Đây là làn sóng dịch với quy mô lớn nhất, nhanh nhất ập tới Việt Nam cho đến ngày 05/11 đã có hơn 950.000 người nhiễm và hơn 22.000 người tử vong do COVID-19.
Cũng giống như các quốc gia trên thế giới, nhóm dân số dễ bị tổn thương như người già và người mắc bệnh đồng nhiễm là những nhóm người dễ bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi COVID-19. Các bằng chứng thu thập được cũng cho thấy những người sống chung với HIV (Người có HIV – NCH) cũng có nguy cơ gặp các biến chứng bất lợi khi mắc COVID-19. Trong một nghiên cứu mang tính bước ngoặt của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về những bệnh nhân nhập viện khi nghi mắc hoặc đã được xác nhận mắc COVID-19 tại 37 quốc gia, HIV là một yếu tố nguy cơ đáng kể dẫn tới tình trạng bệnh nặng khi nhập viện và tử vong khi nhập viện. Cụ thể là, một bệnh nhân vừa mắc COVID-19 và vừa có HIV có nguy cơ tử vong trong bệnh viện cao hơn 30% so với bệnh nhân chỉ mắc COVID-19.
Để phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 cho NCH thì điều tối quan trọng là bảo vệ sức khỏe cộng đồng và duy trì hệ thống miễn dịch của người bệnh HIV. Trong khi việc tuân thủ 5K được coi là biện pháp nền tảng giúp giảm thiểu các tác động của dịch, thì tiêm chủng, cũng giống như các nơi khác trên thế giới, là biện pháp không thể thiếu giúp đảo chiều hướng đang gia tăng số ca mắc trong làn sóng dịch lần thứ 4 tại thành phố Hồ Chí Minh, những tỉnh lân cận thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Bằng chứng thực tế từ tổ chức CDC Hoa Kỳ cho thấy hiệu quả bảo vệ của vắc-xin là 71- 93% trong việc ngăn ngừa các ca nhập viện do COVID-19. Kể cả với biến thể Delta, những người đã tiêm vắc-xin đầy đủ giúp giảm nguy cơ nhiễm hơn 5 lần, và giúp giảm nguy cơ nhập viện và tử vong hơn 10 lần so với người chưa được tiêm vắc-xin. Tiêm vắc-xin cũng gián tiếp bảo vệ cộng đồng nói chung (“miễn dịch cộng đồng”), bằng chứng là giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng cho các ca nhiễm COVID-19 nặng nhờ tăng tỷ lệ tiêm chủng.
Chưa có một loại vắc-xin nào được thử nghiệm lâm sàng riêng cho nhóm NCH, tuy nhiên vẫn có những bằng chứng rõ ràng về tính an toàn và hiệu lực của vắc-xin trong nhóm dân số này. Ví dụ, trong 3 nghiên cứu về NCH đang điều trị thuốc kháng vi-rút, việc dùng đủ hai liều vắc-xin sản xuất bằng công nghệ mRNA (do hãng Moderna và Pfizer) giúp cơ thể người bệnh mang lại những phản ứng miễn dịch tương tự với những người không có H. Hơn thế nữa, tác dụng phụ ghi nhận được cũng nhẹ và tương đương với những nhóm dân số khác trong nghiên cứu. Những ghi nhận về tính an toàn và hiệu quả củavắc-xin ChAdOx1 nCoV-19 (do hãng AstraZeneca phát triển) cũng tương tự như các loại trên.
Những dữ liệu ở trên cùng với các bằng chứng khác về tác dụng phụ của COVID-19 trên nhóm NCH giúp cho các tổ chức quốc tế đưa ra khuyến nghị và thậm chí đưa nhóm NCH vào nhóm ưu tiên tiêm chủng vắc-xin. Theo WHO “… Tất cả những NCH cần được ưu tiên tiêm vắc-xin sớm…NCH không nên bị loại ra khỏi danh sách tiếp cận vắc-xin bất kể tình trạng miễn dịch của họ thế nào và các quốc gia nên đưa nhóm NCH vào nhóm ưu tiên tiêm vắc-xin…”. Tương tự vậy, Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ khuyến nghị NCH nên tiêm vắc-xin, bất kể số lượng CD4 hoặc tải lượng vi-rút HIV ở mức nào. Thực hiện các khuyến cáo quốc tế, Việt Nam cũng đưa ra các hướng dẫn khuyến khích tiêm vắc-xin chống COVID-19 cho NCH với bất kỳ loại vắc-xin nào được phê duyệt trên toàn quốc.
