Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án VUSTA – Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS. Sự kiện diễn ra với sự tham gia của hơn 500 em học sinh đến từ các khối 11 và 12 đang học tập tại trường cùng các khách mời đến từ các cơ quan, tổ chức đang và các thầy cô giáo của nhà trường.
Tại sự kiện này, nhiều hoạt động trò chơi tìm hiểu kiến thức tại các gian hàng, các hoạt động văn nghệ, truyền thông, chia sẻ kiến thức….đã thu hút sự quan tâm và tham gia của học sinh và người tham dự.
Thầy cô cùng các bạn học sinh trường THPT đăng ký thủ tục tham dự hoạt động sự kiện
Khai mạc chương trình, thầy Nguyễn Quang Thái, hiệu trường trường THPT Đinh Tiên Hoàng thay mặt ban giám hiệu nhà trường gửi lời cảm ơn tới Ban tổ chức chương trình đồng thời phát biểu cảm nghĩ và chia sẻ về tầm quan trọng của các hoạt động xã hội dành cho học sinh, trong đó nhấn mạnh về tầm quan trọng của các hoạt động nâng cao nhận thức về hoạt động phòng chống ma túy, HIV/AIDS.
Thầy Nguyễn Quang Thái cho rằng, trước tình hình phát triển không ngừng của xã hội thì các hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi và phức tạp, đặc biệt là các hoạt động mua bán và sử dụng các chất kích thích, gây nghiện. Trường Đinh Tiên Hoàng nói riêng cũng như các trường THCS, THPT và đại học ở Đồng Nai nói chung, học sinh, sinh viên đang độ tuổi thanh thiếu niên trẻ, đây cũng là đối tượng dễ bị lôi kéo, dụ dỗ bởi các tệ nạn xã hội, chính vì vậy nhà trường rất mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức trong các hoạt động giúp học sinh nâng cao kiến thức và phòng tránh các hiểm họa trên.
Toàn cảnh chương trình truyền thông chia sẻ kiến thức
Đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đồng Nai (CDC), bác sỹ Nguyễn Xuân Quang, Khoa phòng chống HIV/AIDS cũng đã chia sẻ về tình hình sử dụng ma túy và dịch HIV tại địa bàn tỉnh Đồng Nai. Theo đó, BS Bác sỹ Quang cho biết Đồng Nai là một địa phương có tiềm năng về phát triển các hoạt động công nghiệp và là một trong bốn tỉnh, thành phố trọng điểm khu vực phía Nam nên có tỷ lệ lao động nhập cư chiếm đến 50%. Với đặc điểm là vùng kinh tế trọng điểm nên ngoài việc phát triển các khu công nghiệp thì các các dịch vụ giải trí xã hội như Quán Bar, nhà hàng, khách sạn, karaoke, hoặc các dịch vụ, tụ điểm vui chơi, giải trí… ngày càng mở rộng, phát triển. Vì vậy, các nguy cơ về việc tiếp cận, sử dụng mMa túy và các chất gây nghiện dạng thuốc phiện cũng như nguy cơ lây nhiễm HIV ngày càng gia tăng và cần được quan tâm, chú trọng nhiều hơn.
BS Nguyễn Xuân Quang, trung tâm CDC Đồng Nai chia sẻ các kiến thức về ma túy, HIV cho các bạn học sinh
BS Quang cũng cho biết thêm, theo thống kê, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm dân số trẻ 15 – 24 tuổi ở Đồng Nai đã tăng từ 15.6% vào năm 2016 lên 24.3% vào năm 2021. Nguyên nhân xuất phát từ nhiều phía, trong đó có tác động do sử dụng ma túy và các chất gây nghiện. Theo báo cáo của Bộ Công an, tính đến thời điểm tháng cuối năm 2021, cả nước có 238.171 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó, số người nghiện dưới 18 tuổi là khoảng 2.500 người. Tỷ lệ sử dụng ma túy tổng hợp (ATS) chiếm khoảng 70-80% trong số người nghiện. Trong đó, Đồng Nai có 87% trường hợp người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp. Vì vậy, việc hiểu biết và ngăn ngừa việc sử dụng ma túy, phòng chống HIV/AIDS là rất quan trọng và cần thiết, đặc biệt là với thế hệ thanh thiếu niên. Ngoài ra, BS Quang còn chia sẻ thêm nhiều thông tin bổ ích và giải đáp các ý kiến thắc mắc về kiến thức liên quan tới ma túy, HIV/AIDS cho các bạn học sinh tham dự chương trình
Hoạt động trao đổi, chia sẻ kiến thức của học sinh tại sự kiện
Bạn Nguyễn Hữu Tân, học sinh lớp 11A2 cho biết: Trước đây, khi chưa được biết nhiều kiến thức về phòng tránh ma túy và HIV/AIDS thì em chỉ nghĩ rằng việc dùng thử 1-2 lần thì sẽ không thể nào gây nghiện, và bản thân em không nghiện ngập, chơi bời thì sẽ không thể nào có nguy cơ bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, sau buổi chia sẻ ngày hôm nay em mới biết rằng đó là những suy nghĩ sai lầm vì ma túy sẽ gây nghiện và có tác hại rất lớn tới sức khỏe dù chỉ là thử 1 lần. Ngoài ra, nếu mình chủ quan và không có kiến thức bảo vệ mình thì vẫn sẽ có thể có các nguy cơ lây nhiễm và trở thành người có H+.
Cùng tâm trạng với bạn Tân, bạn Hoàng Gia Hân, học sinh lớp 12a3 hào hứng cho biết, sau buổi chia sẻ ngày hôm nay em biết thêm rất nhiều các kiến thức cũng như thuật ngữ mới về các hoạt động cộng đồng, đặc biệt là về ma túy, HIV như: CBO, Methadone, các thuốc như ARV, PEP hay PREP…. Điều này giúp em rất nhiều trong việc bảo vệ bản thân và phòng chống HIV.
Chương trình còn thu hút sự quan tâm của các bạn học sinh với các tác phẩm văn nghệ như vở kịch ngắn “Ma túy – Bóng ma đang bủa vây học đường”. Đây là vở kịch do chính các em học sinh trong Đoàn TNCS HCM của trường biên soạn, dàn dựng và biểu diễn dưới sự hỗ trợ của các anh chị tiếp cận viên đến từ CBO Xuân Hợp, khách mời hỗ trợ trong thời gian qua với mục đích truyền tải thông điệp về tác hại nguy hiểm của ma túy đến sức khỏe cũng như tinh thần của mỗi con người và tuyên truyền hoạt động phòng chống, đẩy lùi ma túy.
Tiểu phẩm kịch “Ma túy – Bóng ma đang bủa vây học đường” do các bạn học sinh trường ĐTH biểu diễn
Kết thúc chương trình là bài hát tập thể “Sống như những đóa hoa” và hoạt động chụp hình lưu niệm do toàn bộ các bạn học sinh cùng quý vị đại biểu tham dự chương trình đồng hành thể hiện.
Hoạt động chụp hình lưu niệm, kết thúc chương trình.