Trang Chủ Tin tức Sự kiện SỰ KIỆN HỘI NGHỊ “TÀI CHÍNH BỀN VỮNG CHO PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS...

SỰ KIỆN HỘI NGHỊ “TÀI CHÍNH BỀN VỮNG CHO PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS TẠI CÁC NƯỚC ASEAN”

72
0

Năm 2014 là năm đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN (AHMM) nhằm đưa ra giải pháp cho các vấn đề y tế nổi bật trong khu vực, chia sẻ kinh nghiệm về chăm sóc sức khỏe người dân và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế. 

Năm 2014 là năm đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN (AHMM) nhằm đưa ra giải pháp cho các vấn đề y tế nổi bật trong khu vực, chia sẻ kinh nghiệm về chăm sóc sức khỏe người dân và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế. Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 12 này, Bộ Y tế đưa ra chủ đề: “Tài chính bền vững cho chương trình phòng, chống (PC) HIV/AIDS tại các nước ASEAN” nhằm củng cố các cam kết của ASEAN trong đảm bảo tài chính, nâng cao tính tự chủ và lãnh đạo của các nước để đẩy mạnh hoạt động PC HIV/AIDS cấp quốc gia và khu vực; chia sẻ các cơ hội và các sáng kiến để huy động tài chính bền vững cho PC HIV/AIDS; đồng thời thống nhất phương án tài trợ bền vững cho PC HIV/AIDS tại các quốc gia ASEAN trong giai đoạn sau năm 2015.

aids hội nghị khu vực

Hội nghị do GS. TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì. Đồng chủ trì có Ngài. J.V.R. Pradasa Rao, Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS khu vực châu Á-Thái Bình Dương; Bà Nafsiah Mboi, Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia, Chủ tịch Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét; Tiến sĩ Sha’ari Bin Ngadiman, Chủ tịch ATFOA 2014.

Hội nghị có sự tham dự của hơn 100 đại biểu trong đó có sự tham dự của ông Steve Kraus, Giám đốc UNAIDS khu vực châu Á – Thái Bình Dương; các cán bộ cấp cao của một số nước ASEAN; Ban thư ký ASEAN; các đầu mối của Nhóm đặc nhiệm phòng, chống HIV/AIDS khu vực Đông Nam Á (ATFOA); và đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; đại diện Văn phòng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bảo hiểm xã hội, Vụ các vấn đề xã hội của Quốc hội, Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân và Sở Y tế 12 tỉnh/thành phố; đại diện một số Cục, Vụ thuộc Bộ Y tế và một số cơ quan truyền thông đại chúng.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định đây là một nỗ lực mới của Việt Nam nhằm tạo cơ hội tốt để Việt Nam cùng các nước có thể chia sẻ, học hỏi các kinh nghiệm của nhau trong quá trình tìm kiếm những giải pháp khả thi, nhằm đảm bảo tài chính cho việc duy trì, mở rộng và nâng cao chất lượng của các hoạt động PC HIV/AIDS của mỗi nước, cũng như trong khu vực. Để vượt qua thách thức về suy giảm nguồn lực, hướng tới thực hiện mục tiêu “ba không” và gần đây nhất là mục tiêu “90. 90. 90” trong PC HIV/AIDS và Mục tiêu “Chấm dứt dịch HIV/AIDS vào năm 2030”. Nhiều quốc gia trong khu vực đã nỗ lực giảm sự phụ thuộc về nguồn lực từ các nhà tài trợ, tăng cường đầu tư từ phía Chính phủ; huy động sự tham gia của cộng đồng; quản lý, điều phối hiệu quả các nguồn lực có được.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Steve Kraus cho rằng một trong những thách thức lớn nhất để mở rộng và tiếp cận được tất cả mọi người đang cần đến các dịch vụ PC HIV/AIDS là vấn đề kinh phí. Vì nguồn tài chính từ các đối tác quốc tế đang suy giảm, thách thức về bền vững tài chính PC HIV/AIDS trở thành vấn đề lớn. Do đó cần phải sáng tạo và đưa ra những phương pháp tiên tiến, cùng với các cơ hội hướng tới tài chính bền vững cho công tác PC HIV/AIDS trong khu vực như: Tăng cường quyết tâm chính trị nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến các nhóm có hành vi nguy cơ cao; tạo nhiều hiệu quả hơn trong đầu tư cho việc chăm sóc sức khỏe công cộng và lồng ghép các dịch vụ PC HIV/AIDS vào các dịch vụ chăm sóc bà mẹ, trẻ em, dịch vụ PC Lao và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác; đưa ra những sáng kiến đổi mới và các cơ hội trong nước nhằm duy trì các hoạt động PC HIV/AIDS. đảm bảo cho những người nhiễm HIV được tiếp cận các dịch vụ lâu dài và bền vững.

