Trang Chủ Tin tức Sự kiện Nỗ lực về bờ

Nỗ lực về bờ

62
0

“Nhóm được đặt tên là Cát Trắng vì tôi nghĩ, những người nghiện như chúng tôi chỉ là cát bụi. Dẫu là cát bụi nhưng chúng tôi vẫn cố gắng tôi luyện mình với mong muốn trở thành cát trắng, màu trắng của pha lê…”

“Nhóm được đặt tên là Cát Trắng vì tôi nghĩ, những người nghiện như chúng tôi chỉ là cát bụi. Dẫu là cát bụi nhưng chúng tôi vẫn cố gắng tôi luyện mình với mong muốn trở thành cát trắng, màu trắng của pha lê…”

Đứng lên từ chính nơi vấp ngã

Xóm Lò (phường Thượng Thanh, quận Long Biên) cách trung tâm Thủ đô gần chục cây số. Đây là khu vực mới phát triển của thành phố, đường chính rộng thênh thang, các công trình công cộng vẫn thơm mùi sơn mới bên cạnh những khoảng ruộng còn đang cấy dở. Khu đô thị mới vẫn còn vương vấn nét thanh bình vắng vẻ như một bức tranh thôn quê mới được thay áo. Đường phố hiện đại nhưng chẳng có mấy người, đi cả trăm mét tôi vẫn không nhìn thấy một bóng người để hỏi thăm xưởng sản xuất nhôm kính của anh Thịnh. Tôi “đánh liều” đi theo cảm tính, bắt gặt một thanh niên, tôi lại hỏi thì được biết khu vực này có rất nhiều cửa hàng nhôm kính và anh cũng không biết ông chủ tên Thịnh nào. Từ bỏ ý định tự đi tìm nhà xưởng, tôi quyết định lên UBND phường để hỏi. Lại dừng xe, lại hỏi, theo chỉ dẫn thì UBND phường còn xa lắm. Thôi cứ đi.

Vừa đi vừa nhớ lại lời chỉ đường, mắt tôi sáng lên khi nhìn thấy tấm biển “Nhóm Cát Trắng, chuyên: Sắt, Nhôm kính. Liên hệ: Đỗ Thái Thịnh” kèm theo chỉ dẫn “cách 70 mét”. Nhà xưởng có địa chỉ rõ ràng nhưng ngõ chẻ như rễ cây, tôi phải rẽ nhầm vào mấy cái ngõ rồi đi ra mới tìm được ngõ đúng. Nhà xưởng nằm kịch cuối con ngõ ngoằn ngoèo đó. Nhà không có chuông, tôi gõ cửa và chỉ vài giây sau cửa mở. Vì chưa từng gặp anh Thịnh bao giờ, tôi cứ nghĩ người mở cửa cho tôi là anh Thịnh, nhưng không phải, anh Thịnh sáng nay đi vắng. Người tiếp tôi là người vô cùng vô tư và cởi mở, mãi cuối buổi phỏng vấn tôi mới biết tên anh, anh Sơn. Anh mặc bộ quần áo bò và đội một chiếc mũ bò, người gầy và cao, vì thế nhìn anh càng gầy. Anh mời tôi vào nhà. Căn phòng có một chiếc bàn to, tủ sách và một tủ dụng cụ (sau này tôi mới biết là tủ đựng kim tiêm, bao cao su và thuốc). Chiếc cầu thang to là vách ngăn tự nhiên giữa phòng khách và khu vực bên trong, có vẻ là phòng ăn. Nơi góc phòng có một chị đang ngồi làm việc với máy tính. Khác với vẻ niềm nở của anh Sơn, chị khá e dè.

