Cộng hòa Trung Phi là một trong các quốc gia nghèo nhất thế giới và bị chìm sâu trong xung đột vũ trang kéo dài gần một thập kỷ nay.
Sau cuộc đảo chính lật đổ cựu Tổng thống Francois Bozize hồi tháng 3/2013, Cộng hòa Trung Phi lại rơi vào cuộc xung đột giáo phái trầm trọng, gây nên một chuỗi khủng hoảng chính trị kéo dài, và các cơ quan cứu trợ đang cảnh báo rằng, tình hình nhân đạo ở Trung Phi đã lên tới mức báo động.
Noya, một phụ nữ nhiễm HIV là người tị nạn do nội chiến ở CH Trung Phi
Theo kết quả một cuộc khảo sát lớn trong năm 2010 của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) thì tỷ lệ nhiễm HIV trên cả nước này là 4,9% – một trong những tỷ lệ cao nhất ở Trung và Tây Phi. Đặc biệt, phụ nữ và những người sống ở các khu vực đô thị có nguy cơ bị lây nhiễm cao nhất bởi các đối tác tình dục khác giới. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, bạo lực nổ ra cách đây hai năm (2013) đã làm chậm tiến trình chẩn đoán và điều trị bệnh, tăng mối lo ngại về vấn đề tỷ lệ nhiễm HIV / AIDS có thể tăng từ 3,8% đối với những người có độ tuổi từ 19 đến 45.
Quân nổi dậy chiếm thủ đô Bangui
Cho đến tháng 12 năm 2012, Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã giúp những người tị nạn nhiễm HIV. Họ đã nhận được viện trợ hàng tháng, hỗ trợ y tế cũng như hỗ trợ lương thực thông qua Chương trình lương thực thế giới.
Theo các bác sĩ và nhân viên y tế tại nước Công hòa Trung Phi thì sự sụp đổ của hệ thống y tế đang đe dọa đẩy nhanh tính phổ biến của dịch AIDS. “Hệ thống y tế vốn đã yếu của đất nước gần như bị phá vỡ hoàn toàn. Điều này thực sự làm giảm việc tiếp cận điều trị cho những người sống chung với HIV”, Heinz Henghuber, một chuyên gia tư vấn sức khỏe cho UNHCR giải thích.
Tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn sau khi bạo lực leo thang đáng kể vào năm 2013. Sự bất ổn cũng đã ảnh hưởng đến các chương trình nâng cao nhận thức của người dân trong một nước mà phân biệt đối xử với người sống chung với HIV là phổ biến. Theo Jean-Jacques Inchi Suhene, một chuyên gia về HIV/AIDS của UNICEF thì việc tiếp cận chăm sóc càng trở nên khó khăn hơn, các cơ quan y tế đã bị mất liên lạc với những người lớn và trẻ em bị nhiễm HIV sau khi họ không nhận được điều trị trong nhiều tháng vì không thể tiếp cận các trung tâm y tế. “Chúng tôi không biết họ đang ở đâu, vì vậy chúng tôi đang tìm kiếm họ. Đó cũng là một nguy cơ phát triển sự kháng thuốc do thường xuyên bị gián đoạn quá trình điều trị.”
Tại các cơ quan tị nạn, việc chăm sóc trẻ em là một phần quan trọng cần ưu tiên trong trường hợp khẩn cấp đối với những người sống chung với HIV. Người đứng đầu nhóm bác sĩ tại Simplice Kango, bệnh viện duy nhất giành cho trẻ em quốc gia này đã chỉ vào hơn 100 phụ nữ và trẻ em đang ngồi trên ghế và sàn nhà chờ điều trị và nói rằng “”Tất cả bà mẹ và trẻ em ở đây đều bị nhiễm HIV/AIDS”
Sibelle Balanga, điều phối viên của một nhóm hỗ trợ HIV / AIDS cho phụ nữ và các bà mẹ tại cơ sở đã nói về những bà mẹ mang thai bị nhiễm HIV rằng “Nếu phụ nữ không thể đến đây để điều trị thường xuyên thì sức khỏe của họ sẽ bị xấu đi và những đứa trẻ mà họ sinh ra sẽ phải chịu ảnh hưởng”. Emmanuel Lampaert, điều phối viên y tế cho Medecins Sans Frontières ở Cộng hòa Trung Phi cũng cho biết việc loại bỏ lây truyền từ mẹ sang con chỉ có thể thực hiện được khi các kế hoạch dùng thuốc và điều trị được thực hiện đúng.
Các cơ quan này vẫn đang nỗ lực không ngừng trong việc giúp đỡ xác định và ưu tiên cho các nhu cầu của tất cả những người bị nhiễm virus HIV hoặc AIDS tại Cộng hòa Trung Phi để đảm bảo rằng những người nhiễm HIV được điều trị kháng virut thường xuyên.
Nguyễn Quỳnh Như