Truyền thông khi đưa tin chính xác, kịp thời về các giải pháp dự phòng và điều trị HIV/AIDS sẽ khiến người có H thêm phần lạc quan và hy vọng. Tuy nhiên, những nguồn tin vội vàng, thiếu kiểm chứng sẽ khiến họ thêm phần hoang mang, lo lắng.
Đã có chính thức thuốc chữa HIV???
Đầu tháng 1-2017, thông tin “đã có chính thức thuốc chữa HIV” dưới dạng video và bài viết lan với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội ở Việt Nam. Thông tin này sau đó được nhiều forum, website đăng tải lại, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cư dân mạng.
Một số tờ báo dẫn nguồn tin: “Năm 2017 chờ đón sự xuất hiện trên thị trường của SAV001 – loại vắc-xin được cho là có khả năng “tiêu diệt” virus HIV. Các thử nghiệm lâm sàng loại vắc-xin này đã được tiến hành trong nhiều năm trên 600 bệnh nhân dương tính với HIV và cho thấy hệ miễn dịch được cải thiện đáng kể cùng rất ít tác dụng phụ.Với kết quả cực kỳ khả quan này, SAV001 sẽ được cấp phép và bán rộng rãi vào cuối năm tới”.
Tiến sĩ Kang và cộng sự-Nguồn: lfpress.com
Thứ nhất, theo thông tin chính thức trên trang web của trường Y và Nha khoa Schulich thuộc ĐH Western Ontario (Canada) nơi Tiến sĩ Chil-Yong Kang và các cộng sự nghiên cứu SAV001 thì vắc-xin SAV001 được nghiên cứu là để Phòng HIV (preventive) chứ không dùng để Chữa HIV (therapeutic).
Thứ hai, thông tin mà nhiều tờ báo đưa “đã được tiến hành trong nhiều năm trên 600 bệnh nhân dương tính với HIV” là không chính xác. Trong các bài nghiên cứu khoa học chính thức về SAV001, không hề xuất hiện“600 HIV positive/infected” (tạm dịch:600 bệnh nhân dương tính). Thêm vào đó, theo nguồn tin chính thức từ trường Y và Nha khoa Schulich, giai đoạn II (nhằm mục đích đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vắc xin, đồng thời lựa chọn liều, lịch dùng thích hợp) sẽ tiến hành trên 600 “bệnh nhân âm tính” (người không nhiễm – 600 HIV negative candidates) ở Bắc Mỹ vào mùa Thu năm 2017. Tình nguyện viên tham gia nghiên cứu nằm trong nhóm có nguy cơ cao bao gồm: lao động tình dục nữ, đồng tính nam, người có quan hệ tình dục không an toàn, người nghiện ma túy.
Trước đó, theo nguồn tin chính thức trên trang web của Bộ Y tế Hoa Kỳ, vào năm 2013, giai đoạn I của SAV001 đã được thử nghiệm lâm sàng trên 33 bệnh nhân nhiễm HIV đang điều trị ARV để xem cơ thể có dung nạp loại vắc-xin này hay không. Kết quả cho thấy, vắc-xin SAV001 đẩy mạnh hệ miễn dịch tạo ra kháng thể chống lại một số chủng HIV ở người dương tính. Giai đoạn III, các nhà khoa học dự định sẽ thử nghiệm trên 6.000 người. Mặt khác, để có một chế phẩm vắc xin an toàn cho người sử dụng, phải trải qua những bước nghiên cứu, sản xuất phòng thí nghiệm, sản xuất công nghiệp, kiểm tra, thẩm định, đánh giá chất lượng rất nghiêm ngặt, thường mất từ 5 tới 10 năm.
Thứ 3, sau khi kết luận về kết quả khả quan của SAV001, một số báo khẳng định loại vắc-xin này tiêu diệt được HIV và sẽ bán ra thị trường vào cuối năm 2017 là quá vội vàng. Vì rất nhiều loại vắc-xin ngay cả khi đã vào giai đoạn 3 của thử nghiệm lâm sàng cũng bị loại bỏ. Những vắc xin đã được cấp phép lưu hành trên thị trường (sau thử nghiệm giai đoạn 3) phải được xác nhận tính an toàn trong quá trình sử dụng (thử nghiệm sau cấp phép) với số lượng đối tượng thử nghiệm trên diện rộng.
Thực tế, SAV001 là nghiên cứu hiệu quả dự phòng, để tích hợp nó thành vắc-xin điều trị là một kỳ vọng lớn của các nhà khoa học trên thế giới. Để tạo được kỳ tích này, cần có những nghiên cứu mới trong tương lai.
Không cần dùng bao cao su vì HIV… đã có thuốc!
Thông tin về thuốc chữa HIV thu hút sự chú ý cư dân mạng-Ảnh chụp màn hình
Sau khi thông tin thiếu kiểm chứng về “đã chính thức có thuốc chữa HIV” được tung ra, cư dân mạng đã “sục sôi” bàn luận. Đa số người đọc đều tin tưởng và chúc mừng nghiên cứu mang tính đột phá về SAV001 của ngành Y-Dược, chia buồn với các thương hiệu bao cao su. Trên mạng xã hội, đã có nhiều thành viên kêu gọi ngừng sử dụng bao cao su, “xõa thoải mái” vì không sợ HIV nữa. Bạn đọc Thúy Vũ vui mừng: “giờ lại có lý do để chơi bời xả láng”. Trong khi đó bạn đọc có nickname Đan Phượng e ngại rằng:”đúng là có thuốc cũng không nên công bố cho mọi người biết, như vậy hậu quả sẽ khôn lường, nhiều người sẽ ỷ lại và thoải mái hơn.”. Bạn đọc Trí Vĩnh Nguyễn bình luận: “Mong rằng sau khi có thuốc HIV ra đời mọi người vẫn giữ gìn, tiết chế. Không nên dựa vào thuốc mà ăn chơi, thoải mái trong tình dục”.
Họ không biết rằng quan hệ tình dục không biện pháp bảo vệ không chỉ đối mặt với nguy cơ nhiễm HIV/AIDS mà còn có thể mắc các bệnh lây qua đường tình dục (STIs). Trao đổi về vấn đề này, một thành viên (xin được giấu tên) của đại diện Mạng lưới Bầu trời tím (mạng lưới 6 quốc gia liên quan đến dự phòng HIV trong Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) chia sẻ, anh thực sự bất ngờ trước những thông tin như vậy, việc những thông tin thiếu kiểm chứng, sai lầm sẽ gây nên những hậu quả đáng tiếc thậm chí nghiêm trọng, làm người có H thêm phần hoang mang. Anh T nhấn mạnh, chỉ những thông tin được công bố chính thức từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới có giá trị, tin tưởng được.
Do vậy thiết nghĩ trong thời đại công nghệ thông tin nhất là sự bùng nổ của các mạng xã hội, bên cạnh những mặt tích cực, mỗi độc giả cần tỉnh táo khi tiếp nhận những thông tin mới. Cần tham khảo và đọc từ các trang mạng chính thống và có độ tin cậy cao để tránh hoang mang và thậm chí lãnh những hậu quả đáng tiếc.
Bình Nguyên