Ước tính, cả nước hiện có khoảng 250.000 người nhiễm HIV còn sống. Trung bình mỗi năm, Việt Nam phát hiện thêm khoảng 12.000 người nhiễm HIV. Mỗi năm có khoảng hơn 2.000 người tử vong liên quan đến HIV/AIDS. Đường lây nhiễm HIV đã có sự thay đổi nếu khoảng hơn 10 năm trước đây lây truyền HIV ở Việt Nam chủ yếu qua đường máu do sử dụng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích ma túy thì gần đây lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục không an toàn là đường lây nhiễm phổ biến nhất. Mặc dù tỷ lệ nhiễm HIV nhóm tiêm chích ma túy vẫn có khá cao (12,0%) nhưng tỷ lệ nhiễm HIV tăng rất nhanh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), từ 6,7% (năm 2014) lên 13,3% (năm 2020) mà nguyên nhân chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn.
Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2025 là 95-95-95, tức là 95% số người nhiễm HIV trong cộng đồng biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% số người nhiễm HIV đã được phát hiện được điều trị ARV; 95% số bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng Virus HIV dưới ngưỡng ức chế (<1.000 bản sao/mL máu). Tính đến cuối năm 2021, Việt Nam đã đạt 89-76-96, đây là một mức cao so với rất nhiều nước trên thế giới.
Mục tiêu năm 2030 là chấm dứt dịch bệnh AIDS. Chấm dứt dịch bệnh AIDS không có nghĩa là không còn HIV/AIDS hoặc không còn người nhiễm HIV, mà khi đó HIV/AIDS không còn là vấn đề sức khỏe công cộng đáng quan ngại cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội. Theo tính toán, để đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS Việt Nam cần đạt mức chỉ còn <1.000 trường hợp mới nhiễm HIV trong 1 năm (hiện nay vẫn đang ở mức >10.000).
Dải băng đỏ là biểu tượng toàn cầu cho tình đoàn kết với những người nhiễm HIV và những người bị bệnh AIDS.
Làm thế nào để đạt được mục tiêu 95-95-95 (2025), hướng tới chấm dứt dịch AIDS (2030)? Chiến lược Quốc gia đã đưa ra 11 Nhóm giải pháp rất toàn diện. Về chuyên môn, cần tập trung một số nội dung chủ yếu sau:
1. Đổi mới, nâng cao chất lượng truyền thông, giảm kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.
2. Mở rộng, đổi mới các biện pháp can thiệp giảm hại, dự phòng lây nhiễm HIV: Phân phát bơm kim tiêm, bao cao su cho các nhóm nguy cơ cao; duy trì và mở rộng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, can thiệp người sử dụng ma túy tổng hợp; mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP).
3. Đa dạng các loại hình xét nghiệm phát hiện HIV, đặc biệt là xét nghiệm tại cộng đồng và tự xét nghiệm HIV; kết nối giữa phát hiện và điều trị ARV ngay.
4. Mở rộng điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV, duy trì chất lượng điều trị ở mức cao; dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; điều trị đồng nhiễm lao, viêm gan C và STI với HIV.
5. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch HIV/AIDS để có những biện pháp phòng, chống phù hợp và kịp thời.
Mặc dù dịch HIV/AIDS đã thuyên giảm trong những năm gần đây, tuy nhiên mọi người ĐỪNG CHỦ QUAN. Riêng năm 2021, Việt Nam phát hiện thêm khoảng 13.000 người nhiễm HIV, đưa số người nhiễm HIV đã phát hiện và hiện còn sống quản lý được lên hơn 210.000 người. Hầu hết các bệnh truyền nhiễm khác đều có thể được chữa khỏi, nhưng HIV/AIDS thì hiện nay CHƯA CÓ THUỐC CHỮA KHỎI. Đã nhiễm HIV là cần phải được chăm sóc, điều trị suốt đời.
Chặng đường đến mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS còn xa và rất khó khăn. “Muốn đi xa, hãy đi cùng nhau”. Nhân ngày Thế giới Phòng, chống AIDS, mong mọi người hãy đi cùng chúng tôi trên con đường hướng đến Mục tiêu Chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước 2030!
Xin cảm ơn sự đồng hành của tất cả mọi người.