Trang Chủ Tin tức Thách thức từ tiêu tiền đến làm ra tiền

Thách thức từ tiêu tiền đến làm ra tiền

96
0

Trước thách thức nguồn viện trợ nước ngoài cho Việt Nam cắt giảm nhanh, ngoài việc tìm cách tiếp cận với nguồn ngân sách chính phủ, các tổ chức xã hội cũng đã tìm hướng chuyển hóa thành doanh nghiệp xã hội. Tuy nhiên đang từ những tổ chức tiêu tiền chuyển sang làm ra tiền chắc chắn có rất nhiều thách thức.

Năm 2009, khi Việt Nam tuyên bố trở thành nước thu nhập trung bình, bằng việc rút hoạt động khỏi Việt Nam Quỹ Ford nổ phát súng đầu tiên báo hiệu thời hoàng kim của các tổ chức xã hội sinh ra để chạy dự án đã qua. Liên tiếp sau đó các khoản viện trợ quốc tế bị cắt giảm, lần lượt các tổ chức phi chính phủ đóng cửa hoặc dừng hoạt động. Từ lúc đó cụm từ doanh nghiệp xã hội xuất hiện ngày càng nhiều trên các diễn đàn.

Những thử nghiệm bất thành

Đa phần các tổ chức phi chính phủ quốc tế khi rời khỏi Việt Nam đều thực hiện các kế hoạch chuyển giao nhưng trên thực tế các tổ chức nội địa hóa này không thành công. Sau nhiều năm tập trung vào việc thực hiện các dự án can thiệp theo yêu cầu của nhà tài trợ, việc buộc phải chủ động trong huy động nguồn lực, tìm kiếm tài trợ là một hạn chế của nhiều cán bộ. Các tổ chức nội hóa này nhỏ dần và từ từ dừng hoạt động vì không tìm ra nguồn ngân sách hoặc không kinh doanh tạo nguồn thu để thực hiện hoạt động hỗ trợ xã hội.

Một điều dễ nhận thấy là tư duy kinh doanh của các nhóm cộng đồng có hạn. Những kiến thức kinh tế thuần túy lý thuyết thông qua các lớp tập huấn vội vàng đồng thời với kiến thức nền yếu không đủ giúp các nhóm này đứng vững trong môi trường kinh doanh khắc nghiệt. Rất nhiều nỗ lực để tạo ra các nhóm có khả năng độc lập sau khi các dự án dừng được thực hiện nhưng đa phần đều thất bại trong xu thế thất bại chung của phong trào khởi nghiệp.

Vào đầu những năm 2.000, Mạng lưới Vì ngày mai Tươi sáng (BF) và Mạng lưới người sống chung với HIV phía Nam (SPN) là những điểm sáng. Đến 2012, các dự án làm việc với mạng lưới này kết thúc, đã có một số khoản hỗ trợ đặc biệt nhằm để lại cho mạng lưới một cơ ngơi kinh doanh duy trì hoạt động. Mặc dù nhóm nòng cốt của BF đã hết sức cố gắng nhưng hoạt động của mô hình kinh doanh văn phòng phẩm cũng không đủ duy trì nhóm nòng nốt chưa nói đến lợi nhuận được chi vào hoạt động. Mạng lưới không còn hoạt động chung mà các thành viên nòng cốt và các nhóm xé lẻ tham gia thực hiện hoạt động ở các Dự án.

Cũng trong thời gian này SPN đã giải thể hoàn toàn, và một số thành viên chuyển hẳn sang kinh doanh hộ cá thể thì lại khá thành công, có thể thấy việc tạo ra một mô hình kinh doanh dạng doanh nghiệp cho các nhóm cộng đồng gặp nhiều khó khăn.

Không thiếu những khoản đầu tư vốn cho các nhóm ngay từ đầu dự án để vừa hoạt động can thiệp vừa bắt đầu kinh doanh dưới dạng vay vốn tăng thu nhập cũng không như mong đợi của các nhà tài trợ. Chỉ sau vài tháng đến một năm là các mô hình kinh doanh đóng cửa, vốn không hoàn trả được.

Tỷ lệ lãi sau thuế 10% là ước mơ của nhiều doanh nghiệp. Để có được 2 tỷ lãi thì một doanh nghiệp phải có doanh thu 20 tỷ và số vốn đầu tư cũng hàng chục tỷ. Để vận hành một bộ máy sản xuất hay cung cấp dịch vụ đạt doanh thu như vậy cần phải có những kỹ năng quản lý và tổ chức sản xuất vận hành hoàn toàn khác và mang tính thị trường trong khi các tổ chức phi chính phủ (NGO) thì đã quá quen với việc tiêu tiền hiệu quả.

