Trang Chủ Thư viện Báo cáo TÀI CHÍNH CHO TỔ CHỨC XÃ HỘI TRONG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS...

TÀI CHÍNH CHO TỔ CHỨC XÃ HỘI TRONG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS Ở VIỆT NAM

160
0

Phạm Nguyên Hà

Phó giám đốc Dự án VUSTA

 Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS

————————————–

  1. Các thông điệp chính
  • Các tổ chức xã hội (bao gồm các tổ chức phi chính phủ và tổ chức cộng đồng) hoạt động hiệu quả trong dự phòng HIV: Truyền thông; Phát bơm kim tiêm và bao cao su; Tiếp cận và hỗ trợ các đối tượng nguy cơ cao đi xét nghiệm HIV và kết nối điều trị
  • Các tổ chức xã hội hỗ trợ những người nghiện chích ma túy tham gia chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone
  • Trong bối cảnh nguồn tài trợ quốc tế bị cắt giảm, các tổ chức phi chính phủ cần tích cực tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ công liên quan đến HIV/AIDS
  • Các tổ chức cộng đồng cần tranh thủ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cho các hoạt động của mình
  • Cần huy động sự đóng góp của doanh nghiệp
  1. Thông tin cơ bản

Theo Tổ chức y tế thế giới, tính từ đầu vụ dịch (1981) đến cuối năm 2013, thế giới có 78 triệu người nhiễm HIV, 39 triệu người đã chết, 39 triệu người đang còn sống[1]. Từ những năm 2000,một khối lượng kinh phí lớn chưa từng có cùng với sự chú ý đặc biệt đã dành cho công tác phòng chống HIV[2]. Nguồn hỗ trợ này đã có tác dụng làm tăng quy mô điều trị và dịch vụ tại các nước chịu gánh nặng cao về dịch nhưng thiếu nguồn lực và cơ sở hạ tầng. Kinh nghiệm ở Thái Lan và nhiều nước cho thấy các tổ chức xã hội dân sự đóng vai trò quan trọng trong dự phòng và điều trị cho người nhiễm HIV[3].

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhiều nhà tài trợ đã giảm dần sự hỗ trợ cho HIV và yêu cầu các quốc gia phải chịu nhiều trách nhiệm hơn (Ravishankan, 2009) (Marten, 2014). Một câu hỏi đặt ra làm thế nào các nước nghèo có thể lấp được các khoảng trống mà các nhà tài trợ để lại và duy trì một cách hiệu quả các can thiệp.

Tại Việt Nam, kể từ ca nhiễm bệnh đầu tiên được phát hiện năm 1990 cho đến ngày 31/12/2015, đã có 86.716 người tử vong và 227.154 người nhiễm HIV đang còn sống[4]. Các tổ chức xã hội bao gồm các tổ chức phi chính phủ trong nước và các tổ chức cộng đồng đã có những đóng góp quan trọng trong ứng phó với dịch[5]. Từ đầu những năm 2000, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ quốc tế lớn và có những thời điểm chiếm đến 70% tổng chi phí quốc gia cho HIV/AIDS. Các nhà tài trợ bao gồm UNAIDS, quỹ Ford, Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét, Ngân hàng thế giới, quỹ Clinton và nhất là chương trình PEPFAR của chính phủ Mỹ. Năm 2004, Việt Nam được chọn là một trong 15 nước “ưu tiên” của PEPFAR và cho đến nay đã nhận tổng cộng hơn 800 triệu USD (Hirsch, 2015).

Việt Nam đang phải chịu cái gọi là “tác động của nước thu nhập trung bình” khi đối mặt với sự cắt giảm nguồn tài trợ quốc tế trong khi nguồn lực trong nước chưa đủ thay thế5. Trong khi đó HIV/AIDS vẫn là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, chính phủ đang phải cố gắng duy trì các can thiệp với nguồn lực hạn chế (Hirsch, 2015). Mặc dù vậy, cùng với thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS 2011-2020 với tầm nhìn 2030, chính phủ cam kết mạnh mẽ thực hiện mục tiêu 90-90-90 đầy tham vọng (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình, 90% người được chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc kháng virus và 90% người đang điều trị có tải lượng virus dưới mức ức chế) và chấm dứt đại dịch vào năm 2030.

[1]WHO. Global Health Observatory (GHO) data 2016  [cited 2016 19 April ]; Available from: http://www.who.int/gho/hiv/en/.

[2]Jenny Shapiro. Finding a way to survive: Sustainable civil society and HIV work in Vietnam’s post-donor context. 2016

[3]Sripen Tantivess and Gill Walt. The role of state and non-state actors in the policy process: the contribution of policy networks to the scale-up of antiretroviral therapy in Thailand. Health policy and planning 2008: 23: 328-338.

[4]Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế. Kết quả thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS năm 2015 và kế hoạch năm 2016. Hội nghị gặp mặt các tổ chức phi chính phủ Việt Nam về công tác phòng, chống HIV/AIDS 2016. Hà Nội. 24/6/2016.

[5]Báo cáo quốc gia về tiến độ chương trình AIDS toàn cầu 2014. Thực hiện cam kết chính trị 2011 về HIV/AIDS. Hà Nội, tháng 3 năm 2014.

11. Tai chinh cho CSO HIV 26 July 2016