Trang Chủ Tin tức Sự kiện TỔ CHỨC PHI CHÍNH PHỦ: HƯỚNG ĐI MỚI CHO SINH VIÊN

TỔ CHỨC PHI CHÍNH PHỦ: HƯỚNG ĐI MỚI CHO SINH VIÊN

121
0

Ngày 19.1.2015, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cộng đồng bền vững (CRDSC) đã đến giao lưu với Câu Lạc Bộ Quốc tế của Trường Đại học Ngoại thương, tham gia Diễn đàn Sinh viên thảo luận một vấn đề đang được sinh viên các  trường đại học quan tâm tìm hiểu; đó là “Tổ chức Phi chính phủ: Hướng đi mới cho sinh viên”.

aids-huong-di-4

aids-huong-di-3

Tham gia diễn đàn có sinh viên Trường Đại Học Ngoại thương và một số trường bạn. NGƯT.BS. Đặng Văn Khoát, chuyên gia độc lập, BS. Đào Thị Tố Nga, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cộng đồng bền vững CRDSC và CN Nguyễn Sơn Minh, Ủy viên Thường vụ Hội Phòng, chống HIV/AIDS  thành phố Hà Nội.

aids-huong-di

BS Đặng Văn Khoát đã thảo luận với sinh viên về các tiêu chí định nghĩa thế nào là một tổ chức phi chính phủ (NGO), một tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO), làm thế nào xây dựng được một CBO bền vững,sinh viên ra trường đến với các NGO như thế nào.

Theo BS Khoát, một tổ chức NGO cần đáp ứng 7 tiêu chí: 1. Có các nguồn nhân lực, tài lực, vật lực, khả năng quản lý và thời gian đầu tư; 2. Có quy chế vận hành được toàn thể thành viên thông qua; 3. Có tư cách pháp nhân, được một cơ quan nhà nước chấp nhận như  Bộ Nội vụ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương; 4. Tổ chức của tư nhân, không phải của Nhà nước; 5. Tự nguyện của tổ chức và của các thành viên; 6. Tự quản, tự trang trải và 7. Phi lợi nhuận.Các tổ chức CBO là các tổ chức đáp ứng các tiêu chí trên, nhưng đang phấn đấu để có đủ khả năng độc lập và chưa có tư cách pháp nhân. Để xây dựng ngôi nhà CBO, cần quan tâm đến nền móng, xây dựng được tầm nhìn, sứ mệnh và các giá trị của CBO. Khung nhà bê tông chính là quy chế vận hành, xác định rõ việc kết nạp thành viên; ứng cử, đề cử và bầu cử các lãnh đạo; các chức danh như chủ tài khoản, chủ chi, kế toán, thủ quỹ và giám sát; các quy định về quản lý tổ chức, quản lý hoạt động, Mái nhà là người lãnh đạo có năng lực và tâm huyết cùng với tư cách pháp nhân. Các thành viên gắn bó với ngôi nhà của mình sẽ làm cho ngôi nhà bền vững và ấm cúng, khang trang.


BS Đào Thị Tố Nga đã chia sẻ kinh nghiệm bước đầu đến với các cơ quan nhà nước và các NGO quốc tế,  quá trình trưởng thành, từ thực tập viên đến trợ lý dự án, cán bộ dự án, cán bộ quản lý dự án và điều phối viên. CN Nguyễn Sơn Minh đã chia sẻ những kinh nghiệm hỗ trợ thực tập, xây dựng và phát triển các tổ chức CBO trong nhiều năm.

Sinh viên Đại học Ngoại thương đặt ra nhiều câu hỏi thiết thực về tiêu chí của thực tập viên, những cơ hội và thách thức cho sinh viên để chuẩn bị hành trang làm việc trong các NGO. Các bạn đã có nhiều màn trình diễn văn nghệ và lên nhận Nhiều giải thưởng vì trả lời đúng các câu hỏi về NGO.

aids-huong-di-2

Các sinh viên tham gia Diễn đàn là thành viên của Câu lạc bộ Kinh tế toàn cầu (GEC), trực thuộc Đoàn trường ĐH Ngoại Thương, và sự bảo trợ của Khoa Kinh tế quốc tế . GEC ra đời  có nhiệm vụ hỗ trợ thầy cô và sinh viên trong vấn đề giảng dạy, học tập, hoạt động nghiên cứu khoa học cũng như liên kết với các trung tâm nghiên cứu và nắm bắt tình hình kinh tế toàn cầu.

Ngày nay, Toàn cầu hóa kinh tế đã trở thành xu thế chung của thời đại mà các quốc gia, dân tộc không thể bỏ qua. Các NGO và các CLB sinh viên như GEC có thể góp phần vào đào tạo, phổ biến, nâng cao kiến thức và nhận thức của sinh viên về nền kinh tế toàn cầu. Kết thúc diễn đàn, các diễn giả đã cùng CLB GEC hát chung trong bầu không khí “Tổ chức phi chính phủ: hướng đi mới của Sinh viên.

Đặng Anh Tuấn, CRDSC