Trang Chủ Tin tức Tổ chức tập huấn Can thiệp lạm dụng ma túy tổng hợp...

Tổ chức tập huấn Can thiệp lạm dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine

61
0

Từ ngày 15-17 tháng 7, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS  tổ chức tập huấn Can thiệp lạm dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine.

Tham dự và chủ trì Lớp tập huấn có TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS. Cùng tham dự còn có đại diện phòng Dự phòng lây nhiễm HIV thuộc Cục, ông Phạm Nguyên Hà, Phó giám đốc dự án Quỹ toàn cầu thành phần VUSTA, giảng viên từ Đại học Y Hà Nội và 30 học viên đến từ phòng khám điều trị nghiện chất của một số tỉnh, thành phố phía Bắc: Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nghệ An.

Tại lớp tập huấn, các đại biểu đã được đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS trình bày Hướng dẫn quốc gia về can thiệp lạm dụng ma túy tổng  hợp dạng Amphetamine, Tổng quan về thực trạng sử dụng ma túy tổng hợp trên thế giới và Việt nam; báo cáo kết quả đánh giá nhanh về tình hình sử dụng ATS trong bệnh nhân điều trị methadone tại Hà Nội, Mô hình can thiệp ATS trên nhóm bệnh nhân methadone và MSM; các biện pháp và nguyên tắc can thiệp ATS, can thiệp hành vi…  Đặc biệt tại lớp tập huấn, các học viên đã được thực hành sàng lọc đánh giá can thiệp ngắn trên bệnh nhân (ASSIST, can thiệp ngắn), các xử trí rối loạn tâm thần do sử dụng ATS và triển khai kế hoạch ATS tại địa phương . Cũng tại lớp tập huấn các học viên đã được làm rõ nhiều vấn đề khi triển khai can thiệp cho nhóm nghiện ma túy tổng hợp và thảo luận các khó khăn khi triển khai điều trị nghiện ma túy tổng hợp tại cơ sở điều trị Methadone.

Phát biểu tại lớp tập huấn, TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS đánh giá cao việc tổ chức lớp tập huấn triển khai can thiệp lạm dung ma túy tổng hợp tại Việt Nam và sự tham gia của các học viên của các tỉnh, thành phố. Việc can thiệp cho những người sử dụng ma túy tổng hợp tại Việt Nam là vấn đề mới, khó khăn và đặc biệt cần sự chia sẻ kinh nghiệm chuyên gia. Đồng thời TS. Cảnh cũng đưa ra một số định hướng triển khai hoạt động can thiệp cho người nghiện ma túy tổng hợp như: Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Lao động thương binh và xã hội và các Bộ ngành liên quan hoàn thiện chính sách để triển khai các hoạt động can thiệp; Xây dựng Kế hoạch cụ thể triển khai cho người sử dụng ma túy tổng hợp  bao gồm các mô hình phù hợp với từng đối tượng tại cơ sở Methadone và tại cộng đồng và sẽ xây dựng cơ chế phối hợp và triển khai đào tạo và tập huấn điều trị nghiện ma túy tổng hợp một cách phù hợp. Cũng tại tập huấn, TS. Cảnh cũng đề nghị các học viên về tỉnh tham mưu triển khai can thiệp ATS tại cơ sở của mình; cần vận động chính sách cho chương trình can thiệp ATS đề xuất các chính sách, nguồn lực cho chương trình và đề nghị trường đại học Y Hà Nội tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật các học viên sau khi tập huấn bằng hình thức trực tuyến.

Theo báo cáo của Bộ Công an, cả nước có khoảng  220000 người nghiện có hồ sơ quản lý, tăng 11.831 người so với năm 2016 (210.751 người), 58 địa phương có người nghiện tăng. Trong đó số người nghiện ma túy tổng hợp tiếp tục gia tăng; theo số liệu báo cáo từ 21 địa phương có thống kê, phân loại, số người sử dụng ma túy tổng hợp là 15.447 người (chiếm 46% số người sử dụng ma túy). Đặc biệt, có một số địa phương có tỷ lệ trên 80% như Trà Vinh 90,7%; Đà Nẵng 86%; Quảng Trị 84%…số người mới sử dụng ma túy bị phát hiện chủ yếu sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần thay vì các loại ma túy truyền thống. Việc sử dụng ma túy tổng hợp, các chất hướng thần gây nên biểu hiện rối loạn tâm thần (hay ngáo đá) dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật. Từ năm 2016 đến nay, số lượng người sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện ngáo đá được phát hiện là 8.429 người (chiếm 3,8% tổng số người nghiện) gây ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, làm 9 người chết và  hàng chục người bị thương.Tình trạng sử dụng MTTH ở nước ta có sự gia tăng về số lượng, đa dạng về thành phần và ở các độ tuổi khác nhau. Trước đây, các đối tượng sử dụng MTTH chủ yếu tụ tập đến các điểm công cộng như Vũ trường, CLB nhà hàng có sử dụng nhạc mạnh và tập trung ở các quận nội thành ở các thành phố lớn, nhưng đến nay đã lan sang các điểm kín đáo như quán Karaoke, Bar nhỏ, cơ sở lưu trú và sang các huyện, thị ở ngoài thành ở các thành phố như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Khánh Hòa..

TS. Nguyễn Thị Minh Tâm chia sẻ hướng dẫn can thiệp lạm dụng ATS tại lớp tập huấn

Ths. Nguyễn Hữu Anh, giảng viên Đại học Y Hà Nội chia sẻ tại lớp tập huấn.

Ths. Hán Đình Hòe, giảng viên đại học Y Hà Nội chia sẻ tại lớp tập huấn.

Đại biểu thảo luận tại lớp tập huấn

Quang cảnh lớp tập huấn