Ngày 7.11.2014, Ủy ban các Vấn đề Xã hội Quốc Hội và Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị chính sách y tế dự phòng và luật bảo hiểm y tế.
Tại Hội nghi này, TS.BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (TRCCD) đã đưa ra một thông điệp gửi các đại biểu Quốc Hội.
Cũng trong tháng 11, khi đi khảo sát và thử nghiệm về hai mô hình triển khai Luật Bảo hiểm y tế 2014 tại tuyến xã, tôi đã được nghe người dân phản ảnh nhiều chuyện như đùa mà có thật ở tỉnh Hà Nam. Trong một gia đình có 5 người, ông bố đã chết cách đây hơn hai năm nên còn lại 4 người đang sống. Trong bản kê khai về bảo hiểm y tế, gia đình vẫn ghi là 5 người, vì tên chủ hộ là ông bố đã chết. Một số người dân nói tiền đóng bảo hiểm quá cao nhưng ra trạm y tế xã chỉ có vài viên thuốc. Muốn đi lên huyện lên tỉnh thì rất tốn kém, nào tiền phải ở trọ, tiền xe đi lại cho bệnh nhân và người nhà, lại chờ đợi vì lắm thủ tục của tuyến trên, đâu phải khách hàng của Bảo hiểm y tế là thượng đế! Hiện tượng sai thẻ, trùng thẻ rất nhiều do hai cơ quan in thẻ, nhiều cơ quan cấp thẻ. Một chủ hộ gia đình kể ông ta có thể bảo hiểm người nghèo, lại có thẻ về hưu non, thẻ thứ ba có vì ông là thân nhân bộ đội. Vì thế có bài thơ sau:
CHUYỆN NHƯ ĐÙA CÓ THẬT
Chuyện tôi kể như đùa có thật,
Nhà năm người, nhưng mất người cha,
Quá trình ghi phiếu điều tra,
Bốn người còn sống, lại là đủ năm!
Đóng bảo hiểm tiền trăm cũng chuốc,
Nhưng xã mình ít có thuốc men,
Buồn sao lên tỉnh không quen,
Mất công ở trọ, tốn tiền đi xa!
Một mình tôi có ba xuất thẻ,
Thẻ hộ nghèo lại thẻ hưu non,
Thẻ mình là bố quân nhân,
Ủy ban chẳng biết, tuy gần mà xa!
Lắm cơ quan in ra nhiều thẻ,
Ba cấp nên chẳng thể kịp thời,
Là dân thì cứ đợi thôi,
Đóng tiền thì ép, đứng ngồi không yên!
Chuyện như đùa mất tiền không hưởng,
Là khách hàng, là thượng đế quèn,
Mong sao Bảo Hiêm tiến lên,
Góp phần thực hiện những quyền của dân!
Trong hội nghị Hội nghị chính sách y tế dự phòng và luật bảo hiểm y tế.TS.BS. Trần Tuấn đã đưa ra thông điệp gửi các đại biểu Quốc Hội. Đó là Luật Bảo hiểm y tế 2014:
1. ….chưa có được sự rõ ràng, chính xác trong tên gọi, khái niệm cơ bản “bảo hiểm y tế”, hợp đồng bảo hiểm….
2. … chưa tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng cung cấp dịch vụ…
3. …chưa làm rõ các chủ thể tham gia, chức năng đặc thù, tạo nên hệ thống vận hành bảo hiểm y tế bắt buộc công bằng, hiệu quả
4. … chưa tạo được hành lang pháp lý đảm bảo sự tham gia giám sát đánh giá chất lượng dịch vụ độc lập
5. … khi soạn thảo, nguyên tắc “vì dân, do dân, bởi dân” chưa được thể hiện xuyên suốt
TS.BS. Trần Tuấn đề nghi nếu giữ tên của luật, nên chỉnh nội dung, “Phân rõ bảo hiểm y tế thanh toán theo các khu vực dịch vụ: Dự phòng, khám bệnh chữa bệnh, phục hồi chức năng. Nên xem xét lại điều 2, khoản 1 để đảm bảo không chỉ nói về hình thức mà thể hiện đúng cả nội dung. Nói rõ BHYT là (1) hợp đồng liên quan đến đóng phí bảo hiểm và quyền lợi được hưởng khi sử dụng dịch vụ y tế cùng các trách nhiệm tuân thủ (2) ký giữa chủ thể cung cấp dịch vụ bảo hiểm y tế với người dân một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua người sử dụng lao động/tổ chức bảo trợ xã hội.Từ định nghĩa bảo hiểm y tế, đưa đến các khái niệm cần đưa thêm vào/ làm rõ/ chỉnh sửa chính xác: Hợp đồng bảo hiểm y tế và Cơ quan/chủ thể cung cấp dịch vụ bảo hiểm y tế”
“Chính sửa trong chương III và IV nên làm rõ: 1. hợp đồng BHYT là văn bản pháp lý ký kết trực tiếp giữa người dân/người sử dụng lao động/tổ chức bảo trợ xã hội, với chủ thể cung cấp dịch vụ BHYT trong đó nêu rõ mức phí đóng bảo hiểm, mức hưởng , trách nhiệm của môi bên…. và 2. Chủ thể cung cấp dịch vụ BHYT là ai để quản lý theo kết quả/sản phẩm đích, trong bối cảnh kinh tế thị trường, toàn cầu hóa”
“Mọi người dân Việt nam đều phải có tối thiểu gói bảo hiểm y tế cơ bản, n có quyền và trách nhiệm được lựa chọn gói bảo hiểm y tế “tốt hơn” gói cơ bản. Xuất phát từ xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản, tiêu chuẩn chất lượng, giá tính đúng, tính đủ, làm cơ sở để tính mức thu phí bảo hiểm, quỹ bảo hiểm, vận hành hệ thống bảo hiểm “khám bệnh, chữa bệnh bắt buộc”.
“Một hệ thống bảo hiểm y tế cần tối thiểu 4 chủ thể cấu thành, tách bạch rõ ràng trong chức năng và trách nhiệm: 1. Chủ thể cung cấp dịch vụ y tế; 2. Người dân sử dụng dịch vụ y tế; 3. Chủ thể cung cấp dịch vụ bảo hiểm y tế và 4. Chủ thể theo dõi, giám sát, đánh giá chất lượng: đánh giá nội bộ, đánh giá độc lập (của hệ thống và của từng loại hình dịch vụ) .Dịch vụ khám chữa bệnh và dịch vụ bảo hiểm y tế đòi hỏi phải được giám sát đánh giá liên tục, một cách khoa học, khách quan”
Mong rằng thông điệp nói trên sẽ được các đại biểu Quốc Hội quan tâm xem xét.
BS Đặng Văn Khoát