Phát biểu khai mạc hội nghị “Tăng cường vai trò của cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS” , TS. BS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Gần 30 năm đại dịch HIV xuất hiện tại Việt Nam cũng như 5 năm Việt Nam cam kết hưởng ứng mục tiêu 90 – 90 – 90 của Liên Hiệp Quốc, Hiện với mục tiêu này ở mục tiêu thứ nhất và thứ 2 chúng ta đã đạt được 80-70 và mục tiêu thứ ba (90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp và ổn định) chúng ta đã đạt con số 95% (vượt mục tiêu 90%). Đây là một kết quả ấn tượng bởi nếu người nhiễm HIV đạt được ngưỡng ức chế tải lượng virus thì không có khả năng lây nhiễm HIV cho bạn tình qua đường tình dục.
Bs Hoàng Đình Cảnh cũng chia sẻ về Tháng hành động về phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng chống AIDS 1/12 với chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS”, chủ đề này nhấn mạnh sự tham gia mạnh mẽ với tất cả các bên, từ các cơ quan chính phủ, các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ, các NGO, và đặc biệt nhấn mạnh vai trò đặc biệt của các tổ chức cộng đồng trong việc ứng phó và hướng tới chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.
BS Nguyễn Thị Minh Tâm – Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng cho biết những kết quả hết sức khả quan của Việt Nam trong cuộc chiến với đại dịch. Trong thời gian qua nước ta không chỉ triển khai toàn diện công tác phòng chống HIV/AIDS mà còn ứng dụng các mô hình mới về phòng, chống HIV/AIDS; mở rộng các dịch vụ và loại hình xét nghiệm (xét nghiệm tại cộng đồng, tự xét nghiệm) , điều trị (điều trị sớm, điều trị trong ngày). Theo đó, đã có 10.000 trường hợp nhiễm HIV được phát hiện. Với 1.345 cơ sở xét nghiệm sàng lọc, 33 tỉnh thành đã có xét nghiệm HIV tại cộng đồng, cho thấy mức độ phủ sóng rộng rãi của của các dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu của cộng đồng. BS Nguyễn Minh Tâm cũng cho biết Việt Nam cũng cập nhập các phương án dự phòng thế hệ mới – Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) đã được triển khai khá tốt, tốc độ tăng trưởng khách hàng nhanh hơn so với nhiều nước trong khu vực, khi hiện tại có khoảng hơn 5.000 người đang duy trì điều trị. Đây là nỗ lực của ngành y tế và sự kết nối của tổ chức cộng đồng, đặc biệt là các tổ chức làm việc với những nhóm người nam quan hệ tình dục đồng giới.
Chiến dịch quốc gia K=K (Không phát hiện bằng không lây truyền) cũng đã được thực hiện rộng rãi đem đến những tác động tích cực trong cộng đồng, tăng khả năng tiếp cận của người dân đến với các dịch xét nghiệm, điều trị, đồng thời thông điệp K=K cũng làm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử của cộng đồng và tại cơ sở y tế.
Ông Mark P. Troger – Giám đốc điều phối PEPFAR Việt Nam phát biểu ghi nhận những đóng góp to lớn của các tổ chức cộng đồng cho chương trình phòng chống HIV/AIDS cũng như mối quan hệ hợp tác tích cực giữa Cục Phòng, chống HIV/AIDS, các cơ quan quản lý y tế ở các địa phương và các tổ chức cộng đồng. Đồng thời, ông Troger cũng rất ấn tượng về cách thức tổ chức, chia sẻ trách nhiệm, cùng chung tay hướng tới mục tiêu to lớn là kiểm soát dịch và cải thiện chất lượng cuộc sống của những người chịu ảnh hưởng bởi HIV. Ông nhấn mạnh, tổ chức cộng đồng là lực lượng nòng cốt trong phòng, chống HIV/AIDS ngay từ giai đoạn đầu của bệnh dịch này; Họ là người hiểu rõ môi trường chính trị, văn hóa và cung cấp thông tin cho việc xây dựng các mô hình cung cấp dịch vụ, và cũng chính họ hiểu rõ tiếng nói của các quần thể chịu ảnh hưởng
Tại Hội thảo, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng đã tặng Giấy khen cho các tổ chức cộng đồng và các cá nhân có đóng góp cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian qua.