Với việc ban hành các hướng dẫn này, vắc-xin đang được triển khai rộng khắp lãnh thổ Việt Nam, kể cả với nhóm NCH. Tổ chức CDC/PEPFAR và các đối tác thực hiện, như Tổ chức Hợp tác vì sự Phát triển Y tế Việt Nam, được tham gia vào trong các hoạt động hỗ trợ chính quyền các tỉnh/thành phố và Cục Phòng, chống HIV/AIDS trong việc tăng cường khả năng tiếp cận vắc-xin cho nhóm NCH. Cho tới nay, 300 nhân viên y tế phụ trách chăm sóc cho NCH tại 7 tỉnh/thành phố đã được tập huấn và quy trình triển khai mới về tiêm vắc-xin đã được xây dựng để lần đầu tiên triển khai thực hiện tại các phòng khám ngoại trú HIV. Một chiến dịch truyền thông về vắc-xin đã được thực hiện nhằm giáo dục cho NCH và nhân viên y tế chăm sóc họ về tầm quan trọng của vắc-xin và giải quyết những mối quan tâm liên quan tới vắc-xin này (https://tinbacsi.info/). Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi COVID-19, đã tiêm được 12,8 triệu liều vắc-xin cho tới thời điểm này, và 42.000 liều được huy động cho 35 cơ sở điều trị ngoại trú HIV cho bệnh nhân là NCH. Một cách rất nhanh chóng, trong số 5 cơ sở điều trị ngoại trú HIV ở trên, 94% bệnh nhân HIV đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin cập nhật tới ngày 28 tháng 10 năm 2021.
Cộng đồng đóng vai trò tối quan trọng trong thúc đẩy tiếp nhận vắc-xin trong nhóm NCH và các nhóm dân số khác. Thứ nhất là, những người có tầm ảnh hưởng có thể đóng vai trò là thủ lĩnh cộng đồng trong việc vận động về lợi íchcủa vắc-xin và phá bỏ những rào cản, đồn đại thất thiệt về vắc-xin trong mạng lưới của họ và trên mạng xã hội. Thứ hai là, các tổ chức dựa vào cộng đồng có thể tận dụng các biện pháp tiếp cận trực tuyến và trực tiếp (ở những địa phương cho phép thực hiện) như là: tổ chức các sự kiện Trò chuyện, phát sóng trực tuyến và truyền thông trên các diễn đàn – nhằm tăng cường kiến thức và phổ biến các tài liệu truyền thông (https://tinbacsi.info/). Thứ ba là, các thành viên tổ chức cộng đồng có thể đóng vai trò kết nối giữa NCH và các cơ sở y tế, đưa ra những phản hồi về những trở ngại trong việc tiếp cận vắc-xin mà có thể được giải quyết nhằm đảm bảo việc triển khai suôn sẻ hơn. Cuối cùng, tất cả các thành viên cộng đồng đều có thể trở thành hình mẫu khi tự tham gia tiêm chủng và bảo chứng cho sự yên tâm của các thành viên còn lại chưa tham gia. Khi có sự chung tay của cộng đồng để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, Việt Nam sẽ tiếp tục chiến thắng đại dịch COVID-19, đồng thời duy trì sức khỏe và hạnh phúc của NCH.
Bài viết này có sự đóng góp ý kiến của Bs. Chi Nguyen, Tổ chức CDC, Mỹ.
Bà Kamala Harris Phó Tổng thống Hoa Kỳ thăm Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, nơi đang bảo quản 270.000 liều vắc xin covid-19 do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ (vắn xin của hãng Pfizer đến Hà Nội ngày 26/8/2021)
(Nguồn ảnh chụp bởi Lawrence Jackson từ Văn phòng Nhà Trắng, Hoa Kỳ)