Trẻ em nghèo bị tổn thương và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS (OVC), ở hai tỉnh miền Trung rất vui mừng trong kỳ nghỉ hè này được vui chơi tại khu vui chơi giải trí của thành phố Huế, nơi mà phần lớn dành cho trẻ em con nhà có điều kiện hoặc khá giả.
Em Cao Văn T, được bà ngoại mặc cho bộ áo quần đẹp nhất, hôm nay lần đầu tiên trong đời em cùng tham quan du lịch thành phố Huế với bà. Em lớn lên trong gia đình ông bà ngoại từ miền quê nghèo ở huyện Gio Linh, Quảng Trị cách Huế chừng 80 cây số. Một lần xem chương trình thiếu nhi trên tivi em thấy chiếc tàu hình những chiếc nấm khổng lồ chở các bạn uốn vòng đưa người lên cao rồi hạ xuống thấp. “Vì sao mình không được ngồi vào đó nhỉ?”. Ước muốn duy nhất của em là muốn biết cảm giác được bay lượn như các bạn đó. Bà ngoại em cho biết, em lớn lên trong cảnh đói nghèo, mẹ của em tìm về quê để rời bỏ người đàn ông đã khiến cuộc đời cô trở nên bất hạnh, em chào đời chưa đầy một tuổi thì người mẹ trẻ qua đời. Bà ngoại bồng em đi xin sữa từng bà mẹ một trong xã, có người cho sữa nhưng có người từ chối vì biết bệnh tình của mẹ em, nên em luôn trong tình trạng thèm bú sữa. “Để có nguồn sữa ngoài cho cháu, tôi đã bán lúa non ngoài đồng, có khi vay mượn, làm thuê miễn sao tiếp thêm sức mạnh cho cháu chóng lớn là tôi mừng”. – Bà nói. Thế rồi hôm nay trong sân Khu vui chơi giải trí với nhiều thiết bị đồ chơi, phù hợp với nhu cầu của các em, bà ngoại đứng đó nhìn em với nét mặt tươi cười ngồi cạnh các bạn, tay em cầm vô-lăng điều khiển chiếc tàu lượn, chốc chốc em lại hét to: “Cháu đang lượn, bà ơi cháu đang lượn!”
Trong khi đó ở phòng hồ banh, một em gái khác cũng đang say sưa chơi với những trái banh. Tuy 14 tuổi, nhưng chúng tôi thấy em chơi trong hồ banh như các bé mẫu giáo. Điều chúng tôi không thể ngờ đến đó là em tỏ ra khá lạ lẫm. Một chân em hạ xuống hồ banh mà cứ ngỡ như mình thả chân dò dẫm xuống hồ nước sâu, còn chân kia vẫn chần chừ, đôi mắt em cứ ngước nhìn về một hướng xa xăm… Em đã kể cho tôi nghe về thời bố em còn sống, về tình yêu của bố dành cho em mà em còn nhớ mãi về bố. Ngày Quốc tế thiếu nhi cuối cùng năm ấy, bố chở em cùng mẹ đi siêu thị mua gấu bông, búp bê, kem lạnh. Bố còn cho em đi chơi hồ banh. Em nói với bố: “Bố ơi, bố mua hết những trái banh này mang về nhà để con chơi được không hả bố?”. Con biết không, nhà mình nhỏ lắm không đủ chỗ chứa hết những chiếc banh này đâu, nhưng bố hứa tuần nào cũng đưa con đi chơi hồ banh. Và sau ngày đó bố em sang Lào làm việc rồi đi mãi không về. Mỗi khi nghĩ tới việc tại sao bố đi mãi không về, nhìn lên bàn thờ có ảnh bố, em luôn tự an ủi rằng em sẽ tìm thấy niềm vui trong việc học hành, bố đang đi cùng em đến trường và phụ giúp với mẹ em mỗi ngày.
Nữ tu Nguyễn Thị Hiền nhiều lần đi ngang qua Nhà Thiếu Nhi Huế, Sơ nhìn vào trong sân thấy rất nhiều cháu thiếu nhi được bố mẹ chở đến mua vé đi tàu hỏa, có cháu chơi đạp xích lô, cháu chơi máng trượt, cháu tập làm thợ gốm, làm bánh. Sơ Hiền ước mơ mùa hè năm nay thay vì dẫn các cháu đi tắm biển, cắm trại, xem múa rối như mọi năm trước, “Tôi sẽ đưa các cháu nghèo bất hạnh được vào đây chơi. Đây cũng là dịp không chỉ cho các cháu vui chơi mà còn cho những bố, mẹ, ông bà nội, ông bà ngoại hoặc người đỡ đầu chăm sóc nuôi dưỡng các cháu được dịp tham quan và sống lại không khí tươi trẻ cùng các cháu”, – Sơ Hiền nói.
Hội Misereor nước Đức, các ân nhân, bạn bè của Phòng khám Từ thiện Kim Long Huế đã hỗ trợ xe đưa đón gần 200 em và thân nhân các em ở các huyện vùng sâu hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, kinh phí ăn uống, tham quan các địa điểm du lịch Huế, tiền vé, quà bánh để các em vui chơi tại Nhà Thiếu Nhi Huế. Các Sơ và anh chị em tình nguyện viên đã có 20 năm phục vụ chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS tại Phòng khám Từ thiện Kim Long. Mặc dù sau năm 2010 các dự án quốc tế rút lui nhưng với sự nhiệt thành cộng tác của các anh chị em tình nguyện viên đã khuyến khích các nữ tu vẫn tiếp tục dấn thân theo lý tưởng kính mến Chúa, yêu thương bệnh nhân HIV/AIDS như chính bản thân.
Từ lòng ước mơ của một Nữ tu giúp các cháu OVCcó được món quà như mùa hè năm nay thành hiện thực. Là tình nguyện viên, chúng tôi rất vui được nhìn các cháu hồn nhiên chơi đùa hạnh phúc. Khi ngồi ghi lại những tâm tình này, tôi tâm đắc lời bài hát “Quên cả lối về” của Lâm Nhật Tiến, nhạc sĩ viết: “Cuộc đời là một giấc mơ /mà lòng người thường nhiều mơ ước/Vì đời đẹp muôn đóa hoa /Êm đềm theo tiếng em ca hòa với cung đàn /Dù mau phai, dù chóng tàn /Tôi vẫn yêu thương suốt đời”.
Ngọc Giáo