Tham dự lớp tập huấn có Đại diện của Ban Quản lý Dự án VUSTA – Dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS; Trung tâm Sáng kiến Sức khoẻ và Dân số (CCIHP); Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (ISEE); Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An (CDC Nghệ An); Phòng khám Glink Nghệ An cùng với 40 học viên đến từ 18 tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) đang hoạt động tại 09 tỉnh/thành phố trên cả nước.
Lớp tập huấn nhằm mục đích nâng cao kiến thức và kỹ năng tư vấn về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng vi rút (PrEP) và dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) và thông điệp Không phát hiện = Không lây nhiễm (K=K). Tại lớp tập huấn, các học viên cũng chia sẻ các kết quả nghiên cứu về những ảnh hưởng của COVID-19 tới các hoạt động cung cấp dịch vụ của CBOs cũng các giải pháp ứng phó với các tình huống khẩn cấp tương tự nếu đại dịch COVID-19 trong tương lai.
Về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng vi rút (PrEP) và dự phòng sau phơi nhiễm (PEP), các học viên đã được các giảng viên đến từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An giảng những kiến thức liên quan như: “Khái niệm về PrEP, PEP và hướng dẫn sử dụng; Những trường hợp nào nên dùng PrEP/PEP; Quy trình xử trí khi bị phơi nhiễm; Một số quan niệm sai lầm về PrEP, PEP…”. Đối với thông điệp K=K giảng viên đã trình bày những bằng chứng khoa học cho thấy “Người nhiễm HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện (200 bản sao/ml máu), thực sự không có nguy cơ lây HIV sang bạn tình”. Hiện nay chiến dịch K=K toàn cầu đã lan rộng đến 650 tổ chức ở 79 quốc gia. Thông điệp K=K đã được dịch sang hơn 25 ngôn ngữ, trong đó tiếng Việt là Không phát hiện = Không lây nhiễm. Ý nghĩa quan trọng của thông điệp được thể hiện qua phát biểu của một số bệnh nhân như: “Tôi biết rằng khi tôi tuân thủ điều trị HIV, tôi không thể lây HIV sang bạn tình”, “Cuộc đời tôi đã thay đổi: Uống thuốc hàng ngày giúp tôi khỏe mạnh và bảo vệ bạn tình của tôi. Tôi đã có tình yêu và cuộc đời tôi hằng mong ước” và “Chúng ta có thể làm được: Không tự kỳ thị về tình trạng nhiễm HIV của mình và không lo sợ lây nhiễm cho bạn tình”. Các học viên cũng đã được thực hành đóng cặp áp dụng những kiến thức đã được học để tư vấn cho khách hàng. Sau mỗi lần thực hành của mỗi cặp, giảng viên và các bạn học viên khác đã có những góp ý cho cặp thực hành để sau này khi đi tiếp cận cộng đồng có thể tư vấn cho khách hàng được tốt hơn.
Đối với ảnh hưởng của dịch COVID -19 tới hoạt động cung cấp dịch vụ và giải pháp ứng phó, qua nghiên cứu cho thất, các CBOs có đại diện tham gia nghiên cứu từ 12 tỉnh, thành phố tại Việt Nam với các đặc điểm khác nhau đều chịu tác động không nhỏ từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Hầu hết các CBO này hiện đang hỗ trợ cho đối tượng khách hàng thuộc nhóm chính như nam quan hệ tình dục đồng giới, phụ nữ bán dâm, người sử dụng ma túy, người chuyển giới đều bị ảnh hưởng. Các dịch vụ mà CBO đang cung cấp là truyền thông nhóm, tư vấn cá nhân, cung cấp các vật phẩm (bao cao su, bơm kim tiêm, tài liệu truyền thông,…), xét nghiệm nhanh HIV và chuyển gửi khách hàng xét nghiệm khẳng định HIV, xét nghiệm STIs và hỗ trợ điều trị HIV cho khách hàng. Giãn cách xã hội là một biện pháp tối ưu để giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 nhưng đồng thời cũng là một thách thức lớn đối với các CBO. Khả năng phản ứng nhanh, kịp thời là một trong những bài học kinh nghiệm quan trọng nhất của họ để giúp CBO có thể tiếp tục duy trì tối đa việc cung cấp những dịch vụ hiện có cho khách hàng. Bên cạnh đó, việc kết nối mạng lưới CBO không chỉ trong địa bàn tỉnh mà còn trên khắp cả nước đã giúp cho không một ai bị bỏ lại phía sau trong mục tiêu đẩy lùi HIV trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Các học viên cũng đề xuất một số các giải pháp như: Tăng cường tập huấn hoặc cung cấp thường xuyên các thông tin cho các CBO về phòng chống tình hình dịch bệnh COVID-19 và các cách phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng. Cập nhật thường xuyên sự thay đổi của CBO và nêu rõ phương hướng giải quyết, xử lý các tình huống khó khăn từ phía khách hàng để đảm bảo vừa cung cấp được dịch vụ vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. Thảo luận chiến lược, sáng kiến tiếp cận khách hàng trực tuyến với các CBO trong cung cấp thông tin, vật phẩm, xét nghiệm và hỗ trợ điều trị HIV. Đối với các cấp chính quyền địa phương, cơ quan cung cấp xét nghiệm nhanh HIV, STIs và cung cấp thuốc điều trị ARV. Linh hoạt, hỗ trợ cung cấp thuốc điều trị kịp thời cho khách hàng không thể di chuyển đúng tuyến để nhận thuốc trong thời gian giãn cách xã hội. Thông báo kịp thời đến các tổ chức CBO các địa điểm có cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV, STIs gần nhất trong mùa dịch.
Một số hình ảnh lớp tập huấn:
Tập huấn về phòng, chống HIV/AIDS và ảnh hưởng của dịch COVID trong cung cấp dịch vụ
Trong hai ngày 08 và 09 tháng 10 năm 2020, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, mạng lưới Người chuyển giới Việt Nam (VNTG) và Nhóm Cộng đồng Gót Hồng Nghệ An đã tổ chức tập huấn về phòng, chống HIV/AIDS và ảnh hưởng của dịch COVID -19 tới hoạt động cung cấp dịch vụ và giải pháp ứng phó.