Sự tham gia mạnh mẽ, rộng rãi của các tổ chức xã hội dân sự góp phần không nhỏ trong công cuộc đẩy lùi “dịch bệnh thế kỷ” HIV/AIDS.
Sự tham gia mạnh mẽ, rộng rãi của các tổ chức xã hội dân sự góp phần không nhỏ trong công cuộc đẩy lùi “dịch bệnh thế kỷ” HIV/AIDS.
Tổ chức xã hội dân sự với vai trò là đối tác với các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể, tiêu chí hoạt động tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự trang trải, không vì mục đích lợi nhuận. Các tổ chức xã hội dân sự đại diện cho quyền lợi chính đáng của cộng đồng trong triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, các tổ chức này cũng tích cực hỗ trợ, chia sẻ, kết nối một cách hiệu quả các hoạt động phòng chống HIV trong cộng đồng, đóng vai trò đại diện cho những người trong cộng đồng.
![]() |
Bà Khuất Thị Hải Oanh tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm dự phòng lây nhiễm HIV |
Các tổ chức xã hội dân sự tham gia vào công tác phòng, chống AIDS ở Việt Nam với nhiều hoạt động như: Truyền thông và giáo dục thay đổi hành vi của những người có HIV; chống kỳ thị, phân biệt đối xử trong cộng đồng; thực hiện các can thiệp dự phòng, điều trị, chăm sóc, hoạt động giảm hại, giảm tác động tiêu cực hay chống phân biệt kỳ thị tại cộng đồng; phát triển tổ chức của những người có HIV hay vì những người có HIV. Nhằm nâng cao năng lực cho các tổ chức này thực hiện ngày càng tốt hơn sứ mệnh và vai trò của họ trong phòng chống HIV/AIDS; xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững nhằm tạo ra cuộc sống và thu nhập ngày càng tốt hơn cho cộng đồng những người nhiễm HIV; giám sát và đánh giá công tác phòng chống HIV/AIDS như triển khai các mô hình giám sát bởi cộng đồng…
Trong những năm qua, tổ chức xã hội dân sự đóng vai trò rất tích cực, góp phần không nhỏ vào những thành quả đã đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, vẫn còn tồn đọng những hạn chế như việc tham gia còn tản mạn, không đồng đều.
Bà Khuất Thị Hải Oanh, Phó Giám đốc dự án Thành phần Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS cho biết, “Các tổ chức xã hội dân sự vẫn chưa liên kết được với nhau, vấn đề pháp lý và vấn đề tài chính của các tổ chức này cũng đang gặp vướng mắc. Hiện nay, các nhóm tự lực rất khó có thể đăng ký tư cách pháp nhân với tư cách là một nhóm tự lực nên việc tổ chức hoạt động, huy động nguồn lực cũng gặp khó khăn. Do vậy, có một chiến lược rõ ràng nhằm tăng cường sự tham gia của xã hội dân sự vào công cuộc phòng chống HIV/AIDS là hết sức cần thiết”.
Cũng theo bà Khuất Thị Hải Oanh, để tăng cường sự tham gia của các tổ chức dân sự phát huy hiệu quả cần liên kết và hình thành các mạng lưới để tạo nên sức mạnh tổng thể và tác động lớn. Các hành động cần bám sát Chiến lược quốc gia về phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến 2020 và tầm nhìn 2030, phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp; cần dựa trên nguyên tắc bảo đảm quyền con người, chống kỳ thị, phân biệt đối xử; tránh chồng chéo với các hoạt động các ngành chuyên môn, của các cấp chính quyền và các tổ chức khác trong lĩnh vực này; khai thác tối đa các cơ hội do môi trường mang lại cho các tổ chức xã hội dân sự trong ứng phó với HIV/AIDS.
Trong thời gian tới, mục tiêu đặt ra cho các tổ chức xã hội dân sự gồm: Cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách hiệu quả và gắn với nhu cầu của cộng đồng; tăng cường năng lực các tổ chức xã hội dân sự; liên kết, điều phối các chủ thể chính trong các lĩnh vực can thiệp trực tiếp ở cộng đồng; nghiên cứu, phản biện và vận động chính sách bảo đảm các điều kiện môi trường pháp lý cần thiết; theo dõi giám sát quá trình thực hiện phòng chống AIDS…
Phấn đấu đến năm 2020, các tổ chức xã hội dân sự được các cấp chính quyền, các tổ chức quốc tế, và cộng đồng thừa nhận đủ năng lực, điều kiện để chủ động, tự tham gia một cách hiệu quả và là một đối tác bình đẳng trong công cuộc phòng chống AIDS, góp phần quan trọng vào thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam.
Trà My
Nguồn tiengchuong.vn