Chị M là người Huế lấy chồng ở An Giang, trải qua hai đời chồng. Người chồng trước của chị nhiễm HIV qua đời để lại cho chị hai người con.
Hai bà mẹ chồng cay nghiệt
Chị M là người Huế lấy chồng ở An Giang, trải qua hai đời chồng. Người chồng trước của chị nhiễm HIV qua đời để lại cho chị hai người con. Những ngày chị ốm, gia đình bên chồng bỏ mặc chị một mình trong bệnh viện, sau khi từ viện về mẹ chồng đòi lại chiếc xe máy chồng chị từng chở chị đi làm. Chị đem hai con về Huế, cha ruột và mẹ kế của chị cũng không tiếp nhận chị vì họ sợ lây HIV. Cuối cùng chị được các Sơ dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế cho ba mẹ con chị tá túc tại một cơ sở từ thiện của dòng. Hằng ngày, chị giúp các sơ quét dọn phòng, lau nhà, bàn ghế phòng khám bệnh từ thiện của các Sơ. Một hôm, bạn gái chị đến thăm và muốn rủ chị vào TP Hồ Chí Minh mở quán bún bò Huế.
Một buổi chiều năm 2011, chị cùng hai con lén ra khỏi nhà từ thiện, mua vé tàu vào TP Hồ Chí Minh. Lúc mới vào, chị M xin làm thuê cho một nhà làm nem chả, sắp lá, gói nem, rang gạo và nấu ăn cho gia đình bà chủ,. Duyên nợ đên với chị thêm một lần nữa, sau hai tháng chị được người con trai bà chủ kém chị bốn tuổi để ý thương thầm. Dần dần anh chị thương nhau thực sự và anh tính đến chuyện cưới chị M làm vợ, nhưng mẹ anh không đồng ý vì chị M đã có hai người con riêng, Trước đây bà định hỏi vợ cho anh, một cô gái cùng xóm con nhà khá giả nhưng anh không muốn, bây giờ anh thích chị M vì chị có khuôn mặt trái xoan và nụ cười duyên dáng. Mẹ anh tức giận đuổi ba mẹ con chị ra khỏi nhà. Bà lấy lý do chị không đăng ký tạm trú tại địa phương. Chị M quỳ gối xuống năn nỉ xin bà ở lại vì họ không biết đi đâu bây giờ nhưng bà vứt hết đồ đạc của chị ra đường.
Thương chị M, anh theo chị về Huế, họ tìm đến nhà bà nội, được bà chỉ cho miếng đất gần mé sông để làm nhà. Tháng 6 năm 2013 chị sinh con gái, đứa con chung của hai người. Ban ngày, anh ở nhà lo cơm nước cho gia đình, giặt giũ áo quần, thay và đóng bỉm cho con để chị M ngoài chợ buôn bán đồ nhựa gia dụng. Chiều đến, anh chở chị trên xe máy đến phố đi bộ, anh phụ chị trưng bày áo quần trẻ em may sẵn trên vỉa hè rồi anh quay về nhà chăm con.Tuy nhiên, do nhiễm HIV nên anh có mặc cảm tự ti không muốn tiếp xúc mọi người, đôi lúc anh uống vài ly rượu giải sầu, nhưng càng uống càng sầu thêm. Vì chị M buôn bán ế ẩm do mất lượng khách trong thời gian nghỉ sinh con, chị hay than phiền trước mặt anh từ tiền mua sữa cho con, tiền điện nước, tiền đóng thuế chợ, tiền mua hàng nhựa trả góp, tiền ăn gia đình, nợ ngân hàng và tiền đóng hụi.
Tương tự chuyện này, một Người Bạn nữ khác ở Cần Thơ theo chồng về miền Trung làm dâu ở một vùng ngoại ô cách Huế chừng 6 cây số. Chị T, 38 tuổi, kết hôn gần bốn năm trời nhưng vẫn chưa có con, gia đình chị ở chung với mẹ chồng. Cả hai anh chị đều nhiễm HIV. Mẹ chồng thì quá thương con trai ốm yếu vì cả ngày đi làm ngoài ruộng, tối về anh còn đi bắt thêm ếch để cải thiện. Anh mua thêm bốn con lợn, nuôi hơn 40 con gà để chị ở nhà chăn nuôi.