Khi xây dựng một cơ sở kinh doanh thì các nhà đầu tư thường định vị thị trường, quy mô doanh nghiệp, giá trị sản phẩm rõ ràng chứ ít khi xây dựng một khách sạn một sao sau đó nâng cấp thành 5 sao. Có một vài tổ chức nhận được cả một dự án lớn để thiết lập cơ sở dịch vụ liên quan đến sức khoẻ với mục tiêu là sau 4 năm sẽ chuyển đổi thành công thành doanh nghiệp với mong đợi nhỏ nhoi là có thu bù chi nhưng đến cuối kỳ dự án vẫn đang mướt mải chạy cho đủ chỉ tiêu cung cấp dịch vụ miễn phí. Rõ ràng là từ việc cung cấp dịch vụ miễn phí đến việc tạo ra một thị trường khách hàng có chi trả cần phải phân tách và có các bước marketing hết sức chu đáo.

Những thành công đầu tiên

Dạo một vòng quanh các CBO thuộc lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS có thể thấy một không khí khá khác biệt giữa các nhóm phía Nam và phía Bắc trong việc tạo nguồn thu. Khá nhiều nhóm ở phía Nam đã hình thành được hoạt động kinh doanh có lãi từ chính khách hàng họ hỗ trợ. Trong khi các nhóm MSM hay hướng tới cung cấp dịnh vụ, thương mại thì các nhóm IDU thường nhắm vào hoạt động sản xuất.

Tuy mới chỉ hoạt động 17 tháng nhưng mô hình của Glink với việc phối hợp các thế mạnh sở trường của các thành viên và tận dụng được thị trường quen thuộc của nhóm. Ngay từ đầu, nhóm đã triển khai các bước bài bản, thị trường. Công tác marketing được làm chu đáo với việc lựa chọn đúng những dịch vụ và khách hàng tiềm năng. Cơ sở dịch vụ của Glink được trang hoàng rất cẩn thận chu đáo, thương hiệu được duy trì rất cẩn thận, chau chuốt đến từng chi tiết. Các dịch vụ mà Glink cung cấp gồm: Bán bao cao su và vật phẩm an toàn, tư vấn và điều trị các bệnh qua đường tình dục. Với số lượng khách hàng lớn mà Glink hỗ trợ trong những năm thực hiện các dự án can thiệp, nhóm có một lượng khách hàng đáng kể và tin tưởng vào họ.

Không bỏ sót một lợi thế nào, Glink mở thêm dịch vụ thiết kế và cung cấp cây cảnh cho các nhà hàng. Họ tận dụng luôn khách hàng và các mối quan hệ của mình trong giới MSM vốn là những người thường hay kinh doanh dịch vụ nhà hàng, các cơ sở liên quan đến làm đẹp… Theo ông Lê Thành – Giám đốc Glink cho biết thì doanh thu liên tục tăng 15-25% trong 17 tháng qua. Cơ sở dịch vụ này của Glink đã bắt đầu có lãi và duy trì trả lương được 10 người trong đó có 2 bác sĩ chuyên khoa. Hoạt động đã bắt đầu có lãi, Glink sẽ sử dụng 30% lợi nhuận để chi cho các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, 70% sử dụng cho tái đầu tư.

Ông Thành nhấn mạnh “Toàn bộ vốn đầu tư là từ các hoạt động gây quỹ, tích góp của nhóm, hoàn toàn không có tiền tài trợ của các dự án. Chính vì vậy với tâm huyết và trách nhiệm với tiền vốn của mình thì mới có được kết quả hiện nay”.

Nhóm G3VN vừa triển khai dịch vụ bán bao cao su cho các khách hàng có nhu cầu sử dụng chất lượng cao để tăng thu nhập cho các thành viên nòng cốt vừa mở dịch vụ khám chữa bệnh qua đường tình dục. Dịch vụ thành công, nhóm đang mở rộng dịch vụ bằng kêu gọi các nhóm người nghiện chích ma túy (IDU) và nữ bán dâm (SW) cùng góp vốn. Trưởng nhóm Lê Sơn chia sẻ “Việc mời các nhóm khác tham gia góp vốn vừa nhằm tăng vốn để mở rộng nhanh cơ sở dịch vụ nhưng đồng thời mỗi nhóm sẽ thu hút được chính khách hàng của họ”.

Mặc dù được sự hỗ trợ đáng kể và hết sức thực tiễn của các chuyên gia, chủ doanh nghiệp nhiều kinh nghiệm nhưng theo nhận định của giới kinh doanh thì tỷ lệ khởi nghiệp thành công chỉ khoảng 3%. Kinh doanh đòi hỏi nhiều kỹ năng kiến thức phức tạp như marketing, PR, quảng cáo, bán hàng, quản lý và kinh doanh tài chính, tổ chức sản xuất hay cung ứng dịch vụ… Vậy với tư duy chỉ có chi theo mục tiêu kế hoạch thì các tổ chức xã hội gần như là những người khởi nghiệp bước sang lĩnh vực kinh doanh, nên việc chuyển đổi này là một thách thức lớn. Đặc biệt là mong đợi sinh lời hàng chục tỷ để chi cho can thiệp xã hội.

Thương hiệu mô hình kinh doanh của Glink được quan tâm một cách chu đáo chuyên nghiệp.
Thương hiệu mô hình kinh doanh của Glink được quan tâm một cách chu đáo chuyên nghiệp.
Nhóm IDU Hoa Nắng tập trung vào mô hình hợp tác sản xuất
Nhóm IDU Hoa Nắng tập trung vào mô hình hợp tác sản xuất