NHỮNG THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN TRONG QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI VÀ TỔ CHỨC CỘNG ĐỒNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
TS Tạ Ngọc Hải
Viện khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ
1. Những thuận lợi cơ bản
– Theo các bài viết, nghiên cứu đã có thì các tổ chức xã hội (TCXH) có một số đặc điểm chung là: các tổ chức ngoài nhà nước, tự nguyện, tự quản lý, tự chịu trách nhiệm về kinh phí hoạt động phi lợi nhuận, tập hợp kết nạp hội viên là người cùng ngành, nghề, giới, lứa tuổi, sở thích…có điều lệ hoặc quy chế được thành lập hoạt động một cách thường xuyên để đạt mục đích nào đó.
Ngoài các đặc điểm trên theo tôi các TCXH còn có chung đặc điểm về môi trường hoạt động là xã hội dân sự. Ngày nay cụm từ “xã hội dận sự” tuy chưa được ghi nhận trong văn bản háp luật nhưng được sử dụng tương đối rộng rãi trên báo chí, tài liệu nghiên cứu của các tổ chức, cá nhân trong ngoài nước. Trong Báo cáo tóm tắt về xã hội dân sự Việt Nam của Ngân hàng phát triển Châu Á (Asian Development Bank) thì có bốn nhóm tổ chức lớn trong xã hội dân sự là: các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO); các tổ chức quần chúng; các hội nghề nghiệp; các tổ chức phi chính phủ Việt Nam.
Nói ý này để thấy, nhận thức xã hội về xã hội dân sự, về hoạt động của các TCXH và CBO ở Việt Nam đã nâng cao hơn trước. Theo đó tạo thuận lợi hơn cho hoạt động của các tổ chức này. Đấy là thuận lợi đầu tiên.
– Ngày 17 tháng 9 năm 2001 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2001- 2010. Sau 10 năm thực hiện đến ngày 08 tháng 11 năm 2011 Chính phủ có Nghị quyết 30c/NQ-CP ban hành Chương trình tổ thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 với 6 nội dung trong đó có cải cách thủ tục hành chính, với những kết quả tích cực đáng ghi nhận trong nhiều năm thực hiện.
Ngày 02 tháng 06 năm 2005 Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TWvề chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 trong đó xác định phương hướng, nhiệm vụ hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, pháp luật dân sự. Triển khai thực hiện cải cách tư pháp Bộ luật Dân sự được ban hành theo đó tạo thuận lợi cho hoạt động của các TCXH.
Có thể đánh giá cùng với cải cách hành chính, cải cách tư pháp đã có tác động tích cực đối với đời sống xã hội, theo đó tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức xã hội.
– Cuối năm 2015, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã hoàn thành một nghiên cứu tập trung vào vấn đề chi phí kinh tế cho các tổ chức quần chúng công ở Việt Nam. “Tổ chức quần chúng công” VEPR đề cập bao gồm Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam và 5 tổ chức chính trị – xã hội là Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Công đoàn, và Hội Cựu chiến binh, cùng 28 hội đặc thù khác. Kết quả nghiên cứu cho thấy, chi phí cho hệ thống các tổ chức này hàng năm dao động từ 45,6 nghìn tỷ đồng đến 68,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó chi ngân sách nhà nước ước vào khoảng 14 nghìn tỷ đồng[1].
Năm 2014 ban hành Luật đầu tư công, đến ngày 31 tháng 12 năm 2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định 136/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư công (hỗ trợ cho các tổ chức PCP đang tham gia cung ứng dịch vụ đào tạo, khuyến nông, tài chính vi mô, cơ sở hạ tầng nhỏ như nước sạch… cho các cộng đồng dân cư nghèo, vùng sâu, vùng xa), mới đây Quyết định 20/2017/QĐ-TTg ngày 12 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức phi chính phủ với mức cho vay tối đa đối với một khách hàng tài chính vi mô không vượt quá 50 triệu đồng Việt Nam.
Qua đó cho thấy sự quan tâm, hỗ trợ về tài chính tuy chưa phủ hết được với các tổ chức xã hội nhưng không thể không nói tới với ý nghĩa là tạo thuận lợi cho hoạt động của các TCXH.
2. Một số khó khăn, thách thức
Trong giai đoạn Việt Nam nhận được sự hỗ trợ quốc tế nhiều nhất cho HIV/AIDS
( 2006-2014), các TCXH và CBO ra đời hàng loạt, cùng với đó là sự thành lập các mạng lưới và diễn đàn để có tiếng nói chung, đại diện cho người nhiễm HIV và các nhóm nguy cơ khác.
Giai đoạn mới được thành lập, các nhóm đồng đẳng được hỗ trợ nâng cao năng lực để từ hoạt động tiếp cận người nhiễm HIV và các nhóm có nguy cơ cao theo sự phân công của các cán bộ dự án, đã trở thành các CBO – chủ động xây dựng sáng kiến, lập kế hoạch, triển khai hoạt động dự phòng HIV/AIDS, tư vấn và cung cấp dịch vụ cho người nhiễm HIV và nhóm có nguy cơ cao.
