Trang Chủ Tin tức Hội thảo Người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn sẽ là đối tượng...

Người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn sẽ là đối tượng được trợ giúp pháp lý

123
0

Luật trợ lý pháp lý sửa đổi sẽ có nhiều điểm mới theo hướng có lợi hơn cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý so với hiện hành. Người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn sẽ là đối tượng được trợ giúp pháp lý  đó là khẳng định của ông Cù Thu Anh – Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp tại Hội thảo lấy ý kiến cộng đồng về Dự thảo Luật trợ giúp pháp lý được tổ chức vào ngày 21 tháng 3 năm 2017 tại Hà Nội do Dự án VUSTA – Dư án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS.

Tham dự hội thảo có hơn 50 đại biểu đại diện cho Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Dự án VUSTA – Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS; Hội Luật gia Việt Nam, Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp; Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế; các chuyên gia đang làm việc trong lĩnh vực tư pháp, các tổ chức xã hội và tổ chức dựa vào cộng đồng đang hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau liên quan đến trợ giúp pháp lý, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí tại Trung ương và Hà Nội. TS. Phạm Văn Tân – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Ts Phạm Quý Tỵ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Giảng viên trường Đại học Luật Hà Nội; Luật Sư Dương Đình Khuyến, Phó Chủ tịch Hội Luật Gia Việt Nam đã tham dự và đồng chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phạm Văn Tân – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, Luật Trợ giúp pháp lý hiện hành đã ban hành từ năm 2006, sau hơn 10 năm triển khai, một số quy định tại Luật này không còn phù hợp và cần sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế. Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý sửa đổi lần này đã có nhiều điều chỉnh theo hướng mở rộng và có lợi hơn cho đối tượng được trợ giúp pháp lý. Thời điểm này là cơ hội để các tổ chức, cá nhân đóng góp trước khi trình quốc hội thông qua, do vậy rất cần ý kiến đóng góp của cộng đồng nhất là những tổ chức, cá nhân đang làm việc với đối tượng cần được trợ giúp pháp lý nhất là người nhiễm HIV/AIDS. TS. Phạm Văn Tân cũng mong muốn với kinh nghiệm thực tiễn của mình, các đại biểu tham dự Hội thảo đóng góp những ý kiến thiết thực giúp cho Luật khi được thông qua có tính khả thi cao.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các báo cáo về: Luật Trợ giúp pháp lý – Thực tế triển khai trong thời gian qua và dự thảo sửa đổi; Tham luận của các chuyên gia về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật; Buôn bán người; Trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV và kết quả thí điểm trợ giúp pháp lý tại 5 tỉnh thuộc dự án VUSTA – Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS.

Tham luận tại Hội thảo, Luật gia, Bác sĩ Trịnh Thị Lê Trâm – Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật và Chính sách về y tế, HIV/AIDS cho rằng trong thời gian qua các hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV đều đã được các địa phương triển khai. Tuy nhiên thực tế vẫn còn nhiều rảo cản cho người nhiễm HIV tiếp cận với dịch vụ này như bị kỳ thị và phân biệt đối xử, các thủ tục như phải xuất trình kết quả xét nghiệm HIV dương tính, nhiều người nhiễm HIV không có giấy tờ tùy thân, không có hộ khẩu thường trú v.v… do vậy họ không thể tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý. Bs Trịnh Lê Trâm cũng đề xuất để thuận tiện cho các đối tượng thì Người giúp pháp lý, Trung tâm Trợ giúp pháp lý cần phối hợp với các cơ quan phòng, chống HIV/AIDS để nắm bắt thông tin người nhiễm HIV thông qua mã số để không buộc người nhiễm HIV phải xuất trình kết quả xét nghiệm, quy định một số giấy tờ khác thay thế khác thay cho các hộ khẩu thường trú hay chứng minh thư nhân dân v.v….khi người nhiễm HIV cần được trợ giúp pháp lý.

Theo Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý sửa đổi, người được trợ giúp pháp lý đã mở rộng nhiều bao gồm cả người nhiễm HIV, người dưới 18 tuổi bị buộc tội, người nhiễm chất độc hóa học, cha mẹ đẻ, vợ chồng của liệt sĩ, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng liệt sĩ v.v…Dự thảo cũng đã có nhiều thay đổi trong các quy định về Trung tâm trợ giúp pháp lý, Cộng tác viên trợ giúp pháp lý, bổ nhiệm và cấp thẻ Trợ giúp viên pháp lý v.v…

Phạm Văn Tân – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Luật Sư Dương Đình Khuyến, Phó Chủ tịch Hội Luật Gia Việt Nam tóm tắt Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý sửa đổi.

Hoàng Đình Cảnh – Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS tham luận tại Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo