nhiễm HIV và trẻ em có nguy cơ cao nhiễm HIV do mồ côi bố hoặc mẹ hoặc cả hai bố mẹ chết vì những lý do liên quan đến HIV/AIDS.
Trẻ OVC là trẻ nhiễm HIV và trẻ em có nguy cơ cao nhiễm HIV do mồ côi bố hoặc mẹ hoặc cả hai bố mẹ chết vì những lý do liên quan đến HIV/AIDS. Trẻ em, đặc biệt là trẻ OVC dễ bị thiệt thòi về nhiều mặt trong đời sống xã hội, không có đầy đủ các quyền được sống, được phát triển, được bảo vệ, được tham gia. Trong bối cảnh HIV đang có xu hướng giảm dần hiện nay, vẫn rất cần những can thiệp để không còn trẻ OVC mới, không còn tử vong do AIDS, không còn kỳ thị phân biệt đối xử với trẻ OVC.
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20 tháng 2 năm 1990, cách đây đã 24 năm. Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vào năm 1991 và Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi số 25/2004/QH11 ngày 15 tháng 6 năm 2004. Các quyền đó bao gồm 1. Quyền của trẻ em được sống và được đáp ứng những nhu cầu để tồn tại, như mức sống đủ, có nơi ở, dinh dưỡng và chăm sóc sức khoẻ. 2. Quyền được phát triển như trẻ em cần có điều kiện thuận lợi để phát triển đầy đủ nhất, được giáo dục, vui chơi, hoạt động văn hóa, tiếp cận thông tin. 3. Quyền được bảo vệ như trẻ em phải được bảo vệ, chống tất cả các hình thức lạm dụng, sao nhãng và bóc lột. 4. Quyền được tham gia như trẻ em được đóng một vai trò tích cực trong cộng đồng và đất nước của các em, gồm sự tự do diễn đạt, bày tỏ quan điểm của trẻ em.
Rào cản về xã hội. Kỳ thị và phân biệt đối xử
Một ngày ở Mỹ Đức vào tháng 2 năm 2014 đã cho tôi những bằng chứng xác thực. Chị Hoàng T. cho biết:“Trường lúc đầu không cho trẻ đến lớp; sau đó trường cho phép cháu đến lớp nhưng phải ăn riêng, ngủ riêng. Lý do là cô giáo không dám nhận trẻ vì các phụ huynh lớp không đồng ý. Họ sợ rằng trẻ chơi cùng nhau, cào cấu, cắn nhau sẽ bị lây nhiễm HIV. Có trường bắt buộc phải có giấy chứng nhận trẻ không nhiễm HIV mới cho vào lớp. Có trường hợp nếu nhà trường và cô giáo cho trẻ đến lớp, các phụ huynh khác tẩy chay bằng cách không cho con họ đi học để trẻ nhiễm HIV một mình với cô giáo”. Có bà mẹ dạy con: “Con kia SIDA, không chơi với con SIDA”. Chị Nguyễn T.N. nói: “..ở công ty may X. họ đã ép buộc một chị phải nghỉ việc” . Ngay cả trong ngành y tế cũng có kỳ thị và phân biệt đối xử. Chị LTM. nói “chồng tôi khi đau mắt đến khám mắt ở trạm, được chuyển lên tuyến trên, lên tuyến trên chỉ có nhỏ thuốc mắt xong là về ngay”.
Rào cản về kinh tế
Nhiều trẻ OVC thường ở các hộ nghèo. Theo Chi hội Mỹ Đức, 70% người có thu nhập trong hộ là nữ, 14% số người chăm sóc trẻ OVC cho biết họ có thu nhập dưới 400.000 VND/tháng, dưới mức chuẩn nghèo mới được đề xuất gần đây đối với khu vực đô thị. Phần lớn các hộ (66%) chỉ có duy nhất một người có thu nhập. Họ cho biết thu nhập không đủ trang trải các chi phí cần thiết cho nhu cầu dinh dưỡng, học hành và y tế, đặc biệt là khi gia đình có một hoặc hai người đau ốm. Thực tế trẻ OVC phải đi làm thêm lấy tiền chi trả học phí (50%) và quần áo (17%). Khi kinh tế khó khăn, trẻ OVC ăn không đủ số lượng và chất lượng sẽ dẫn đến tình trạng trẻ thiếu dinh dưỡng. Khả năng đề kháng do đó kém, càng dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội.
