Trang Chủ Tin tức Báo chí viết về chúng ta Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nhiễm HIV

Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nhiễm HIV

201
0

Là đơn vị thực hiện, chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động của Dự án Thành phần VUSTA (thuộc dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS) trên 2 tỉnh là TP.HCM và Bình Dương. Trung tâm Nâng cao Chất lượng Cuộc sống (Trung tâm Life) đã luôn nỗ lực để dự án đạt hiệu quả cao, giúp cho những người nhiễm HIV/AIDS, nguy cơ cao nhiễm HIV được tiếp cận dịch vụ tư vấn, chăm sóc và phòng tránh HIV/AIDS.

Là đơn vị thực hiện, chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động của Dự án Thành phần VUSTA (thuộc dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS) trên 2 tỉnh là TP.HCM và Bình Dương. Trung tâm Nâng cao Chất lượng Cuộc sống (Trung tâm Life) đã luôn nỗ lực để dự án đạt hiệu quả cao, giúp cho những người nhiễm HIV/AIDS, nguy cơ cao nhiễm HIV được tiếp cận dịch vụ tư vấn, chăm sóc và phòng tránh HIV/AIDS.

 

tai-xuong
Bác sĩ Hàng Thị Xuân Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Life phát biểu trong buổi họp tổng kết dự án – Ảnh Trà My

 

Phóng viên Trang tin điện tử Tiếng Chuông đã có dịp trao đổi với Bác sĩ Hàng Thị Xuân Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Life về kết quả, những khó khăn và thuận lợi của dự án trong thời gian qua.

PV: Xin bà cho biết kết quả của Dự án Thành phần VUSTA TP.HCM và Bình Dương trong năm qua có gì nổi bật và khác biệt so với năm 2013?

BS Hàng Thị Xuân Lan: Dự án Thành phần VUSTA TP.HCM và Bình Dương thuộc Dự án thành phần Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam – Dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS. Dự án hướng đến giảm lây nhiễm, giảm tử vong do HIV, nâng cao chất lượng cuộc sống của người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV ở các TP.HCM và tỉnh Bình Dương thông qua việc nâng cao năng lực, tăng cường sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức xã hội vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.

Trong năm qua, kết quả nổi bật nhất của dự án chính là sự phát triển không ngừng và bền vững của các tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng (CBO). Kết quả thể hiện ở hiệu quả hoạt động, điều hành cơ cấu nhân sự rõ ràng, ít thay đổi, phân công công việc cho các thành viên hợp lý và quan trọng là các thành viên đều hiểu rõ công việc và trách nhiệm của mình.

Bên cạnh đó, không chỉ tuân thủ tốt những qui định của dự án Thành phần VUSTA TP.HCM và Bình Dương như lập kế hoạch hoạt động, giám sát, quản lý tài chính và thanh quyết toán… Các CBO còn rất nỗ lực, sang tạo và chủ động trong những hoạt động tích cực, góp phần giảm thiểu lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Về việc hoàn thành các chỉ tiêu cam kết của dự án và tỷ lệ giải ngân của năm, Trung tâm LIFE và các CBO đã đạt 94,6%. Số liệu thống kê cho thấy, 16.147 khách hàng là nhóm đích đã được các CBO tiếp cận và chăm sóc, tăng 11% so với năm 2013. Bên cạnh đó, tỷ lệ xét nghiệm HIV đạt được là 53,2%, cao hơn so với năm 2013 (đạt 21%).

Đặc biệt, trong năm qua UBND tỉnh, Trung tâm phòng, chống HIV tỉnh và các cơ sở y tế quận/huyện cùng với LIFE và các CBO đã thống nhất được qui trình chuyển gửi từ dự phòng đến chăm sóc, qui trình kiểm tra và xác minh các số liệu, qui trình thu thập thông tin và phản hồi các ý kiến của cộng đồng nhằm cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ.

Ngoài ra, mỗi CBO còn được cơ cấu “kết nghĩa” với một quận/huyện “thân thiện” để việc can thiệp và quản lý được tập trung và có chất lượng hơn. CBO sẽ chịu trách nhiệm tìm kiếm và chăm sóc khách hàng nhóm đích trên quận/huyện được phân công, đồng thời kết nối với các cơ sở y tế, bệnh viện, các ngành chức năng và chính quyền địa phương.

