Trang Chủ Tin tức Sự kiện Sử dụng và huy động ngân sách địa phương trong phòng, chống...

Sử dụng và huy động ngân sách địa phương trong phòng, chống AIDS

68
0

Để đạt được hiệu quả cao trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, trong thời gian tới cần phải thay đổi các chiến lược ưu tiên trong phương thức đầu tư. 

Để đạt được hiệu quả cao trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, trong thời gian tới cần phải thay đổi các chiến lược ưu tiên trong phương thức đầu tư. Thay vì sử dụng ngân sách của chương trình mục tiêu quốc gia, cần phải chuyển sang phương thức sử dụng và huy động ngân sách địa phương.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo như trên tại Hội nghị tổng kết năm thứ 1 (01/7/2013 – 30/6/2014) và triển khai kế hoạch năm thứ 2 (01/1/2015 – 30/12/2015) do Dự án Hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức ngày 4/9/2014.

Theo Thứ trưởng , phương thức chuyển giao dự án phải thay đổi cách lập kế hoạch, các nhà tài trợ cần lưu ý việc chuyển ngân sách từ trung ương sang địa phương có nghĩa là địa phương toàn quyền quyết định cũng như quyết định ngân sách hỗ trợ mà mình được thụ hưởng.

Dự án Hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (VAAC-US.CDC) là dự án hợp tác giữa Bộ Y tế Việt Nam và Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ giai đoạn từ 01/07/2013 đến 30/06/2018. Dự án nhằm nâng cao năng lực của hệ thống chăm sóc y tế để cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS có chất lượng, toàn diện, bền vững cho những người nhiễm HIV và những người nguy cơ cao lây nhiễm HIV.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực thu thập, sử dụng số liệu và quản lý chương trình HIV/AIDS thông qua việc nâng cao chất lượng chương trình giám sát HIV/STD/TB và nâng cao năng lực của hệ thống phòng xét nghiệm cho việc giám sát, sàng lọc, theo dõi và điều trị bệnh.

Đồng thời, nâng cao năng lực về kỹ thuật, tổ chức và tài chính của Cục Phòng, chống HIV/AIDS để điều phối các nhà tài trợ về lĩnh vực HIV/AIDS, đặc biệt là các đối tác của PEPFAR và Quỹ Toàn cầu trong việc xây dựng, ban hành các hướng dẫn kỹ thuật và giám sát các chương trình cung cấp dịch vụ có chất lượng cao.

Sau 1 năm triển khai, dự án đã đạt được những kết quả tích cực trong các chương trình như: tiếp cận cộng đồng; tư vấn xét nghiệm tự nguyện; điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; phòng khám ngoại trú người lớn; phòng khám ngoại trú Nhi; chương trình Lao/HIV; nâng cao năng lực và cơ sở hạ tầng phòng xét nghiệm; nâng cao năng lực theo dõi, giám sát và đánh giá; nâng cao năng lực kỹ thuật, tổ chức và tài chính…

Điển hình, trong chương trình tiếp cận cộng đồng, dự án đã đạt 100% theo kế hoạch triển khai dự án tại 27 tỉnh/thành với 372 tiếp cận cộng đồng. Số liệu thống kê của ban quản lý dự án cho thấy, dự án đạt 162% chỉ số khách hàng tiếp cận mới là 31.246 người; 118% chỉ số lượt tiếp cận là 111.616; 83,3% số lượt khách hàng giới thiệu thành công đến phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện và quay lại nhận kết quả là 22.234 người.

Về chương trình phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, dự án đạt 100% chỉ số kế hoạch triển khai tại 20 tỉnh/32 số site trọn gói; 110% số phụ nữ mang thai được tư vấn và xét nghiệm HIV trong giai đoạn mang thai và chuyển dạ; 106% tỷ lệ mẹ nhiễm HIV sau sinh được chuyển tiếp thành công đến phòng khám ngoại trú người lớn; 100% tỷ lệ trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được dùng ARV phòng lây truyền mẹ con…



( Nguồn Cục Phòng Chống HIV/AIDS –Bộ Y Tế)