Nhân dịp Lễ khởi động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PreP) vừa được tổ chức chiều ngày 12 tháng 6 năm 2017 tại thành phố Hồ Chí Minh, phóng viên chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn dành cho PSG.TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng, Cục phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế.
Tại sao Cục Phòng, chống HIV/AIDS lại quan tâm đến chương trình thí điểm PrEP tại Việt Nam?
Do đặc điểm dịch tễ HIV ở Việt Nam đang có những thay đổi. Trong khi tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma tuý và phụ nữ mại dâm giảm mạnh thì tỉ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và và nhóm chuyển giới nữ (TGW) vẫn duy trì ở mức cao và đang gia tăng ở các khu vực đô thị, cùng với đó là tỉ lệ các hành vi tình dục không an toàn khá cao trong nhóm này. Trong bối cảnh hiện chưa có vắc-xin để phòng ngừa, phương pháp phòng ngừa bằng thuốc ARV được coi là giải pháp bổ sung dự phòng lây nhiễm HIV.
PrEP là một phương án dự phòng đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo và nhiều quốc gia đã thực hiện từ nhiều năm nay. Phương pháp này tuy không thay thế được vắc xin HIV hay những biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HIV khác nhưng nó cũng là một cách đơn giản có khả năng làm giảm 2/3 nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM qua các thử nghiệm lâm sàng và qua các can thiệp thực tế trên thế giới. Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo PrEP nên được cung cấp bổ sung cho những người có nguy cơ nhiễm HIV cao trong gói dự phòng HIV kết hợp.
Nhận thức rõ hiệu quả trong dự phòng HIV của PrEP và lợi ích dài hạn của sử dụng ARV để dự phòng cho người chưa nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế có kế hoạch phối hợp với các đối tác triển khai thí điểm cung cấp PrEP cho MSM và TGW trong gói dự phòng HIV kết hợp bao gồm: tư vấn, xét nghiệm HIV định kỳ, theo dõi lâm sàng, và khuyến khích sử dụng bao cao su và chất bôi trơn.
Thí điểm này sẽ đưa ra các bằng chứng và cung cấp thông tin về tính khả thi của việc triển khai PrEP tại Việt Nam. Từ đó giúp Bộ Y tế đưa ra những khuyến cáo và hướng dẫn quốc gia đối với can thiệp dự phòng trước phơi nhiễm cho các nhóm nguy cơ cao nhằm tiến tới kiểm soát và kết thúc dịch HIV tại Việt Nam.
Nếu chương trình thí điểm thành công, các bước tiếp theo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS là gì để nhân rộng PrEP tại Việt Nam?
Nếu chương trình thí điểm PrEP thành công tại Hồ Chí Minh, Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ:
– Xây dựng hướng dẫn về can thiệp dự phòng trước phơi nhiễm cho các nhóm nguy cơ cao và bổ sung phần nội dung này trong hướng dẫn Quốc gia về chăm sóc điều trị HIV/AIDS.
– Phổ biến hướng dẫn tới các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV, cơ sở điều trị HIV/AIDS trên toàn quốc để có thể sẵn sàng cung cấp dịch vụ PrEP cho các khách hàng có nhu cầu.
Do PrEP là can thiệp dự phòng, không thể đưa vào danh mục thuốc BHYT, cần huy động nguồn lực hợp pháp khác để tập trung triển khai ở các tỉnh, thành phố có tình hình dịch HIV cao, có nhiều người là MSM, TGW.
Ông muốn chia sẻ thông điệp gì tới những khách hàng đang quan tâm tới PrEP?
Việc quan trọng nhất để tránh lây nhiễm HIV cần thực hiện các biện pháp an toàn trong tiêm chích và quan hệ tình dục.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, PrEP không phải là thần dược, nó chỉ là một biện pháp tình thế rất quan trọng và có hiệu lực khi chưa phát minh được vắc xin chống HIV và bổ sung vào như là một can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV. Nếu bạn còn trẻ, bạn có nguy cơ lây nhiễm HIV mà chưa biết đến PrEP, hãy tìm hiểu và sử dụng về PrEP để bảo vệ bản thân khỏi HIV.
Xin cảm ơn PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long.