Đánh giá những đóng góp của các tổ chức xã hội trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian qua, Giám đốc dự án thành phần Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) – Dự án quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS.
– Thưa Bà, Bà đánh giá như thế nào về vai trò của các tổ chức xã hội trong việc thực hiện chính sách, cũng như giám sát Luật phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua?
Giám đốc Đỗ Thị Vân: Trong thời gian vừa qua, các tổ chức xã hội với thế mạnh là tổ chức gắn kết chặt chẽ với cộng đồng và mang tính tự nguyện đã rất chủ động và tích cực tham gia vào hoạt động phòng chống HIV/AIDS, qua đó đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ như truyền thông thay đổi hành vi, giáo dục đồng đẳng, phân phát bơm kim tiêm sạch và bao cao su. Đặc biệt, các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) đóng vai trò chủ chốt trong chăm sóc tại nhà và chăm sóc trẻ em mồ côi, trẻ nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS (OVC). Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội còn tích cực hoạt động trong chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV thông qua hoạt động nghiên cứu, xây dựng bộ công cụ chống kỳ thị và phân biệt đối xử điển hình như Viện nghiên cứu phát triển xã hội – ISDS, thông qua các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, các phương tiện truyền thông…
Hoạt động giám sát, đánh giá của các tổ chức xã hội cũng hết sức cần thiết. Các tổ chức này cũng đã tham gia vào đóng góp dự thảo Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) với sự hỗ trợ của UNAIDS (Chương trình HIV/AIDS của Liên Hiệp Quốc) đã tổ chức cho các tổ chức xã hội tham gia đóng góp vào báo cáo UNGASS năm 2012 (Phiên họp đặc biệt của đại hội đồng Liên Hiệp Quốc) năm 2011 là Diễn đàn xã hội dân sự hợp tác phòng chống AIDS (VCSPA).
Tuy nhiên, có thể khẳng định, một trong các đóng góp đáng ghi nhận trong thời gian vừa qua của các tổ chức xã hội đó là việc huy động nguồn lực quốc tế. Theo thống kê của Bộ Tài chính, từ năm 2004 -2009 các tổ chức phi chính phủ (NGO) đã huy động được 2,6 triệu USD, và đến giai đoạn 2011 – 2012 là 5,9 triệu USD trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
– Theo Bà, làm thế nào để thu hút được sự đầu tư của các nhà tài trợ và của các tổ chức xã hội cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS?
Giám đốc Đỗ Thị Vân: Hiện nay hoạt động của các tổ chức xã hội chủ yếu dựa vào nguồn lực quốc tế, nguồn từ ngân sách nhà nước gần như chưa có cơ chế để hỗ trợ. Theo báo cáo của Bộ Tài chính trong 5 năm qua, nguồn từ ngân sách nhà nước chỉ cấp khoảng 1,3 tỷ đồng cho các tổ chức hội lớn như Hội Nông dân, Hội Chữ thập Đỏ… Những tổ chức xã hội chưa tiếp cận được nguồn này. Tuy nhiên, với trách nhiệm xã hội, vừa qua VUSTA đã tập hợp các tổ chức trực thuộc, gồm các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm với sự hỗ trợ của UNAIDS, VUSTA đã mạnh dạn gửi đề xuất đến Quỹ Toàn cầu hợp phần của các tổ chức xã hội dân sự với tổng kinh phí được hỗ trợ 16,7 triệu USD. Từ việc huy động nguồn lực từ Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, chúng tôi rút ra được bài học đó là nắm bắt cơ hội, phát huy nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ và sự cần thiết của việc hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế.
– Trong chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 có rất nhiều nhiệm vụ của các tổ chức xã hội, thưa Bà?
Giám đốc Đỗ Thị Vân: Đúng vậy. Trong chiến lược nêu rõ rất nhiều nhiệm vụ gồm: xây dựng chính sách, kế hoạch giám sát đánh giá, đào tạo nghề, đào tạo cho những người nhiễm HIV về kỹ năng chăm sóc, tư vấn để tham gia công tác trong việc điều trị cho bệnh nhân… Để đóng góp một cách có hiệu quả trong thời gian tới, các tổ chức xã hội xác định cần phải nâng cao năng lực để thực hiện các dịch vụ dự phòng, giảm hại, hỗ trợ điều trị, kỹ năng chăm sóc tại nhà và cộng đồng; giám sát đánh giá; kỹ năng truyền thông, vận động chính sách tạo môi trường thuận lợi cho sự tham gia của các tổ chức xã hội; phát triển tổ chức, mạng lưới; và huy động nguồn lực trong phòng chống HIV/AIDS…
– Hiện nay các tổ chức xã hội quy mô còn nhỏ, năng lực còn hạn chế, theo Bà cần những giải pháp gì để sự tham gia của các tổ chức xã hội được nhiều hơn nữa trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS?
Giám đốc Đỗ Thị Vân: Việc đầu tiên là phải nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội để có thể cung cấp được các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS, để có đủ điều kiện tiếp nhận khi Nhà nước chuyển giao công việc này cho các tổ chức xã hội. Trong đó, cần chú trọng đến năng lực vận động chính sách và phát triển tổ chức, đồng thời tăng cường sự kết nối giữa các tổ chức trong nước, khu vực và quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường học hỏi giữa các tổ chức để xây dựng hệ thống cộng đồng bền vững.
– Để các tổ chức xã hội hoạt động có hiệu quả, Bà có kiến nghị gì với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các tổ chức hoạt động?
Giám đốc Đỗ Thị Vân: Để tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội một cách có hiệu quả trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS, tôi cho rằng, Nhà nước sớm ban hành luật về Hội nhằm tạo điều kiện để các tổ chức cộng đồng đăng ký hoạt động hợp pháp, tạo cơ chế bình đẳng để các tổ chức xã hội cung cấp dịch vụ phòng chống HIV/AIDS. Trong thời gian tới, nguồn quốc tế tài trợ cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS giảm dần, Nhà nước cần dành nguồn ngân sách phù hợp cho hoạt động này, trong đó có phần ngân sách cho các tổ chức xã hội. Và cuối cùng là cần chính sách ưu đãi về thuế đối với những tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS.
– Xin cám ơn Bà!