Thứ nhất, nó nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS: Mặc dù nhiễm HIV là nhiễm bệnh truyền nhiễm mãn tính, tuy nhiên các giải pháp để kiểm soát dịch HIV không chỉ là các giải pháp y tế mà mang tính xã hội tức cần có sự tham gia của tất cả lãnh đạo các cấp, ngành y tế, các ban ngành đoàn thể và cả cộng đồng. Khác với nhiều bệnh khác, khi một cá nhân mắc bệnh có thể đến các cơ sở y tế để khám, phát hiện và điều trị. Tuy nhiên với HIV là đại dịch xảy ra trên tất cả các quốc gia và châu lục trên thế giới nên ở bình diện rộng cần sự chung tay của cả cộng đồng thế giới phòng, chống HIV/AIDS, nhất là hiện nay xu hướng thế giới phẳng, người đã nhiễm HIV thậm chí vẫn không chẩn đoán được (trong giai đoạn cửa số) nên không thể áp dụng các biện pháp cấm đoán di chuyển hay cách ly. Cộng đồng các quốc gia nếu không chung tay sẽ không thể bảo vệ được quốc gia mình khỏi HIV/AIDS. Tương tự vậy, ở phạm vi nhỏ hơn là một quốc gia, một tỉnh, thành phố hay nhỏ hơn là một gia đình, chúng ta không thể dùng các biện pháp cách ly để dập dịch như với nhiều dịch khác. Hơn nữa, các giải pháp kiểm soát dịch ngoài việc lấy ngành y tế là chủ đạo thì rất cần sự chung tay của cả cộng đồng, từ việc lãnh đạo chỉ đạo chương trình đến dự phòng lây nhiễm HIV, điều trị, chăm sóc HIV/AIDS, chống kỳ thị và phân biệt đối xử v.v… nếu chỉ ngành y tế thực hiện sẽ không thể thành công. Vai trò của cộng đồng ở đây còn muốn nhấn mạnh đến sự tham gia của các tổ chức xã hội, của các mạng lưới, cộng đồng người dễ bị tổn thương bởi HIV như người nghiện ma túy, người quan hệ tình dục đồng giới, người hoạt động mại dâm, người nhiễm HIV v.v… họ không chỉ là đối tượng của chương trình mà còn phải tham gia như đối tác của chương trình.
Mít tinh nhân Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2019 với chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS”
Khi nói về các tổ chức cộng đồng ở đây chúng ta thường hiểu đó là các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp xã hội, các tổ chức dựa vào cộng đồng hay các mạng lưới của các nhóm có hành vi nguy cơ cao, dễ bị tổn thương như người nghiện ma túy, người quan hệ tình dục đồng giới, người hoạt động mại dâm, người nhiễm HIV v.v… Đây là các tổ chức đóng vai trò rất quan trọng, chính vì thế Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) năm nay còn chọn chủ đề cho Ngày thế giới phòng, chống AIDS (01/12) là “Communities make the diference – Tạm dịch là “Cộng đồng tạo nên sự khác biệt”.
Thứ hai, nhấn mạnh đến mục tiêu quan trọng mà cả thế giới quan tâm và Việt Nam đã cam kết đó là kết thúc dịch AIDS”. Kết thúc dịch AIDS là mục tiêu cao nhất hiện nay để AIDS không còn là vấn đề sức khỏe cộng đồng của bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Liên Hiệp quốc cũng đã khuyến cáo các quốc gia muốn kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 thì cần đạt được các mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020, các mục tiêu 90-90-90 đó là: 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 90% người điều trị ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế. Thực tế Việt Nam năm 2018 kết quả ba mục tiêu này là 80-70-95. Như vậy, trừ mục tiêu thứ 3 chúng ta đã đạt được, còn hai mục tiêu đầu nhất là mục tiêu thứ 2 còn khá xa so với đích đạt ra trong khi chúng ta chỉ còn có 1 năm để thực hiện. Do vậy, nếu không có sự chung tay hành động của cả cộng đồng thì có thể chúng ta cũng sẽ không đạt được các mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và tiến tới kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.
Nhóm sinh viên biểu diễn các tiểu phẩm trong đêm Gala hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống AIDS năm 2019 tại Bắc Giang
Với chủ đề như vậy, cũng muốn nói lên vai trò hay tầm quan trọng của các tổ chức cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS.
Tại sao năm 2019, Việt Nam lại chọn chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS”
Năm 2019, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm chọn chủ đề cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS với chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS” mang nhiều ý nghĩa.