Khi biết tôi là phóng viên, anh Sơn gọi điện cho anh Thịnh, hai người trao đổi khá lâu rồi anh Sơn đi vào đưa máy cho chị, chị có vẻ căng thẳng rồi tiến ra tiếp chuyện tôi sau khi tắt máy. Chị hỏi: “Em có giấy cam kết không? Trước đây bọn chị rất dễ dãi khi trao đổi với phóng viên nhưng lần trước, có một cô đến phỏng vấn rồi về viết bài, cả bài báo rất hay nhưng sai đúng một chi tiết, mà đấy lại là chi tiết “chết người”. Cô ấy viết: “Thành viên nòng cốt của nhóm là những người có xét nghiệm dương tính với ma túy” thay vì viết “âm tính”. Bọn chị “giữ sạch” (không dùng lại ma túy) nhiều năm rồi, như bản thân chị cũng giữ được từ năm 2007 đến nay, nếu tính cả hai năm đi trại thì từ 2005, còn anh trưởng nhóm “giữ sạch” từ năm 2003. Nếu dương tính thì làm sao hỗ trợ được ai? Vậy nên bọn chị cần một cam kết của cơ quan để đảm bảo em sẽ viết đúng”. Tất nhiên là tôi không có bản cam kết nào cả, chỉ có thể đưa cho chị xem một vài giấy tờ. Chị lặng lẽ xem rồi ngồi xuống cạnh anh Sơn, không nói gì nữa.

Anh Sơn vô tư giới thiệu cho tôi nghe các “gói dịch vụ” của nhóm, bao gồm chăm sóc người nghiện tại nhà, tổ chức cai nghiện cho các “khách hàng” (anh gọi những đối tượng cần tư vấn của mình như thế), tổ chức truyền thông, phát bơm kim tiêm, bao cao su, hỗ trợ việc làm… Cứ mỗi lần anh cao hứng nói điều gì đó, chị lại ngồi bên cạnh ra hiệu để anh kiệm lời. Tôi hiểu sự e dè của chị, tôi hứa với chị sẽ gửi chị xem bản thảo trước khi đăng báo, chị cười như trút được âu lo. Chị cởi mở hơn: “Nhóm thành lập từ tháng 5 năm 2009, tập hợp những người đã và đang sử dụng ma túy cùng giúp nhau cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng. Những ngày đầu thành lập, nhóm còn có mô hình nhà xưởng, tạo công ăn việc làm tại chỗ cho anh em. Trước đây nhà xưởng hoạt động tốt lắm nhưng từ sau khi lên truyền hình cách đây gần 2 năm, khách hàng thưa dần rồi vắng hẳn”, chị nói, tay chỉ ra ngoài cửa sổ nơi có khoảng sân lợp mái tôn, khu vực nhà xưởng trước đây. Theo hướng tay đưa, tôi nhìn ra khoảng sân ngổn ngang đồ nghề, máy móc. Hóa ra xưởng của nhóm đã đóng cửa từ hơn một năm trước, chẳng trách sao hỏi về xưởng nhôm kính này khó thế.

Nói rồi chị lặng đi, anh Sơn tiếp lời: “Nhóm bây giờ vẫn giới thiệu công ăn việc làm cho anh em, nhưng qua sàn giao dịch việc làm ở Trung Kính. Lựa tìm những công việc phù hợp với anh em như trông xe, rửa xe, thợ xây… những công việc không quá vất vả, không yêu cầu bằng cấp. Họ cũng chỉ cần có công ăn việc làm thôi, không cần phải kiếm tiền để nuôi vợ con, họ không phá là gia đình mừng lắm rồi”. Anh còn khoe anh có một “thằng em” trước làm công nhân vác đá, tháng cũng kiếm được 4-5 triệu nhưng làm một thời gian mệt quá không chịu được, giờ chuyển sang rửa bát hàng ăn, mỗi ngày cũng được 50 nghìn.

Có một Cát Trắng đang thành pha lê

Căn phòng dần đông lên với sự xuất hiện của 3 thành viên khác. Họ đến nói chuyện với nhau và ngồi vào máy tính làm việc. Việc ai người nấy làm. Họ chẳng mấy quan tâm đến sự xuất hiện của tôi. Tôi quan sát trong phòng có hai tấm bảng phân công. Một là lịch trực tại cơ sở, tấm bảng thứ hai phân công lịch đi tiếp cận. Tôi thắc mắc về khái niệm “đi tiếp cận”, anh Sơn giải thích: “Là đi phát bơm kim tiêm, bao cao su, thăm hỏi khách hàng cũ và tìm gặp khách hàng mới”. Anh nói, công việc nào cũng khó khăn, đòi hỏi sự kiên nhẫn và mềm mỏng. Nhiều lần đi tiếp cận “khách hàng” mới, gia đình “khách hàng” còn tưởng anh đến rủ rê con em họ đi tụ tập hút chích. Nhẹ thì đuổi khéo, nặng thì mắng chửi không thương tiếc.