Biểu đồ 1: Thời gian thành lập và số lượng CBO theo khu vực
(Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo HIV/AIDS, Đại học Y Hà Nội. 6/2015)
Trong bối cảnh bị cắt giảm tài trợ, các CBO cũng đã có nhiều thay đổi. Khoảng 122 trong tổng số 277 CBO được nghiên cứu (44%) phải giảm kinh phí, trong đó 42 % có mức giảm từ 21-50% so với kinh phí trước đây.[2]Cùng với giảm kinh phí, hoạt động và nhân lực của các CBO cũng có thay đổi. Nhiều CBO phải giảm số lượng và qui mô hoạt động cũng như nhân lực. Điểm đáng chú ý, hiện nay mặc dù nhiều tổ chức ngân sách giảm nhưng số lượng hoạt động vẫn phải tăng. Điều này tạo ra sức ép rất lớn cho các CBO, đặc biệt về chất lượng hoạt động.
Nguồn kinh phí cắt giảm và chưa có tư cách pháp nhân là hai vấn đề khó khăn nhất đối với các CBO. Hai vấn đề này liên quan mật thiết đến nhau và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của CBO.
Biểu đồ 2. Khó khăn của các CBO
2.1 Tư cách pháp nhân
Khó khăn, thách thức đầu tiên đối với hoạt động của các TCXH và các CBO ở Việt Nam hiện nay là trên phương diện pháp lý. Vị trí, vai trò và những đó góp của các tổ chức này đối với nhà nước, xã hội đã rõ, đã có nhiều báo cáo, bài viết phân tích, đánh giá.
Tuy vậy khẳng định về địa vị pháp lý của các tổ chức này trong các văn bản quy phạm pháp luật còn “rất khiêm tốn”. Sự “khiêm tốn” thể hiện trên các phương diện như: văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh tổ chức và hoạt động của các tổ chức xã hội (hội) trong rất nhiều năm cải cách nhưng vẫn dừng ở mức nghị định; các cơ quan nhà nước đã nỗ lực trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật quản lý nhà nước đối với các TCXH những vẫn ở mức dự thảo Luật về hội.
Trong quá trình hoạt động, có nhiều vấn đề mà các tổ chức xã hội mong muốn được quan tâm như: được nâng cao năng lực tổ chức; nguồn lực hoạt động; được tạo điều kiện nhiều hơn nữa để tham gia vào các quá trình xây dựng chính sách, giám sát, đánh giá việc thực hiện luật pháp, chính sách và phản biện xã hội. Nhưng do những khó khăn, vướng mắc về pháp lý nên việc thực hiện, kết quả đạt được cũng hạn chế.
Trong bài viết: Vai trò của các TCXH và một vài khuyến nghị đăng tải trên Tạp chí Tổ chức nhà nước tháng 7 năm 2016 TS. Đỗ Thị Ngọc Phương đã đánh giá: Do chưa có Luật về Hội nên hiện nay một số hội đã coi quy định nhiệm vụ trong điều lệ của mình đã được phê duyệt bởi cơ quan có thẩm quyền là điều kiện có tính pháp lý để triển khai hoạt động.
Tuy nhiên, điều lệ không phải là văn bản quy phạm pháp luật có tính áp dụng chung nên sẽ không thuận lợi cho tổ chức xã hội, hiệp hội khi tham gia các quan hệ xã hội có tác động ra bên ngoài. Hơn thế, nếu mỗi hội có cách quy định riêng về phạm vi, nội dung, phương thức thực hiện thì các hoạt động xã hội sẽ được tiếp cận có sự khác nhau trong các điều lệ của các tổ chức xã hội.
Thực tế khảo sát tại các địa phương cho thấy ở nơi nào chính quyền quan tâm, hỗ trợ thì ở đó các TCXH và CBO hoạt động thuận lợi. Ngược lại ở nơi nào chính quyền chưa hoặc không quan tâm, hỗ trợ thì hoạt động của các tổ chức gặp khó khăn. Từ đó cho thấy nhận thức, sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền địa phương các cấp đối với hoạt động các TCXH và CBO là rất quan trọng. Chính nhận thức chưa đầy đủ, sự quan tâm, ủng hộ chưa đồng nhất, thiếu đồng bộ của chính chính quyền địa phương các cấp như hiện nay cũng là những thách thức đối với hoạt động của các TCXH và CBO.
Tháng 8 năm 2016 Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Trung tâm thông tin tổ chức phi chính phủ (NGO-IC) đã tổ chức hội thảo: “Môi trường pháp lý cho các tổ chức xã hội: Cơ chế quản lý viện trợ phi chính phủ (PCP) nước ngoài”. Tại hội thảo PGS.TS Hồ Uy Liêm đã có những nhận xét, đánh giá về Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ PCP nước ngoài như: Nghị định 93/2009/NĐ-CP ra đời là rất quan trọng, có tác động tích cực, mạnh mẽ đến các TCXH.
