Đây là tên cuộc hội thảo diễn ra ngày 16 và 17/4/2015 tại Hà Nội, do Ban Quản lý dự án thành phần VUSTA – Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS tổ chức.
Hội thảo nhằm thảo luận vấn đề liên quan vận động chính sách để các tổ chức cộng đồng được đăng ký pháp nhân hoạt động hợp pháp, hiệu quả, đóng góp tích cực vào công tác phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Tham gia Hội thảo, có đại diện nhiều đơn vị, cơ quan, tổ chức xã hội liên quan phòng chống HIV/AIDS tại nhiều địa phương.
Nhiều đề tài nghiên cứu công phu
Tại Hội thảo có các tham luận chính: “Một số giải pháp đăng ký tư cách pháp nhân đối với các tổ chức cộng đồng hoạt động trong lĩnh vực HIV/AIDS” (PGS-TS Hồ Uy Liêm, nguyên Quyền chủ tịch VUSTA trình bày); “Tổng quan vấn đề đăng ký tư cách pháp nhân đối với các tổ chức cộng đồng qua các kỳ họp Diễn đàn xã hội dân sự hợp tác phòng chống AIDS – VCSPA (Bác sĩ Đặng Văn Khoát, đại diện VCSPA trình bày); “Tổng quan vấn đề tư cách pháp nhân đối với các tổ chức cộng đồng qua 3 kỳ họp CSO 2012 – 2014” (Đại diện Ban quản lý dự án thành phần VUSTA trình bày); “Khung pháp luật hiện hành cho các tổ chức xã hội tham gia phòng chống chống HIV/AIDS – Những khó khăn, vướng mắc” (BS-Luật gia Trịnh Thị Lê Trâm trình bày); “Thực trạng, vai trò và những thách thức của các tổ chức xã hội trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam: Vấn đề tư cách pháp nhân” (Chuyên gia Lê Minh Giang trình bày”)…
Một số tham luận khác cũng được chuẩn bị khá công phu: “Quá trình thành lập Trung tâm hành động vì người sống với HIV (ACP+)” (Đại diện VNP+ trình bày); “Mô hình cung cấp dịch vụ dự phòng và chăm sóc, điều trị HIV/AIDS tại các tỉnh miền núi do VAAC/PEPFAR/USAID/SMARTTA xây dựng và phát triển” (Đại diện FHI 360 trình bày)…
Sau mỗi tham luận, các đại biểu đặt ra nhiều câu hỏi hoặc góp ý kiến làm rõ thêm những vấn đề chưa có sự thống nhất hoặc chưa dễ thống nhất.
Bên cạnh những bản tham luận kể trên (trong đó một số như những công trình nghiên cứu khoa học của nhiều tập thể, cá nhân), nhiều đại biểu chia sẻ kinh nghiệm thành công từ thực tế hoạt động các nhóm hoạt động xã hội, nhất là hoạt động liên quan phòng chống HIV/AIDS. Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả đã hình thành, có sức thuyết phục. Trong các mô hình thành công này, nhiều mô hình có tư cách pháp nhân, nhiều mô hình chưa có tư cách pháp nhân. Vấn đề chủ yếu ở chỗ, các nhóm cần có người lãnh đạo có tâm huyết, uy tín, tháo vát để có thể kết nối và động viên toàn nhóm; mỗi thành viên của nhóm phải không ngừng nâng cao năng lực và thích ứng hoàn cảnh từng địa phương, từng thời điểm.
Một số video clip do Ban quản lý Dự án trình chiếu tại Hội thảo cũng thu hút sự chú ý của các đại biểu: Chia sẻ về hoạt động và vai trò của các tổ chức cộng đồng trong truyền thông phòng chống HIV/AIDS; về hoạt động của các CBO…
Nỗ lực, sáng tạo, phát huy mọi nguồn lực
Các đại biểu đều nhận thấy vai trò tư cách pháp nhân quan trọng hàng đầu. Không có tư cách pháp nhân thì khó tiếp cận các nguồn tài trợ cả trong và ngoài nước. Khi chưa có tư cách pháp nhân thì mọi hoạt động dễ chậm lại, nhiều lúc không được hoạt động; kêu gọi cộng đồng khó, vì người ta sợ bị lợi dụng; phải phụ thuộc tổ chức khác. Tư cách pháp nhân không có thì rất khó thu hút người tài vào nhóm hoạt động của mình. Có tư cách pháp nhân thì có thể nhận nguồn hỗ trợ trực tiếp. Không có tư cách pháp nhân thì khả năng tự tan rã lớn hơn.