Câu chuyện của anh Sơn luôn “đầu voi đuôi chuột”, anh thường bắt đầu một cách hồ hởi rồi giọng lại trầm dần và lặng đi. Khuyến khích mãi anh cũng không nói tiếp. Buổi trò chuyện có những khoảng lặng, ánh mắt anh chợt nhìn xa xăm, tôi biết anh đang có nghĩ suy tưởng buồn vui lẫn lộn. Rồi anh lại hồ hởi hơn khi tôi hỏi về lịch sinh hoạt của nhóm. Anh nói buổi sinh hoạt có không khí ấm cúng của gia đình, mỗi tháng 2 lần, anh em lại tụ họp về đây để trò chuyện, chia sẻ những vui buồn, họ coi nơi đây là điểm dựa tinh thần để tiếp tục sống. Buổi sinh hoạt nào cũng vui, có thành viên còn đưa cả vợ hoặc chồng đến cùng tham gia, họ kể cho nhau nghe những khó khăn vất vả và cả những nỗ lực của bản thân để tìm lại chính mình, rồi tổ chức trò chơi để tìm hiểu kiến thức phòng tránh các bệnh lây truyền, hứng chí lên lại có vài bài văn nghệ. Nơi đây như một “trạm năng lượng” tiếp thêm cho họ sức mạnh để luôn giữ mình. Vì cai nghiện khó một thì giữ để không tái nghiện khó gấp trăm lần.

Anh Sơn kể rành rọt diễn tiến của một đợt cai nghiện. 10 ngày đầu là những ngày khổ sở nhất khi người nghiện “vật thuốc”. Cơ thể mệt mỏi, bức xúc như có dòi trong xương, không thiết ăn bất cứ cái gì mà cũng không thể ăn được gì. Cứ ăn là nôn. 5 ngày chỉ uống nước và dùng thuốc an thần. Qua được 5 ngày đó là đã “cắt cơn”, lúc này họ lại đói cồn cào, ngày ăn 5,6 bữa. Giữ một thời gian khoảng một tháng không đụng đến ma túy là đã cai nghiện thành công. Nhưng những ngày còn lại là một chuỗi ngày đấu tranh tư tưởng để không tái nghiện. Trên thực tế, không có ai cai một lần mà “giữ sạch” được. Như chị cũng mất 5,7 lần, như anh Sơn cũng không dưới chục lần. Anh nói: “Nó là ma túy, ma mà em, nó không tồn tại nhưng luôn ám ảnh. Bất cứ lúc nào nó cũng có thể quay lại. Anh đã giữ sạch được hơn một năm nhưng anh không nói hay được điều gì. Nhưng có một điều chắc chắn, anh sẽ luôn cố gắng để gạt bỏ nó ra khỏi đầu bằng cách làm cho mình trở nên bận rộn. Anh thích công việc của mình, thấy mình có ích, anh vui lắm”.

Tôi hỏi về cái tên Cát Trắng, chị (giờ chị đã giới thiệu mình tên Hằng) chỉ ra phía bàn máy tính, nơi một phụ nữ nhỏ nhắn đang ngồi làm việc: “Chị Hà là người đặt tên cho nhóm”. Hóa ra chị Hà cũng là người của nhóm, nãy giờ tôi vẫn nghĩ chị là cán bộ phường đến theo dõi tình hình, chị có gương mặt phúc hậu và giọng nói nhỏ nhẹ. Chị quay ra nói: “Nhóm được đặt tên là Cát Trắng vì tôi nghĩ, những người nghiện như chúng tôi chỉ là cát bụi. Dẫu là cát bụi nhưng chúng tôi vẫn cố gắng tôi luyện mình với mong muốn trở thành cát trắng, màu trắng của pha lê…”. Đến cuối buổi, anh Thịnh nhóm trưởng trở về, tôi có cơ hội được hỏi thăm anh vài câu rồi xin phép ra về. Trên đường về, tôi nghĩ mãi về cái tên Cát Trắng, nó gợi cho tôi hình ảnh những hạt cát ngoài biển bị sóng đánh ra xa nhưng hết lần này đến lần khác, những hạt cát ấy đều nỗ lực về bờ…

Thanh Xuân