Trang Chủ Tin tức Sự kiện Thẩm định Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều...

Thẩm định Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS

Sáng ngày 28/9, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 18. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đến dự và chỉ đạo Phiên họp. Tại phiên họp buổi sáng Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã thẩm định Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS.

49
0

Đến dự Phiên họp, về phía Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội có Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh; các Phó Chủ nhiệm Ủy ban: Ông Bùi Sỹ Lợi, Ông Đặng Thuần Phong, Ông Nguyễn Hoàng Mai. Ngoài ra, Phiên họp còn có sự tham dự của tất cả các đại biểu của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội ; Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng đại diện một số cơ quan, đơn vị hữu quan.
Theo chương trình, trong buổi sáng, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 18 tập trung vào các nội dung: Cho ý kiến vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu chỉ đạo tại phiên họp
Phát biểu chỉ đạo Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao những nỗ lực của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội trong việc tham mưu, hoạch định chính sách với Quốc hội về các dự án luật liên quan đến các vấn đề xã hội như: phòng chống dịch bệnh, phòng chống ma túy, bạo lực gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội; các vấn đề về an sinh xã hội và việc làm, bình đẳng giới; Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng… Đây là những dự án luật, pháp lệnh tác động rất lớn đến xã hội, người dân nên cần tiếp tục thảo luận, cho ý kiến rộng rãi hơn ở trong các Phiên họp trước khi trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đóng góp ý kiến để trình lên Quốc hội xem xét, thông qua.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Phiên họp toàn thể lần thứ 18, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ cùng với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan xem xét, thẩm tra và cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng nên yêu cầu các thành viên của Ủy ban, đại diện lãnh đạo các Bộ ngành, cơ quan tập trung cao độ, phát huy tối đa trí tuệ để Phiên họp đạt được kết quả cao nhất.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng yêu cầu Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổng kết, đánh giá chất lượng những công việc, nhiệm vụ đã thực hiện trong thời gian qua và đề xuất phương hướng trong nhiệm kỳ 2020-2025 đã có tác động và hiệu quả như thế nào đối với việc phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời có sự định hướng cho các Bộ ngành thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ đề ra khi các dự án Luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Quốc hội thông qua, để sao cho các luật, pháp lệnh được thực thi trong cuộc sống một cách hiệu quả nhất.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại phiêu họp

Về nội dung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Tình hình nhiễm HIV tại Việt Nam đã giảm. Số ca nhiễm HIV phát hiện mới và tử vong giảm liên tục từ năm 2008 đến nay. Kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào năm 1990 tại Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, trên toàn quốc báo cáo hiện có 212.000 người đang nhiễm HIV đang còn sống đã được phát hiện và 103.000 người nhiễm HIV đã tử vong.
Hệ thống phòng, chống HIV/AIDS từ Trung ương đến địa phương được thiết lập và kiện toàn. Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được triển khai rộng rãi, đồng bộ, phù hợp với từng địa phương. Hằng năm, có hàng triệu người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV được xét nghiệm; 53.000 người nghiện ma túy được điều trị bằng thuốc thay thế, gần 150.000 người nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc ARV, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho gần 2.000 phụ nữ mang thai nhiễm HIV… Trong 12 năm qua, Việt Nam liên tục đạt được 3 giảm: Giảm số người mới nhiễm HIV, giảm số chuyển sang AIDS và giảm số ca tử vong liên quan đến HIV/AIDS; kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình nêu ý kiến tại Phiên họp.
Theo đánh giá của UNAIDS, từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã dự phòng cho khoảng 400.000 người không bị lây nhiễm HIV và 150.000 người không bị tử vong do AIDS. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới với tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, góp phần giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Đóng góp vào dự án Luật này, đa số các thành viên của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của ngành Y tế trong công tác phòng chống HIV/AIDS trong thời gian qua cũng như sự chuẩn bị chu đáo của Bộ Y tế trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người lần này, có thể nói đây là một trong các dự án được chuẩn bị công phu và có chất lượng tốt nhất.
Cho ý kiến vào dự thảo, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề xuất tăng cường giải pháp phòng chống dịch bệnh mạnh hơn nữa để bảo vệ sức khỏe người dân, như cần có thêm công cụ kiểm soát và có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với người bị nhiễm HIV/AIDS cố tình phát tán dịch bệnh ra cộng đồng.
Về việc giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em từ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi, nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ cơ sở. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị xem xét quy định người tự nguyện xét nghiệm HIV đủ 13 tuổi trở lên thay vì 15 tuổi.
Liên quan đến việc bổ sung đối tượng tiếp cận thông tin người nhiễm HIV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Đặng Thuần Phong cho biết, hiện vẫn có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất, nhất trí với quy định mở rộng đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV để bảo đảm thuận tiện trong điều trị cũng như phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV cho người trực tiếp chăm sóc, điều trị. Loại ý kiến thứ hai đề nghị cân nhắc vấn đề này.
Tuy nhiên, ông Phong nhấn mạnh, việc điều chỉnh chính sách này cần hài hòa mục tiêu quản lý nhà nước, đồng thời bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của người bệnh, đặc biệt quyền bảo mật thông tin cá nhân và phù hợp với khuyến nghị quốc tế.
Một số đại biểu cũng cho rằng không thể lấy lý do bí mật đời tư để giảm nhẹ vai trò quản lý nhà nước, quản lý nhà nước là để phòng, chống lây nhiễm, giảm nguy cơ cho xã hội, bởi khi một người nhiễm HIV thì nguy cơ lây nhiễm là hiện hữu. Đồng tình với quy định mở rộng đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV, một số ý kiến cho rằng, việc bổ sung này nhằm phục vụ phần đông người dân trong xã hội, những người chịu nguy cơ rủi ro.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu kết luận Phiên họp.
Theo kế hoạch, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người sẽ được đưa ra thảo luận tại cuộc họp toàn thể vào cuối tháng 10 năm 2020 và nếu có sự đồng thuận cao có thể được thông qua ngay trong phiên họp Quốc hội toàn thể trong tháng 11 năm 2020.