Trang Chủ Tin tức Báo chí viết về chúng ta Phát huy tính tự chủ, tự trang trải của tổ chức xã...

Phát huy tính tự chủ, tự trang trải của tổ chức xã hội: Chưa có chính sách cụ thể

153
0
Vài năm trở lại đây, các nhóm tổ chức xã hội đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là thiếu hụt nguồn lực tài chính để hoạt động. Đây là kết quả nghiên cứu “Hướng tới sự phát triển bền vững của các tổ chức xã hội dưới góc độ tài chính” Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố tại Hà Nội ngày 22/12.
Toàn cảnh Hội thảo – Nguồn: tiengchuong.vn

Nhiều tổ chức chỉ duy trì mức tồn tại tối thiểu

Nghiên cứu của VEPR được thực hiện từ tháng 5.2016 đến tháng 12.2016 tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Thừa Thiên – Huế và Điện Biên. Kết quả nghiên cứu cho thấy, chính sách quản lý của các tổ chức xã hội hiện nay chưa hiệu quả, không phát huy được năng lực của các tổ chức này trong việc giải quyết các vấn đề xã hội. Ngoài các rào cản liên quan đến pháp lý và tài chính, các tổ chức xã hội Việt Nam cũng đang gặp phải những rào cản liên quan đến môi trường hoạt động. Trong đó đáng kể nhất là thái độ của người dân về hoạt động của tổ chức xã hội.

Không thể phủ nhận sự hình thành và phát triển của nhóm các tổ chức xã hội bao gồm hội, hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ Việt Nam (VNGOs), các tổ chức cộng đồng (CBOs), và một phần các doanh nghiệp phi lợi nhuận đang giữ vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống xã hội của đất nước. Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 43 nghìn hội, hiệp hội không hưởng ngân sách, hơn 2.000 VNGOs và hàng trăm nghìn CBOs. Các tổ chức này góp phần không nhỏ thực hiện công tác an sinh xã hội, trợ giúp người yếu thế và là kênh truyền thông hiệu quả giữa Nhà nước và người dân.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, các nhóm tổ chức xã hội đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là việc thiếu hụt nguồn lực tài chính để hoạt động. Theo nghiên cứu của VEPR và Ban quản lý Dự án Quỹ toàn cầu thành phần VUSTA, có sự khác biệt về thực trạng nguồn lực tài chính giữa các nhóm tổ chức khác nhau. Các tổ chức hội, hiệp hội, đặc biệt là những hội thân hữu nhà nước (được thành lập dựa trên quyết định hành chính/khuyến nghị của cơ quan nhà nước, đã từng được hưởng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước) hầu như không có ngân sách để hoạt động, đặc biệt trong giai đoạn cải cách hành chính và tinh giản biên chế được đẩy mạnh gần đây. Các tổ chức này phần lớn chỉ duy trì được mức tồn tại tối thiểu, với hỗ trợ từ nguồn nhân lực không trả lương, văn phòng và chi phí hoạt động tối thiểu từ các cơ quan nhà nước.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, nguồn lực nhà nước dành cho các tổ chức xã hội không được phân bổ một cách công khai, minh bạch, và công bằng giữa các tổ chức. Cũng chưa có cơ chế cạnh tranh phân bổ nguồn lực cho các tổ chức xã hội trong và ngoài công lập. Các nguồn hỗ trợ gián tiếp (ưu đãi về thuế cho các nhà tài trợ doanh nghiệp, ưu đãi thuế cho các tổ chức xã hội hoạt động công ích) chưa có quy định cụ thể và chưa thực hiện được trên thực tế. Các tổ chức xã hội ngoài công lập chưa tiếp cận được nguồn tài trợ doanh nghiệp. Chưa kể đến hiện tượng chồng chéo trong việc huy động nguồn tài trợ xã hội từ các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức hội đặc thù, còn có xu hướng các cá nhân, tổ chức tự thực hiện hoạt động thiện nguyện mà không thông qua các hội nhà nước. Do vậy, dẫn đến lo ngại về tính minh bạch trong chi tiêu và hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Chuyển hướng nội địa

Tại Hội thảo “Hướng tới sự phát triển bền vững của các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng dưới góc độ tài chính” sáng 22.12, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường – thành viên nhóm nghiên cứu về chủ đề này cho biết, các tổ chức xã hội được khảo sát đều mong muốn có cơ chế cạnh tranh để sử dụng nguồn lực nhà nước phục vụ cho các mục tiêu công cộng, tránh tình trạng “kẻ ăn không hết người lần chẳng ra”. Điều này đòi hỏi phải xây dựng một mô hình phân bổ ngân sách theo cơ chế để những tổ chức xã hội có năng lực nhất có thể tham gia đấu thầu thực hiện. Có thể chọn một cơ quan, hoặc tổ chức đại diện cho Nhà nước để kiểm định chất lượng dự thầu.

Ngoài ra, theo ông Cường, các tổ chức xã hội cũng cần chủ động chuyển mình, khẳng định giá trị và vai trò nhằm vượt qua những thách thức tài chính được dự đoán sẽ tiếp tục khó khăn trong thời gian tới. Nguồn tiếp cận mà các tổ chức xã hội cần hướng tới là doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, ông Cường cũng cho biết, các tổ chức phi chính phủ cho rằng, hiện tại khung pháp lý chưa tạo điều kiện để các tổ chức phi chính phủ và các doanh nghiệp phối hợp với nhau dễ dàng hơn.

Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong khẳng định, phương án chính để vượt qua thách thức về tài chính của các tổ chức xã hội là chuyển hướng nội địa, tức là hướng tới doanh nghiệp trong nước và triển khai cung ứng dịch vụ công cho Nhà nước. Xu hướng sẽ là các tổ chức xã hội phải tự trang trải, tự chủ và tự chịu trách nhiệm, Nhà nước chỉ quản lý sản phẩm đầu ra, đánh giá sản phẩm đầu ra mới giao tiền. Điều này là thách thức nhưng cũng là cơ hội của các tổ chức xã hội. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Đặng Thuần Phong cũng cho biết, hiện chưa có quy định rõ ràng về việc dịch vụ nào Nhà nước cung ứng, dịch vụ nào phải giao cho các tổ chức xã hội. Ông Phong cho rằng điều này cần quy định cụ thể bằng luật pháp. Có như vậy, các tổ chức xã hội mới dựa theo nghiên cứu năng lực của mình để đăng ký thực thi những dịch vụ công của Nhà nước.

Hơn nữa, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, hiện chưa có những chính sách cụ thể để phát huy tính tự chủ, tự trang trải của các tổ chức hội. “Mặc dù Nhà nước khuyến khích nhưng tôi gần như không nhận thấy trong các văn bản pháp luật những chính sách giúp các tổ chức xã hội tự trang trải, tự chủ động. Đây là khiếm khuyết lớn mà vai trò quản lý nhà nước tới đây phải làm rõ”, ông Phong nói.

Trương Ngọc
Theo daibieunhandan.vn