Trang Chủ Tin tức Tình hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam năm 2017 có gì đáng...

Tình hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam năm 2017 có gì đáng chú ý?

12242
0

Năm 2017 là năm thứ 9 liên tiếp dịch HIV/AIDS ở Việt Nam giảm cả ba tiêu chí: Giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Tuy vậy dịch HIV ở Việt Nam vẫn chứa đựng nhiều yếu tố nguy cơ và dịch có thể bùng nổ dịch bất cứ khi nào. 

Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, trong 9 tháng đầu năm, cả nước phát hiện mới 6.883 người nhiễm HIV, chuyển sang giai đoạn AIDS 3.484 người, số người nhiễm HIV tử vong 1.260 người. Ước tính cả năm 2017 sẽ có khoảng 9.800 người nhiễm HIV mới được phát hiện và có khoảng 1.900 người nhiễm HIV tử vong.

Trong số những người được báo cáo xét nghiệm mới phát hiện nhiễm HIV trong 9 tháng đầu năm 2017, nữ chiếm 22%, nam chiếm 78%, lây truyền qua đường tình dục chiếm 58%, lây truyền qua đường máu chiếm 32%, mẹ truyền sang con chiếm 2,6%, không rõ chiếm 8%.

Về phân bố theo nhóm tuổi, 40% người nhiễm HIV mới phát hiện trong năm 2017 trong độ tuổi từ 30 – 39; 30% người nhiễm trong độ tuổi từ 20 – 29; 19% người nhiễm trong nhóm tuổi từ 40 – 49; trên 50 tuổi chiếm 6%; nhóm tuổi từ 14 – 19 tuổi chiếm 3% và nhóm trẻ em từ 0 – 13 tuổi là 2%. Phân bố người nhiễm HIV theo giới, tuổi không có khác biệt so với năm 2016, lây truyền qua đường tình dục tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong những năm trở lại đây.

So sánh số liệu nhiễm HIV/AIDS, tử vong báo cáo năm 2016, số trường hợp nhiễm HIV phát hiện mới giảm 1,1%, số bệnh nhân AIDS giảm 39% và người nhiễm HIV tử vong giảm 10%.

Trong quý 3 năm 2017, số trường hợp các tỉnh báo cáo phát hiện trùng lặp và không tìm thấy theo địa chỉ thực tế được các tỉnh đề xuất loại bỏ 3,368 trường hợp. Số người nhiễm HIV hiện được báo cáo đang còn sống là 208,371 trường hợp, tuy nhiên số quản lý được chỉ đạt 80%, số bệnh nhân AIDS trong số người nhiễm HIV là 83,122 trường hợp, tổng số người nhiễm HIV tử vong từ đầu dịch đến nay được báo cáo là 91,840 trường hợp.

Kết quả giám sát trọng điểm năm 2016, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy là 9,53%, phụ nữ bán dâm 2,39% và MSM là 7,36%. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM đã tăng từ 5,1% năm 2015 lên 7,36% năm 2016.

Từ các số liệu dịch HIV/AIDS phát hiện năm 2107 cho thấy: Dịch HIV/AIDS có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2016, tuy nhiên số liệu phát hiện tùy thuộc vào khả năng triển khai công tác tư vấn xét nghiệm, trong khi kinh phí viện trợ quốc tế cắt giảm, ngân sách quốc gia không có cho hoạt động động xét nghiệm phát hiện người nhiễm HIV, các tỉnh được đầu tư công tác xét nghiệm phát hiện HIV vẫn phát hiện được người nhiễm HIV ở mức cao, các tỉnh khác phần lớn người nhiễm HIV được phát hiện tình cờ từ hệ thống bệnh viện trong đó chủ yếu các bệnh nhân giai đoạn AIDS, mắc các bệnh liên quan đến suy giảm miễn dịch, các bệnh Lao, bệnh nhiễm khuẩn đường tình dục hoặc xét nghiệm sàng lọc HIV cho phụ nữ mang thai, một số tỉnh có tỷ lệ người nhiễm HIV là phụ nữ mang thai cao trên 10% là do xét nghiệm phát hiện sớm nhiễm HIV hạn chế. Về nguy cơ lây truyền HIV, lây truyền qua đường tình dục ngày càng chiếm tỷ trọng chính trong lây truyền HIV, trong đó tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM, đặc biệt nhóm tuổi trẻ là cảnh báo quan trọng về nguy cơ lây truyền HIV trong nhóm này sẽ chiếm tỷ trọng chính trong tương lai. Các địa phương cần quan tâm về dự báo về nguy cơ lây truyền HIV của mỗi địa phương để có can thiệp phù hợp dịch với tình hình thực tế.

Dịch HIV/AIDS vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong cộng đồng, những nơi được đầu tư mạnh của các tổ chức quốc tế vẫn còn có thể phát hiện thêm nhiều người nhiễm HIV. Dự báo vẫn còn nhiều người nhiễm HIV không thuộc nhóm nguy cơ cao do đó rất khó phát hiện sớm, các trường hợp này thường chẩn đoán muộn khi ở giai đoạn AIDS. Do đó Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng khuyến cáo các địa phương cần có các biện pháp xét nghiệm phát hiện phù hợp để có thể hỗ trợ người nhiễm HIV sớm biết tình trạng nhiễm HIV của bản thân.

Phát động Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2017 của thành phố Hà Nội

Cũng theo báo cáo của Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HUV/AIDS (UNAIDS), ước tính số người nhiễm HIV trên toàn cầu vào năm 2016 có 36,7 triệu người đang sống với HIV trong đó, 34,5 là người lớn; 17,8 triệu người là nữ giới; 2,1 triệu người là trẻ em dưới 15 tuổi. trong năm 2016 ước tính toàn cầu có khoảng 1,8 triệu người mắc mới HIV và khoảng 1 triệu người tử vong do AIDS.

Khu vực nhiễm HIV cao nhất là Đông và Nam phi với số người nhiễm mới HIV chiếm khoảng 43% số nhiễm mới toàn cầu (760.000 người), khu vực Châu Á và Thái Bình Dương đứng thứ 2 với 13% số nhiễm mới, tương đương 270.000 người.

Theo BP