Rào cản về truyền thông.
Trước đây nội dung truyền thông thường nhấn mạnh và gây ấn tượng HIV/AIDS là do nguyên nhân tệ nạn xã hội. Chi. PTN. chia sẻ: “Ở xã em cứ khi nghĩ đến HIV là liên quan đến tệ nạn mại dâm, ma túy, nói đến HIV là nói đến cái xấu, là hình ảnh đầu lâu xương sọ và da lở loét” gây ấn tượng xấu đậm nét với cộng đồng. Một số bà con thường đánh đồng người nhiễm HIV với người nghiện ma túy. Người có HIV chưa dám bộc lộ thẳng thắn những hiểu biết về HIV, những trải nghiệm và nỗi đau của người bị nhiễm, bị kỳ thị và xa lánh để cộng đồng chung tay giúp đỡ và cũng làm thay đổi thái độ, ý thức của người xung quanh. Các văn bản về luật PC HIV/AIDS chưa được phổ biến đến tất cả mọi người trong cộng đồng; một số người nhiều khi biết luật nhưng không thực hiện.
Mong muốn của các cháu và của người có HIV. Tới 26% các cháu mong muốn sau này làm bác sĩ và 23% muốn làm giáo viên. Trẻ OVC thường lớn lên trong hoàn cảnh đau ốm và chết chóc, bản thân trẻ cũng bị mặc cảm và có khi tự kỳ thị mình. Các em muốn trở thành bác sĩ vì các em tin sau này “mình là bác sĩ có thể cứu chữa cho mọi người trong nhà” và “là cô giáo sẽ đối xử tốt với trẻ nhiễm HIV”. Các thành viên trong Chi hội Mỹ Đức đề nghị được tiếp cận thông tin, được giúp đỡ để có cơ sở, nơi hoạt động, sinh hoạt. được chăm sóc y tế để ổn định sức khỏe; được có việc làm, không bị đuổi việc; có thu nhập cho gia đình con cái và đủ điều kiện chăm sóc trẻ OVC.
Rõ ràng kỳ thị và phân biệt đối xử là vấn đề đang tồn tại luôn ám ảnh người có H và trẻ OVC ở vùng này. Những mong muốn của trẻ OVC và của NCH trong huyện Mỹ Đức và cả các huyện lân cận gắn bó với Chi hội Mỹ Đức là thiết thực và cần được mọi người trong xã hội thực sự quan tâm và hỗ trợ. Chính quyền địa phương nên kiên quyết xóa bỏ các rào cản dẫn đến kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ OVC và các gia đình có NNH. Cần nâng cao kiến thức, nhận thức và kỹ năng về phòng chống HIV/AIDS cho cán bộ ngành giáo dục và ngành y tế cũng như cho trẻ OVC và NNH, đảm bảo mọi trẻ em được đi học, mọi người lớn được đi làm, mọi người ốm được chăm sóc. Giáo dục phổ cập và đào tạo, dạy nghề cho trẻ OVC và người có HIV.Các cấp chính quyền cần xem xét chế độ trợ cấp, hỗ trợ việc làm cho gia đình trẻ OVC, xem xét việc tiếp tục cấp thẻ hộ nghèo cho các gia đình có trẻ OVC và người nhiễm HIV. Các ngành liên quan và chính quyền các cấp cần tháo gỡ các rào cản về kinh tế để giúp gia đình có trẻ OVC có điều kiện lao động và chăm sóc trẻ OVC phát triển như mọi trẻ em khác.
BS Đặng Văn Khoát