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các bài trình bày về Tuyên bố cam kết của ASEAN; Môi trường tài trợ cho chương trình AIDS tại khu vực châu Á Thái Bình Dương; Chấm dứt đại dịch AIDS năm 2030 – Khung đầu tư cho chương trình HIV/AIDS ở Thái Lan; Phân tích việc tăng vốn đầu tư có tính chiến lược hơn cho chương trình HIV tại Indonesia; Khung đầu tư cho AIDS tại Việt Nam và các phương án cho tài chính bền vững của chương trình AIDS; Chia sẻ kinh nghiệm các Thành phố 3 Không; Sử dụng khung đầu tư cho AIDS cấp thành phố dựa trên bằng chứng hướng tới mục tiêu 3 Không; Hướng tới mục tiêu “Không trẻ sơ sinh nhiễm mới HIV”; Kinh nghiệm tại thành phố Cần Thơ, Việt Nam. Hội nghị đã thảo luận chuyên đề: Cơ hội và thách thức trong đảm bảo nguồn tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS sau năm 2015.

Thay mặt đoàn chủ tịch, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá cao các nội dung trình bày tại Hội nghị và nhận định: “Dịch HIV/AIDS vẫn là quan ngại lớn cho các nước khu vực Đông Nam Á, dịch đang có xu hướng gia tăng ở Indonesia, Philippine.., số ca nhiễm mới HIV vẫn ở mức cao ở phần lớn các nước Đông Nam Á. Công tác PC HIV/AIDS ở các nước Đông Nam Á đã chứng minh được hiệu quả về sức khỏe, kinh tế và phát triển xã hội nhưng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Đảm bảo tài chính cho công tác PC HIV/AIDS là một nội dung quan trọng được khẳng định rõ trong tuyên bố ASEAN năm 2011”. Trong bối cảnh các nguồn tài trợ đang giảm dần, các quốc gia ASEAN đều nhận được cam kết chính trị to lớn từ chính phủ thông qua việc chuyển dịch dần sự lệ thuộc vào các nguồn lực bên ngoài sang phát huy các nguồn lực trong nước.

Thứ trưởng cũng đưa ra các mục tiêu phấn đấu trong thời gian tới của cộng đồng các nước ASEAN: Cùng cam kết thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ vào năm 2015, hướng tới mục tiêu 3 không và đạt mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và kết thúc AIDS vào năm 2030.

Xây dựng chiến lược đầu tư cho PC HIV/AIDS thông minh và hiệu quả, tập trung ưu tiên cho các nhóm nguy cơ cao, khu vực dịch HIV trọng điểm.Triển khai đồng bộ các biện pháp dự phòng và chăm sóc điều trị toàn diện. Lồng ghép các hoạt động PC HIV/AIDS vào các dịch vụ y tế. Đảm bảo các dịch vụ bao phủ y tế toàn dân bao gồm cả dịch vụ HIV/AIDS.Tăng cường chủ động nguồn lực trong nước cho PC HIV/AIDS và phát huy vai trò các tổ chức cộng đồng tham gia cung cấp dịch vụ PC HIV/AIDS.Kêu gọi các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và tài chính thông qua các mô hình tài trợ cho các nước trong khu vực nhằm duy trì thành quả đạt được,Tiếp tục hỗ trợ cho các thành phố 3 không và tiếp tục phát huy các sáng kiến mới khác trong PC HIV/AIDS đặc biệt không tách rời HIV/AIDS khỏi các chương trình bao phủ y tế toàn dân.



Vân Anh