Trang Chủ Tin tức Nhiều mô hình chăm sóc và hỗ trợ trẻ em nhiễm và...

Nhiều mô hình chăm sóc và hỗ trợ trẻ em nhiễm và ảnh hưởng bới HIV ở Việt Nam

517
0

70% trẻ em nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS ở Việt Nam được chăm sóc và hỗ trợ, đó là số liệu được Thứ trưởng bộ Lao động Thương binh Xã hội  Đào Hồng Lan cho biết tại Hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định số 570/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 22/11/2016, Hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định số 570/QĐ-TTg ngày 22/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020. Thứ trưởng bộ Lao động Thương binh Xã hội  Đào Hồng Lan cho biết hiện nay tại Việt Nam là 121.723 trẻ, trong đó trẻ em nhiễm HIV/AIDS là 6.800. Tỷ lệ trẻ em trong diện quản lý được hỗ trợ đầy đủ các dịch vụ theo nhu cầu chăm sóc sức khỏe, giáo dục, hỗ trợ tâm lý, dinh dưỡng, hưởng chính sách hỗ trợ là  70%.

Theo ông Vijaya Ratnam Raman, Quyền Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em của Tổ chức UNICEF cho biết, ước tính trên toàn thế giới trong năm 2014, có khoảng 2.6 triệu trẻ em từ 0-14 tuổi sống chung với HIV, trong đó 62.000 em ở Khu vực Đông Á, Thái Bình Dương. Riêng tại Thái Lan, UNICEF ước tính có hơn 300.000 trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Các trẻ em bị ảnh hưởng bới HIV nói chung, thường xuyên sống trong cảnh nghèo đói, ít được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng và hỗ trợ giáo dục thích hợp. Phần lớn các em đang bị kỳ thị và phân biệt đối xử vì có liên quan đến gia đình có người nhiễm HIV.

Tại Hội nghi, nhiều mô hình chăm sóc hỗ trợ trẻ em nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đã được chia sẻ. Ban Tổ chức cũng đã trao giải thưởng về thông điệp và vẽ tranh cho trẻ em, trong đó có một giải độc đáo tặng cho em Nguyễn Quốc Thắng, lớp 2A1 Trường Tiểu học Lê Văn Tám, Hà Nội.

Nhiều mô hình sáng tạo

Tại Bắc Ninh: Bà Nguyễn Thị Kiều Hương, Đại diện Sở Lao động-Thương bình và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Bắc Ninh cho biết, theo thống kê của Trung tâm Phòng chống AIDS, tính đến tháng 6-2016, toàn tỉnh có 332 trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS thuộc diện quản lý (trong đó có 54 trẻ bị nhiễm HIV). Năm 2015 được sự hỗ trợ của Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bắc Ninh đã triển khai xây dựng thí điểm mô hình “Cung cấp, kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS” tại 2 xã Ngọc Xá và Đào Viên (huyện Quế Võ). Tham gia mô hình có 80 trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; trong đó có 8 trẻ nhiễm HIV; 15 trẻ mồ côi do cha, mẹ chết vì nhiễm HIV, 28  trẻ  sống cùng người nhiễm HIV; 29 trẻ là con của người sử dụng ma túy, mua bán dâm. Trong năm 2016, mô hình tiếp tục được triển khai nhân rộng tại 2 phường Võ Cường và Đáp Cầu (thành phố Bắc Ninh).

