Trang Chủ Tin tức Câu chuyện thành công Sống trọn vẹn 2022 – Từng phút giây, từng hơi thở

Sống trọn vẹn 2022 – Từng phút giây, từng hơi thở

Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2022 và kỷ niệm ngày thế giới phòng chống AIDS 1/12, ngày 30 tháng 11 năm 2022, tại Nhà Văn Hóa Thanh Niên thành phố Hồ Chí Minh. Hội phòng chống HIV/AIDS thành phố Hồ Chí Minh, Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam TP.HCM phối hợp với Công ty TNHH Xã Hội Bầu Trời Xanh, Phòng khám Nhà Mình tổ chức ngày hội “Sống Trọn Vẹn 2022 – Từng Phút Giây, Từng Hơi Thở”.

39
0

Ngày hội “Sống trọn vẹn 2022 – Từng phút giây, từng hơi thở” là sự kiện hưởng
ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2022 và kỷ niệm ngày thế giới phòng chống AIDS 1/12 với chủ đề “Chấm dứt dịch AIDS – Thanh niên sẵn sàng”. Dự kiện này được Hội Phòng chống HIV/AIDS và Hội Liên hiệp Thanh niên TP.HCM tổ chức, hướng đến mục tiêu huy động toàn bộ cộng đồng tham gia phòng, chống HIV/AIDS, tiến đến chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Ths. Bs. Đỗ Hữu Thủy, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS trình bày tại Hội thảo.

Ngày hội có sự quan tâm, tham dự của hơn 500 đại biểu, đại diện nhiều các Ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức quốc tế, các tổ chức cộng đồng, giới văn nghệ sĩ và các cơ quan báo chí. Về phía Cục Phòng, chống HIV/AIDS, có Ths. Đỗ Hữu Thủy, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV; ThS. Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC); Bà Maria Elena Borromeo, Giám đốc Quốc gia UNAIDS; Bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh; Đại diện Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, tại đây còn có sự tham gia của hơn 500 đại biểu gồm học sinh, sinh viên, thanh niên trẻ và cộng đồng.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM Bùi Hữu Hồng Hải cho biết, Ngày hội “Sống trọn vẹn” là hoạt động được TP.HCM tổ chức hàng năm với mục đích tăng cường sự chủ động tham gia tìm hiểu kiến thức điều trị và dự phòng HIV/AIDS của các đối tượng thanh niên, học sinh, sinh viên và cộng đồng; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người sống với HIV/AIDS và người ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tăng cường các hoạt động dự phòng trước lây nhiễm HIV, xét nghiệm, điều trị sớm HIV/AIDS, cung cấp dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS, quảng bá dịch vụ sẵn có về HIV/AIDS đến người dân, đặc biệt là các nhóm thanh niên trẻ, những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao… Đây là một trong những hoạt động của TP.HCM nhằm góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân, Chủ tịch Hội Phòng, chống HIV/AIDS TP.HCM cho biết, với người sống với HIV thì “sống trọn vẹn” nghĩa là phải có thuốc duy trì, phải tuân thủ điều trị dù trong hoàn cảnh nào, không bị kỳ thị phân biệt đối xử, cũng như được bảo vệ quyền và sống có trách nhiệm.
Nhiều nhóm cộng đồng người sống với HIV tại TP.HCM hiện nay đã có sự chuyển mình, tiến bộ rất nhiều; vượt qua mặc cảm, tự ti để trở thành người sống có ích cho xã hội và đem kiến thức, kinh nghiệm của bản thân để giúp đỡ, hỗ trợ những người cùng hoàn cảnh. Do đó, họ càng nên nhận được sự tôn trọng, chia sẻ từ xã hội.


Hoa Hậu H’Hen Niê tại Hội thảo.

Góp mặt tại ngày hội, Hoa hậu H’Hen Niê cho biết, cô đã có hơn 5 năm đồng hành cùng Hội Phòng, chống HIV/AIDS TP.HCM. Người đẹp tâm đắc nhất là hành trình kêu gọi “Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử người sống với HIV và người ảnh hưởng bởi HIV/AIDS”.
Mỗi lần tham dự sự kiện, Hen có những cảm xúc khác nhau. Với hoạt động Sống trọn vẹn lan tỏa tinh thần sống không kỳ thị và không tự kỳ thị, tôi mong muốn mọi người không kỳ thị người có HIV và người có HIV cũng không tự kỳ thị mình. Mỗi dự án đều có ý nghĩa riêng dành cho cộng đồng. Ngày hội là một chương trình giúp cho mọi người hiểu thông tin nhiều hơn về cộng đồng, để cảm thông cho họ”, Hoa hậu H’Hen nói.

Đặc biệt, phiên thảo luận “Vì hiểu mà đến” giúp người tham gia hiểu rõ hơn về những rào cản, khó khăn của người có HIV. Đồng thời, đây là dịp để những người có HIV chia sẻ và lên tiếng về những bất cập trong đời sống. Ngoài ra, sự kiện còn kêu gọi các văn nghệ sĩ, cơ quan truyền thông góp phần lan tỏa và hưởng ứng phong trào Ngưng kỳ thị.

Ông Nguyễn Anh Phong – Phó Chủ tịch Hội Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM phát biểu
tại Hội thảo.

Anh Nguyễn Anh Phong – Phó Chủ tịch Hội Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM, người có 18 năm đồng hành với các hoạt động dành cho cộng đồng HIV/AIDS – cho biết hoạt động năm nay thu hút đông đảo lực lượng thanh niên, học sinh, sinh viên và toàn thể cộng đồng tham gia, với mong muốn đạt được mục tiêu 95-95-95, tạo đà cho giai đoạn mới với mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.
Ban tổ chức cũng mở các hội thảo ý nghĩa như: Hội thảo “Kì thị đối với người sống với HIV: còn hay không?”; Hội thảo “Vai trò của cộng đồng trong nâng cao chất lượng dịch vụ y tế về HIV”;
Phó Chủ tịch Hội Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM Nguyễn Anh Phong cũng bày tỏ lạc quan và hy vọng đại dịch AIDS sớm được đẩy lùi vào năm 2030 theo mục tiêu Sở Y tế TP.HCM đã đặt ra. Thời gian tới, thành phố Hồ Chí Minhsẽ tập trung vào những nhóm người có nguy cơ cao bằng cách đẩy mạnh các dịch vụ dự phòng, tăng cường xét nghiệm, điều tra, truy vết nhằm chặt đứt chuỗi lây truyền trong cộng đồng.


Các Nghệ sĩ cũng có nhiều tham luận tại Hội thảo.


Chương trình Gala “Bạn không một mình”

Thông qua Ngày hội, Ban Tổ chức hy vọng sẽ vận động được các bạn trẻ tìm hiểu thêm kiến thức để bảo vệ chính mình và người thân khỏi HIV; đồng thời kêu gọi sự phối hợp của các cấp, ngành, các cơ quan báo chí, truyền thông và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ xã hội để loại bỏ kỳ thị liên quan đến HIV.