Mặt khác, các đại biểu nhất trí: Đối với nhiều nhóm hoạt động, để có tư cách pháp nhân không khó; điều đáng quan tâm hơn là làm sao duy trì, phát triển, sử dụng tốt tư cách pháp nhân đó. Thậm chí, với một số nhóm hoạt động xã hội, không cần có tư cách pháp nhân, chỉ cần thuộc về một đầu mối hoặc phối hợp với hội nào đó là được. Thực tế các nhóm hoạt động xã hội không tư cách pháp nhân ngày càng nhiều. Không nhất thiết phải chờ có tư cách pháp nhân mới vào hoạt động; phải tùy điều kiện thực tế, vừa hoạt động vừa tìm cách thuyết phục, tạo uy tín, khi đó tư cách pháp nhân pháp nhân nếu có mới phát huy tác dụng.
Có tư cách pháp nhân là có thêm thuận lợi, nhưng tư cách pháp nhân không phải tất cả, không quyết định sự thành hay bại, khỏe hay yếu, tồn tại lâu hay không lâu. Thực tế cho thấy, nơi nào các thành viên của tổ chức, nhóm hoạt động năng nổ, quyết liệt, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm thì hoạt động được và ngày càng phát triển hơn. Vì thế, từ gốc, các tổ chức cũng như các nhóm hoạt động xã hội cần tự vấn: Cộng đồng cần gì ở đây? Có thể giúp gì, làm được gì cho cộng đồng?
Trên cơ sở nhận rõ vai trò đặc biệt quan trọng của tư cách pháp nhân, qua thực tế hoạt động tại các địa phương, đơn vị, tổ chức xã hội thời gian vừa qua, các đại biểu tập trung thảo luận nhằm tìm ra những giải pháp tốt nhất.
Nhóm chuyên gia, thuộc Dự án thành phần VUSTA khuyến nghị: Cần tạo ra cầu nối để CBO tiếp cận văn bản thành lập pháp nhân dễ hơn, có thể liên hệ với cơ quan nhà nước khi cần; Vận động thành lập hội dành cho nhóm yếu thế, trong đó các CBO có thể tham gia với tư cách thành viên; Tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho các CBO về quản lý, quản trị tổ chức, vận động tài trợ, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm hoạt động…; Tư vấn cho CBO về các giải pháp có khả thi, thuận lợi và khó khăn trong quá trình thành lập và hoạt động của mỗi loại hình; Vận động hình thức đăng ký hợp pháp cho các CBO hoạt động tại cộng đồng; Đóng góp vào dự thảo Luật về Hội, trong đó quy định cụ thể về tổ chức không có tư cách pháp nhân và tổ chức xã hội từ thiện.
Trung tâm nghiên cứu và đào tạo chuyên gia phòng chống HIV/AIDS – Đại học Y Hà Nội nhìn nhận, tư cách pháp nhân là cần thiết để tăng tính cam kết và chất lượng dịch vụ cho người có H và người có nguy cơ do CBOs cung cấp; khi có tư cách thực hiện cung cấp dịch vụ sẽ phải qua thẩm định chất lượng, chuyên môn của người cung cấp dịch vụ; tăng cường sự cạnh tranh và hiệu quả trong cung cấp dịch vụ cho người có H và người có nguy cơ, mở rộng sự bao phủ và giảm chi phí dịch vụ; hỗ trợ CBOs có tư cách pháp nhân đi đôi với hỗ trợ nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ; đồng thời cần có sự bảo trợ phù hợp thay vì đóng thuế và nộp ngân sách. Từ đó, Trung tâm này kiến nghị: CBOs có quy mô tổ chức, cơ chế hoạt động và nhu cầu rất khác nhau về đăng ký tư cách pháp nhân, nên cần phải có sự hỗ trợ đặc thù; Sự tham gia chủ động của các tổ chức xã hội sẽ tạo ra động cơ mạnh mẽ giảm chi phí dịch vụ cần thiết cung cấp cho người có H và người có nguy cơ cao; Tạo cơ chế pháp lý nhưng phải có hướng dẫn cụ thể nội dung hoạt động của CBOs; Cần phải có sự khuyến khích, ghi nhận sự đóng góp của CBOs.
Các ý kiến khác, nhìn chung nhất trí tinh thần kể trên; đồng thời nêu nhiều ví dụ làm sinh động thêm những luận điểm, luận cứ được nêu bởi các chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu, đào tạo, quản lý, thực thi phòng chống HIV/AIDS.
Kết thúc Hội thảo, các thành viên tham dự thống nhất: Trong lựa chọn khả thi tư cách pháp nhân, cần sự kiên trì, nỗ lực, sáng tạo, vượt qua rào cản từ nhiều phía, trên cơ sở khung pháp lý đã có; chọn mô hình phù hợp nhất; tăng cường kết nối giữa các địa phương, đơn vị, nhóm, cá nhân với nhau và trong từng địa phương, đơn vị, nhóm. Sau Hội thảo, các thành viên tham dự cần tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm đến các nhóm khác, vận dụng theo hoàn cảnh chủ quan, khách quan vả tùy từng thời điểm.
PNB