Nhưng đến thời điểm hiện tại, nghị định này đã bộc lộ những hạn chế, cần sửa đổi. Theo Nghị định 93, quy trình xây dựng, phê duyệt, thực hiện các dự án dự án có tài trợ của các tổ chức PCP nước ngoài khá quanh co, phức tạp. Có dự án mất 6 tháng để thẩm định.
Đến nay (tháng 6 năm 2017) tình trạng trên vẫn chưa được khắc phục, thiết nghĩ mức độ tiếp thu, sửa đổi, bổ sung các quy định không phù hợp với thưc tế chậm như hiện nay cũng là khó khăn, thách thức đối với hoạt động của các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng./.
2.2 Nguồn viện trợ đang bi cắt giảm mạnh
Khi bối cảnh kinh tế xã hội đang có những thay đổi lớn, đặc biệt liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS như kinh phí từ tài trợ quốc tế bị cắt giảm mạnh, ngân sách Nhà nước đã cắt giảm 2/3 trong năm 2014, không còn chương trình mục tiêu quốc gia, các ưu tiên trong công tác phòng, chống HIV/AIDS chuyển đổi như từ truyền thông, tiếp cận đối tượng sang điều trị HIV và điều trị nghiện ma túy thì những khó khăn mà các tổ chức phải đối mặt là khó tránh khỏi.[3]
Các CBO cần phải tăng cường tìm kiếm sự hỗ trợ của lãnh đạo địa phương – nơi tập trung nhiều nguồn lực có thể khai thác bằng cách từng bước khẳng định được vai trò của tổ chức trong sự phát triển chung của địa phương.
Các CBO cũng cần nghiên cứu các giải pháp giúp tiết kiệm tài chính, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi nguồn ngân sách bị cắt giảm. Trong bối cảnh hiện nay khi nguồn lực giảm đi, khối lượng công việc tăng lên, thì các tổ chức liên kết lại với nhau là một giải pháp nên được xem xét.
Nhằm giúp cho CBO bền vững hơn, thì các hỗ trợ không nên chỉ đơn lẻ chỉ tập trung vào hoạt động của từng tổ chức, mà cần hỗ trợ những hoạt động đòi hỏi ít nhất phải có một vài tổ chức cùng tham gia để khuyến khích sự liên kết giữa các tổ chức đó. Đặc biệt, nên khuyến khích các nhóm đối tượng có nguy cơ như nam quan hệ đồng tính, người sử dụng ma túy, phụ nữ bán dâm cùng liên kết với nhau. Đây không chỉ là chiến lược đầu tư để tăng cường tính gắn kết và tiết kiệm kinh phí của các tổ chức, mà còn là cơ hội để các tổ chức tham gia đa dạng hơn vào các hoạt động của cộng đồng.
Biểu đồ 3: Sơ đồ hóa đặc điểm liên kết
Mỗi hình vuông đại diện cho 1 tổ chức trả lời phỏng vấn, mỗi hình tròn đại diện cho 1 tổ chức đối tác, mỗi mũi tên là một liên kết, chiều mũi tên chỉ hướng liên kết đi từ tổ chức đề xuất liên kết và tổ chức nhận liên kết. MàuMàuđại diện cho cơ quan quản lý nhà nước trung ương hoặc địa phương. Màu Màu đại diện cho tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức phi chính phủ trong nước. Màu màu đại diện cho tổ chức doanh nghiệp trong nước hoặc nước ngoài. Màu Màu đại diện cho tổ chức/nhóm cộng đồng, tôn giáo, các cơ quan Hội, trường đại học hoặc viện nghiên cứu. Màu màu đại diện cho các tổ chức khác.
(Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo HIV/AIDS, Đại học Y Hà Nội. 6/2015)
Biểu đồ 3 sơ đồ hóa đặc điểm liên kết. Các tổ chức ở gần trung tâm có số lượng liên kết lớn, các tổ chức ngoại vi thì liên kết ít và chủ yếu là liên kết với tổ chức nhà nướctại địa phương và các tổ chức tương đồng với họ.
[1] Xem bài trên Vietnamnet ngày 12 tháng 6 năm 2016
[2] Trung tâm nghiên cứu và đào tạo HIV/AIDS, Đại học Y Hà Nội. Báo cáo nghiên cứu thực trạng, vai trò và các thách thức của các tổ chức xã hội trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Hà Nội, tháng 6/2015.
[3] Hàn Mạnh Tiến, Tạ Ngọc Hải, Bùi Kim Tuyến, Hồ Uy Liêm. Nghiên cứu môi trường thể chế, chính sách cho sự phát triển của các tổ chức cộng đồng phục vụ vận động chính sách cho luật về hội. Hà Nội, tháng 5/2016.