Thêm vào đó, đại diện các CBO còn được tham gia vào các cuộc họp xây dựng chiến lược, định hướng hoạt động hoặc các cuộc họp giao ban của các đơn vị y tế, từ đó giúp hiểu hơn về tình hình dịch và triển khai các hoạt động trên nhóm đích hiệu quả hơn.

PV: Xin bà cho biết những khó khăn và thuận lợi khi triển khai dự án? Theo bà cần phải có những giải pháp gì để giải quyết những khó khăn trên?

BS Hàng Thị Xuân Lan: Để đạt được kết quả như trên, trong thời gian qua, Dự án Thành phần VUSTA TP.HCM và Bình Dương đã luôn nhận được sự chỉ đạo và hỗ trợ sát sao của các đơn vị quản lý cấp trên là Cục phòng chống HIV/AIDS, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), và các đơn vị Quốc tế hỗ trợ kỹ thuật cho dự án là tổ chức PACT và CARE.

Bên cạnh đó, các đơn vị y tế địa phương đã lắng nghe các ý kiến phản hồi của cộng đồng, hỗ trợ và giải quyết nhanh chóng những khó khăn, vướng mắc của các CBO trong việc cung cấp và sử dụng dịch vụ chuyển gửi nhóm đích.

Ngoài ra, không thể không nói đến tính trách nhiệm, chủ động của các CBO, giúp họ trưởng thành và đang ngày càng gây dựng được uy tín, không chỉ trong cộng đồng nhóm đích mà còn cả ở các đơn vị, ban ngành chức năng khác.

Tuy nhiên, dự án không tránh khỏi những khó khăn, đòi hỏi chúng ta cần phải nỗ lực và tìm cách vượt qua. Đầu tiên là các nhóm đích của dự án là những nhóm người đã và vẫn đang bị kỳ thị và phân biệt đối xử của xã hội. Mặc dù, tình trạng này đã được cải thiện nhiều, nhưng đây vẫn còn là khó khăn cơ bản nhất của dự án.

Để giải quyết vấn đề này, cần phải có sự kết hợp từ hai phía, đó là từ bản thân của nhóm đích và từ cộng đồng xã hội. Hiện nay, các CBO đang hỗ trợ kiên trì để giúp cộng đồng nhóm đích tự tin hơn để “vượt qua chính mình” và các hoạt động truyền thông giảm kỳ thị sẽ vẫn tiếp tục được dự án tiếp tục thực hiện.

Khó khăn nữa là không phải ai cũng hiểu đầy đủ về mô hình can thiệp thông qua CBO. Đồng thời, cũng không phải ai cũng hiểu được sự cần thiết phải đẩy mạnh hệ thống cộng đồng như là “Một chân trong cái kiềng 3 chân: nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng” để giúp xã hội phát triển bền vững hơn, trong đó có cả chương trình can thiệp phòng, chống HIV/AIDS. Chính vì vậy, trong thời gian tới, dự án sẽ kiên trì truyền thông, vận động chính sách để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển của hệ thống.

PV: Xin bà cho biết, trong năm 2015, dự án sẽ tập trung triển khai những hoạt động gì?

BS Hàng Thị Xuân Lan: Trong năm 2015, Trung tâm Life sẽ là đơn vị triển khai dự án ở 5 tỉnh là: TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai và Khánh Hòa. Trong đó, tỉnh Đồng Nai và Khánh Hòa là 2 tỉnh mới của dự án, còn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được Trung tâm LIFE tiếp quản từ Trung tâm COHED.

Từ năm 2015 trở đi, dự án sẽ chỉ can thiệp trên 3 nhóm đích ở tất cả các tỉnh là nhóm nam quan hệ tình dục với nam (MSM), người tiêm chích ma túy (IDU) và phụ nữ mại dâm (MSM). Nhóm người nhiễm HIV và trẻ nhiễm, ảnh hưởng (OVC) sẽ ngưng can thiệp từ năm 2015.

Đặc biệt, dự án sẽ chú trọng 3 định hướng quan trọng nhất bao gồm: Tăng số người thuộc nhóm đích mà có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV tham gia dự án, tăng phân phát vật phẩm y tế (bao cao su, chất bôi trơn, bơm kim tiêm) đến nhóm đích; tăng tỷ lệ xét nghiệm HIV. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác, kết nối với các cơ sở y tế và phát huy mô hình “CBO với quận/huyện thân thiện”.

Xin trân trọng cảm ơn Bác sĩ!

Trà My