Trang Chủ Tin tức Ngân sách cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS năm 2017 sẽ ra...

Ngân sách cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS năm 2017 sẽ ra sao?

327
0

Vấn đề ngân sách cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS hiện nay rất được quan tâm khi nguồn viện trợ – nguồn ngân sách chủ yếu cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian qua phụ thuộc vào viện trợ đang bị cắt giảm nhanh. Vậy nguồn ngân sách nào để đảm bảo cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS?

Để giúp các bạn hiểu hơn vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Hoàng Long – Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.

Ảnh. PGS.TS Nguyễn Hoàng Long Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.
Ảnh. PGS.TS Nguyễn Hoàng Long Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.
  1. Thưa ông, trong suốt 27 năm qua, Việt Nam đã triển khai công tác phòng chống HIV/AIDS và thu được nhiều kết quả khả quan. Là người quản lý trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS, ông có đánh giá như thế nào về sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước đối với công tác tác phòng chống HIV/AIDS?

Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS trong những năm qua đã nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện bằng quan điểm chỉ đạo, tổ chức hệ thống phòng, chống HIV/AIDS từ trung ương đến địa phương, xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, đồng thời đầu tư hỗ trợ ngân sách cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Tuy  nhiên, do điều kiện khó khăn nên đầu tư của ngân sách nhà nước cho phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian qua còn ít; khoảng 80% kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS trong giai đoạn vừa qua là từ nguồn viện trợ nước ngoài, ngân sách nhà nước chỉ chiếm khoảng 20%.

  1. Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về Dự thảo Quy định quản lý và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ khám sức khỏe, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Theo đó, mức hỗ trợ 100% chi phí khám sức khỏe, điều trị nghiện đối với người tham gia điều trị tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc của Nhà nước; 95% đối với người tham gia điều trị nghiện tại các cơ sở điều trị nghiện thuộc một trong các đối tượng quy định tại Khoản 3 điều 22, Nghị định số 90/2016/NĐ-CP. Ông đánh giá như thế nào về mức hỗ trợ này của ngân sách nhà nước?

Nghiện các chất dạng thuốc phiện ở nước ta hiện nay được coi là một bệnh. Chính phủ đã ban hànhNghị định số 90/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2018 quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế trong đó có quy định về chế độ chính sách với người tham gia điều trị nghiện. Tôi cho rằng mức hỗ trợ trong dự thảo về Quy định quản lý và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ khám sức khỏe, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế trong đó có các mức hỗ trợ như vậy là cần thiết, phù hợp và thể hiện sự quan tâm rất lớn của Chính phủ đối với vấn đề này.

  1. Để đảm bảo công tác phòng chống HIV/AIDS đạt hiệu quả như mong muốn, ngoài việc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, rất cần có những đổi mới trong việc thu hút nguồn xã hội hóa vào hỗ trợ công tác phòng chống HIV/AIDS. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Công tác phòng, chống HIV/AIDS rất cần sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức và toàn xã hội. Tuy nhiên, nói đến xã hội hóa để huy động nguồn tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS là vấn đề rất khó khăn. Chúng ta biết sử dụng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS là người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS, người nghiện ma túy, phụ nữ bán dâm… Hầu hết họ là những người nghèo, rất khó khăn về kinh tế, nên khó có khả năng chi trả dịch vụ. Do vậy, các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu phải dựa vào ngân sách của Nhà nước và bảo hiểm y tế. Một số dịch vụ có thể huy động người sử dụng đóng góp một phần, như tiếp thị bao cao su, bơm kim tiêm, điều trị Methadone.

  1. Trong năm 2017, ngân sách nhà nước sẽ được sử dụng cho những lĩnh vực nào trong công tác phòng chống HIV/AIDS?

Ngân sách nhà nước năm 2017 cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS chưa được thông báo, nhưng dự báo cũng rất hạn chế, sẽ được tập trung chủ yếu chi cho các nội dung cấp thiết, phục vụ trực tiếp cho người bệnh, như mua thuốc ARV, thuốc Methadone…

  1. Đến thời điểm hiện tại, có bao nhiêu cơ sở điều trị nghiện chất? Tổng chi phí cho một bệnh nhân điều trị methadone cho một tháng điều trị là bao nhiêu tiền? Kinh phí để duy trì hoạt động này hiện tại và tương lai lấy từ nguồn nào?