Từ ngày có cô con dâu về giúp bà nấu nướng, quét dọn, giặt giũ, rửa chén thì bà không thích vì con dâu đã dành hết công việc của bà. “Nấu thức ăn gì mẹ chồng cũng chê.” Một hôm, đến giờ ăn trưa bà ngồi ngoài cửa chờ anh đi làm về, bà trách anh là “vợ mày không biết nấu ăn, cá kho thì quá ngọt, vẫn còn mùi tanh, ớt thì sợ cay không nêm. Chồng chị bảo:“Mẹ thông cảm vì vợ con là người miền Nam nên chưa quen nấu ăn kiểu miền Trung của mình”. Bà bảo “ Tao nói hoài mà nó chẳng chịu nghe, thôi mặc kệ vợ chông mày, tao không biết”. Nói xong bà bỏ về nhà người cậu út ở lại đó mấy ngày. Điều làm mẹ chồng chị không thích nữa là cái sân vườn trồng rau khoai và cái chuồng lợn làm bằng tre chỉ vừa nuôi hai con lợn. Bây giờ anh chị xây bờ lô kiên cố hơn để thả thêm lợn, bà cũng nặng mặt nói bóng nói gió với chị T: “có cái chuồng thì cũng như không, có vườn mà ngày nào cũng phải ngồi trông chừng gà phá rau”.
Chị bảo“Nhìn bốn con lợn mỗi ngày càng tạp ăn, tết này có thể xuất chuồng và sẽ thay vào đó thêm nhiều con hơn, nhìn đàn gà ngày mỗi lớn, có nhiều con đi theo mẹ kiếm ăn mỗi ngày nhưng sao trong lòng tôi vẫn buồn, tại sao mẹ chồng đã 72 tuổi rồi mà không hiểu cho hoàn cảnh bệnh tật của mình”. Tuy vẫn còn thương chồng nhưng chị T vẫn quyết ra đi, phần thì chị nhớ nhà bao năm chưa về thăm cha mẹ kể từ ngày lấy chồng xa xứ, phần thì chị không chịu nổi sự nặng mặt, bắt bẻ, chê bai của bà mẹ chồng. Nhiều đêm, chị đau đớn khóc thầm từ chuyện mong chờ sinh được một đứa con đến chuyện mẹ chồng làm chị tổn thương.
Nhóm Công Giáo hỗ trợ hai chị M và T
Hai chị M và T, đều là thành viên của nhóm Chăm sóc và Truyền thông viên của chúng tôi, trước tiên chúng tôi cùng các nữ tu tìm đến nhà chị M để gặp gia đình chị, lắng nghe họ tâm sự rồi giúp họ hàn gắn vết thương.. Họ xin lỗi nhau, chồng chị M thấy mình do tự ái bản thân, không làm gì ra tiền lúc này và ăn bám vợ, anh dùng tiền chị chi ăn sáng để mua rượu, trong khi chị M thừa nhận vì to tiếng hay càm ràm chuyện tiền bạc trước mặt anh làm anh bực mình.
Đến thăm nhà chị T, chúng tôi gặp bà mẹ chồng chị, tuy bà không muốn ở chung với anh chị nhưng bà đồng ý cho vợ chồng chị một miếng đất trong vườn của bà để anh chị dựng nhà riêng. Chúng tôi đang vận động các nhà hảo tâm giúp gia đình anh chị có tiến để làm nhà nên anh chị rất hài lòng.
Tháng 12 năm 2013, tôi và nhóm các anh chị này tham dự lớp tập huấn Kỹ năng Chăm sóc tâm lý-xã hội cho chăm sóc viên các tôn giáo do CYCAD Huế tổ chức, trong bài kỹ năng chăm sóc, cô Hoàng Lan, giảng viên Trường Đại học Y Khoa Huế nói,: “ Ít ai hiểu rằng người chăm sóc cũng cần được chăm sóc, nhất là về mặt tinh thần và tâm lý” Hy vọng trong tương lai, sẽ ít cảnh buồn như tên bài hát Thành Phố Buồn của Lam Phương: “Rồi từ đó, em làm dâu nhà người”
` Ngọc Giáo