Trong tháng 11.2014, Nhóm Vận động phát triển Chính sách y tế dựa vào bằng chứng khoa học (Evidence Based Health Policy Development.
Sơ đồ của nhóm nghiên cứu EBHPD – RTCCD
Trong tháng 11.2014, Nhóm Vận động phát triển Chính sách y tế dựa vào bằng chứng khoa học (Evidence Based Health Policy Development. EBHPD) và Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) đã tiến hành nghiên cứu về thực trạng Bảo hiểm Y tế Việt Nam tại tuyến xã.
Điều 8 của Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) 2014 quy định là Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp có trách nhiệm a/ Chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT; b/ Bảo đảm kinh phí đóng BHYT cho các đối tượng được ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ theo quy định của luật; c/ Tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về BHYT và d/ Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về BHYT. Ngoài việc thực hiện trách nhiệm quy định nói trên, UBND cấp xã (phường, thị trấn) còn có trách nhiệm lập danh sách tham gia BHYT trên địa bàn cho các đối tượng quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 12 của Luật theo hộ gia đình và lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em đồng thời với việc cấp giấy khai sinh.
Theo TS. BS Trần Tuấn, Giám đốc RTCCD, chủ nhiệm đề tài, nghiên cứu giai đoạn 1 về “Thực trạng công tác cấp thẻ BHYT cho nhóm đối tượng được NSNN đóng hoặc hỗ trợ mức đóng,” thì thực trạng BHYT Việt Nam còn nhiều vấn đề tồn tại phát hiện được ở xã Nguyễn Úy, huyện Kim Bảng; ở phường Lương Khánh Thiện, thành phố Phủ Lý, Hà Nam cũng như tại xã Phù Linh và xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện phỏng vấn sâu 23 cán bộ thuộc BHXH tỉnh, huyện, Phòng Lao động- Thương binh- Xã hội huyện, UBND cấp xã, và 17 người thuộc nhóm đối tượng đích (người hưởng BHYT do NSNN đóng) cũng như thu thập và xem xét hồ sơ, tài liệu bao gồm các văn bản pháp quy, các hướng dẫn, số liệu từ các cơ quan liên quan.
Thiếu sót qua sơ đồ trên đây là do có nhiều cơ quan in thẻ, cấp thẻ; việc khai thẻ, duyệt thẻ và cấp thẻ lại qua 3 cấp xã, huyện và tỉnh nên Ủy ban Nhân dân xã không quản được những người có thẻ BHYT dẫn đến thông tin trên thẻ sai, trùng thể, cấp thẻ chậm.. Một số ít hộ dân không mặn mà với việc cán bộ đến hộ hỏi sổ hộ khẩu, hỏi chứng minh thư, hoặc bị ép mua thẻ, nhưng khi có thẻ khám ở Trạm y tế xã thì không đủ thuốc, lên huyện lên tỉnh thì xa, ăn đợi nằm chờ tốn kém, thủ tục khó khăn. Có gia đình nhận mình là người có công với cách mạng nhưng không được cấp thẻ ưu tiên. Một số hộ có người nhà đi làm ăn xa, không trả lời được ngay về các thông tin liên quan đến thẻ bảo hiểm. Tâm tư của người dân ở các địa bàn điều tra được gửi vào bài thơ sau đây:
Đường vào xã Nguyễn Úy. Huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam
AI VỀ BảO HIểM QUÊ TÔI
Hà Nam thử nghiệm mô hình, Người dân tâm sự nhắn mình hiểu ta,
Bà con vắng mặt đi xa, Kiên trì gặp lại mới là vì dân!
Có công cách mạng ân nhân, Gia đình tôi có người thân thiệt thòi,
Hộ gia đình vẫn tách rời, Bảo hiểm nhà nước có người làm riêng!
Thế nên trùng thẻ tốn tiền, Hỏi bao công sức giữ nguyên mô hình?
Ủy ban dù có tận tình, Cũng không quản được tình hình rối ren..
Nhiều ngành thu thập thông tin, Dân chưa hợp tác biết tìm nơi đâu?
Nâng cao nhận thức hàng đầu, Tìm mô hình mới, có cầu mới cung!
Giao cho tổ chức cộng đồng, Nhà nước hỗ trợ mới mong hoàn thành,
Đôi lời nhắn nhủ phân minh, Nếu chưa thay đổi, có mình thiếu ta!
BS Đặng Văn Khoát