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã tổ chức 6 lớp tập huấn kiến thức; 10 hội nghị truyền thông, tư vấn, sinh hoạt nhóm cho trên 1.000 lượt trẻ em, cha mẹ và người chăm sóc trẻ; hướng dẫn nhu cầu chăm sóc trẻ, đối xử bình đẳng với trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.  Các quy định pháp luật, chính sách có liên quan đến trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cũng được phổ cập qua hệ thống truyền thanh của địa phương theo định kỳ hàng tháng. Sau thời gian thí điểm thành công, mô hình tiếp tục được nhân rộng ra tất cả các cộng đồng dân cư có trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Tại Hà Tĩnh: Theo Sở LĐ-TB&XH, Hà Tĩnh có 431 trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, trong đó có 31 em bị nhiễm HIV/AIDS, 102 em bị ảnh hưởng trực tiếp bởi HIV; 298 em có nguy cơ cao nhiễm HIV; 89 em thuộc gia đình hộ nghèo và 58 em thuộc hộ cận nghèo. Chị Lê Thị Mai Hoa, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết trong giai đoạn 2014-2016, ngân sách tỉnh cấp 550 triệu đồng, nguồn vận động 650 triệu đồng và nguồn trung ương cấp 250 triệu đồng để triển khai thực hiện mô hình. Nhiều địa phương có những hoạt động hỗ trợ, can thiệp kịp thời, phù hợp và cung cấp các dịch vụ theo nhu cầu, nguyện vọng của trẻ và cả gia đình trẻ như tư vấn, chăm sóc điều trị, xét nghiệm, điều trị với ARV; hỗ trợ về dinh dưỡng; hỗ trợ đến trường, cấp thẻ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh, hưởng chế độ, chính sách theo quy định, tặng quà, thăm hỏi, động viên. Trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được phát triển bình thường như bao trẻ khác.

Toàn tỉnh đã có 100% em nhiễm HIV trong diện quản lý, chăm sóc sức khỏe và điều trị ARV; 85% số em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong diện quản lý được cung cấp các dịch vụ về y tế, tư vấn, hỗ trợ dinh dưỡng và phát triển thể chất, chăm sóc thay thế. Hiện 100% cơ sở đã trợ giúp trẻ em; cơ sở chăm sóc và điều trị cho trẻ em nhiễm HIV và các tổ chức xã hội có liên quan đến trẻ em nhiễm HIV được cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Tất cả các trường mầm non, phổ thông đều tiếp nhận và tạo điều kiện cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV được học tập.

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu: Từ năm 2014, Bà Rịa-Vũng Tàu đã xây dựng mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng HIV/AIDS trên toàn tỉnh. Theo đó, tất cả trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh được lập danh sách theo dõi và được kết nối đáp ứng dịch vụ theo nhu cầu từ y tế, giáo dục, dinh dưỡng đến vui chơi giải trí. Trẻ được tiếp cận sớm với chương trình quản lý điều trị trẻ nhiễm HIV/AIDS do các dự án quốc tế tài trợ như: Dự án Hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (VAAC-US.CDC); Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV tại Việt Nam.

Bác sĩ Bùi Văn Doanh, Trưởng Khoa Điều trị thuộc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 2 cơ sở điều trị nhi do dự án quốc tế tài trợ dành cho trẻ phơi nhiễm HIV và nhiễm HIV. Trẻ được làm xét nghiệm chẩn đoán tình trạng nhiễm HIV sớm, uống thuốc dự phòng nhiễm trùng cơ hội. Trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV/AIDS được điều trị dự phòng và cấp sữa ăn thay thế sữa mẹ đến khi 6 tháng tuổi. Bà Trần Thị Ngọc Trâm, Phó phòng Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em, Sở LĐ-TB&XH cho biết, từ mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng HIV/AIDS trên toàn tỉnh, các em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đã được giới thiệu đến các cơ sở điều trị nhi để làm xét nghiệm, khám sức khỏe định kỳ, hỗ trợ dinh dưỡng. Trẻ còn được tham gia sinh hoạt nhóm tại cộng đồng hàng tháng, được vui chơi giải trí và tự tin trong cuộc sống. Tại các địa phương, đội ngũ cộng tác viên ở các khu phố, thôn ấp thường xuyên theo dõi, nắm bắt sâu sát nhu cầu để hỗ trợ các gói dịch vụ cho trẻ, tuyên truyền cho gia đình và cộng đồng chung tay chăm sóc, bảo vệ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Gần 3 năm triển khai đã làm thay đổi nhận thức, hành động của các cấp chính quyền, cộng đồng; đồng thời giảm nhẹ những hành vi kỳ thị và phân biệt đối xử giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được tiếp cận nhiều hơn với y tế.

Đặng Văn Khoát