Để có được quyết định triển khai mở rộng PrEP rộng rãi như trên chúng ta đã có những bằng chứng từ thực tế thông qua kết quả Nghiên cứu thí điểm PrEP trong nhóm nam QHTD đồng giới, người chuyển giới nữ và bạn tình dị nhiễm khác giới tại Tp. Hồ Chí Minh. Nghiên cứu tìm ra câu trả lời liệu PrEP có được nhóm MSM, TGW, và các cặp dị nhiễm chấp nhận như một biện pháp dự phòng? Có thể được cung cấp một cách an toàn bởi những phòng khám do cộng đồng làm chủ? Có thể được cung cấp với mức phí khả thi và chấp nhận được tại Việt Nam?
Ts. Kimberly Green | Giám đốc dự án USAID/PATH Healthy Markets chia sẻ kết quả nghiên cứu tại Hội thảo sơ kết 1 năm triển khai PrEP
Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với các đối tác triển khai nghiên cứu theo dõi thuần tập thực hiện đối với những khách hàng sử dụng PrEP trong thời gian 18 tháng , với 1.069 khách hàng MSM, 62 người chuyển giới nữ và và 211 cặp bạn tình dị nhiễm, tại 3 phòng khám tư nhân do nhóm đích làm chủ (Thành Danh, Galant, My Home) và 4 phòng khám công lập/OPC (quận 1, quận 8, quận 11, và quận Thủ Đức).
Theo kết quả nghiên cứu, trong 1.069 khách hàng MSM, tuổi trung vị là 26 tuổi, 78,6% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, thu nhập trung bình khoẳng 7 triệu đồng/tháng và trên 81% có bảo hiểm y tế. Nhóm TGW có độ tuổi trung vị trẻ hơn là 24,5 tuổi, trình độ cao đẳng, đại học chiếm 62,9%, mức thu nhập trung bình khoảng 5 triệu đồng/tháng, 64,5% có bảo hiểm y tế. Đây là nhóm khách hàng trẻ nhất, có thu nhập thấp hơn 2 nhóm còn lại.
Tỷ lệ duy trì sử dụng PrEP sau 3 tháng của 3 nhóm khách hàng là 89,1%, sau 12 tháng là 70,1%, sau 18 tháng là 49%. Tỷ lệ duy trì sử dụng PrEP rất khác nhau giữa các nhóm khách hàng. Sau 18 tháng, tỷ lệ duy trì ở nhóm bạn tình dị nhiễm là 62,5%, ở TGW là 52,8%, ở MSM chỉ là 46,6%. Những lý do ngừng sử dụng chính là không có đủ tiền mua thuốc (24%), lo ngại bị kỳ thị và phân biệt đối xử (17,2%), bạn tình yêu cầu dừng (15,5%), hết nguy cơ nhiễm HIV (15,5%)
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng PrEP rất an toàn. Kết quả xét nghiệm creatinine bất thường là rất hiếm, chỉ có 2 trường hợp có cratinine <60ml/min. Tỷ lệ mắc giang mai sau 3 tháng là 12,2%, sau 6 tháng là 33,2%.
Từ kết quả của nghiên cứu, chúng ta thấy rõ được những điểm sau:
1. PrEP được chấp nhận rộng rãi trong nhóm MSM, người chuyển giới nữ và bạn tình dị nhiễm tham gia trong nghiên cứu
2. Không có bằng chứng cho thấy có sự gia tăng hành vi nguy cơ theo thời gian
3. PrEP rất an toàn
4. Tuân thủ sử dụng PrEP là cao trong nhóm MSM
5. Người chuyển giới nữ (TGW) cần được hỗ trợ nhiều hơn để tuân thủ sử dụng.
6. Tỷ lệ mắc giang mai cao: việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ STI cần được cải thiện.
7. Mô hình dịch vụ do cộng đồng cung cấp có tính phù hợp hơn trong hệ thống y tế công.