Tính đến nay, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được triển khai tại 63 tỉnh/thành phố với 275 cơ sở điều trị và 126 cơ sở cấp phát thuốc, đang điều trị cho 50.766 bệnh nhân.

Về chi phí điều trị cho một bệnh nhân điều trị Methadone là khác nhau phụ thuộc vào liều thuốc dùng của từng bệnh nhân. Tính trung bình, tổng chi phí điều trị Methadone là khoảng 600.000 đồng/tháng; trong đó tiền thuốc trung bình khoảng 250.000 đồng/tháng, tùy từng bệnh nhân. Hiện nay, chi phí điều trị Methadone chủ yếu vẫn được bao cấp qua ngân sách nhà nước và các dự án viện trợ, đặc biệt là tiền thuốc Methadone. Hiện nay nguồn viện trợ nước ngoài đang cắt giảm nhanh. Để duy trì lâu dài, ngân sách nhà nước sẽ cố gắng để đảm mua thuốc Methadone cấp miễn phí, đồng thời huy động sự đóng góp một phần của bệnh nhân, khoảng 250.000 – 300.000 đồng/tháng. Kinh phí đóng góp này là để chi trả cho các chi phí phục vụ trực tiếp cho người bệnh, như tiền cốc, tiền nước, tiền điện, bảo vệ, vận hành cơ sở điều trị…

  1. Hiện tại có bao nhiêu bệnh nhân đang được điều trị ARV? Chi phí thuốc và chi phí khám sức khỏe, điều trị hàng năm cho một bệnh nhân điều trị HIV/AIDS bao gồm cả thuốc ARV là bao nhiêu?

Tính đến cuối năm 2016 cả nước có 116.000 bệnh nhân đang điều trị ARV. Chi phí điều trị HIV/AIDS cho một bệnh nhân rất khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh, các bệnh nhiễm trùng cơ hội và bệnh khác kèm theo. Nếu chỉ tính phác đồ bậc 1 (là phác đồ phổ biến nhất) thì riêng tiền thuốc ARV là khoảng khoảng gần 4 triệu đồng/người/năm. Tiền thuốc phác đồ bậc 2 có thể cao gấp 8-10 lần phác đồ bậc 1. Ngoài chi phí tiền thuốc ARV, còn có các chi phí liên quan đến thuốc nhiễm trùng cơ hội, tiền xét nghiệm phục vụ cho theo dõi điều trị… Nói chung, chi phí cho điều trị HIV/AIDS là rất tốn kém và phải điều trị suốt đời.

  1. Lộ trình điều trị HIV/AIDS qua Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) trong giai đoạn tới như thế nào? Người điều trị HIV/AIDS qua BHYT sẽ phải chi trả ra sao? Với những người không có thẻ BHYT thì có nguồn nào hỗ trợ họ điều trị?

Hiện nay, kinh phí viện trợ nước ngoài để mua thuốc ARV đang cắt giảm nhanh chóng. Ngân sách Nhà nước phân bổ cho mua thuốc ARV còn rất khó khăn. Vì vậy, từ 2018 trở đi, việc điều trị HIV/AIDS chủ yếu sẽ dựa vào nguồn BHYT. Theo thống kê, tỷ lệ bệnh nhân tham gia điều trị HIV/AIDS có thẻ BHYT hiện nay mới chỉ khoảng là 50%. Hiện nay Bộ Y tế đang phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam chuẩn bị các điều kiện để có thể bắt đầu chi trả tiền điều trị HIV/AIDS cho người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế từ cuối năm 2017 hoặc đầu 2018.

Người nhiễm HIV có thẻ BHYT sẽ được Quỹ BHYT chi trả tiền thuốc ARV, thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội, các xét nghiệm phục vụ cho điều trị HIV/AIDS, cũng như chi phí khám, chữa các bệnh khác theo quy định của Quỹ BHYT. Để được hưởng sự hỗ trợ của Quỹ BHYT, đảm bảo điều trị HIV/AIDS lâu dài, những người nhiễm HIV cần tham gia BHYT càng sớm càng tốt, chậm nhất là từ đầu năm 2018, phấn đấu 100% người nhiễm HIV có thẻ  BHYT. Những cá nhân có hoàn cảnh khó khăn thì các địa phương bố trí kinh phí hỗ trợ theo Quyết định số 2188/QĐ-TTg ngày 15/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ.