Tham dự Hội nghị có hơn 150 đại biểu đại diện cho các Vụ, Cục, Viện chuyên môn thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, Đại diện Lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ; các tổ chức quốc tế; Tổ chức cộng đồng và Ngành Y tế, ngành Công an, ngành Lao động Thương binh và Xã hội của 6 tỉnh, thành phố triển khai đề án thí điểm là Điện Biên, Lai Châu, Hải Phòng, Bắc Giang, Lào Cao và Nghệ An và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí. PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương – Thứ trưởng Bộ Y tế tham dự và phát biểu khai mạc tại Hội nghị.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế khai mạc hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, sau 14 năm triển khai điều trị methadone, chương trình đã khẳng định được tính ưu việt như: Góp phần cải thiện sức khỏe người bệnh; giảm lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu, nâng cao thể lực, phục hồi về thể chất và tâm thần, cảỉ thiện về an ninh, trật tự xã hội, đem lại hiệu quả về kinh tế cho người bệnh, gia đình và cộng đồng; phát triển kinh tế của gia đình, giảm chi phí của xã hội cho các vấn đề về pháp lý và y tế dành cho người nghiện…
Điều trị methadone hiện nay vẫn là giải pháp can thiệp hiệu quả cho nhóm người nghiện các chất dạng thuốc phiện tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Tuy nhiên, do đây là biện pháp điều trị lâu dài, hàng ngày người bệnh phải đến uống thuốc tại cơ sở y tế nên việc triển khai điều trị methadone cũng bộc lộ một số khó khăn, hạn chế nhất là với bệnh nhân, dẫn đến việc tuân thủ điều trị còn hạn chế và tỷ lệ bỏ cuộc còn cao.
Nguyên nhân bỏ trị là do người bệnh không đủ kiên trì để tiếp tục điều trị khi phải đến cơ sở y tế uống thuốc hàng ngày, trong một thời gian liên tục nhiều năm. Ngoài ra, do đặc thù công việc của bệnh nhân (lái xe, ngư dân…) phải đi làm việc xa nhà thường xuyên, nên không thể đến uống thuốc hàng ngày.
Để tiến hành mở rộng việc cấp phát thuốc methadone nhiều ngày ra toàn quốc, phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh:
– Cục Phòng, chống HIV/AIDS làm đầu mối rà soát tính pháp lý và phối hợp với các đơn vị liên quan, tham mưu cho các cấp có thẩm quyền xây dựng, ban hành các văn bản pháp lý và hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, bao gồm cả tính toán chi phí việc cấp thuốc nhiều ngày, để mở rộng việc cấp phát thuốc methadone nhiều ngày ra toàn quốc. Ngay sau khi hoàn thiện văn bản pháp lý và hướng dẫn chuyên môn, Cục Phòng, chống HIV/AIDS tham mưu để Bộ Y tế triển khai ra tất cả các tỉnh trên toàn quốc.
– Với 06 tỉnh/thành phố Điện Biên, Lai Châu, Hải Phòng, Bắc Giang, Lào Cao và Nghệ An tiếp tục duy trì và mở rộng việc triển khai cấp phát thuốc nhiều ngày ra tất cả các cơ sở điều trị trên địa bàn trong giai đoạn 2023-2034 theo đúng hướng dẫn. Kinh phí duy trì việc triển khai cấp phát thuốc nhiều ngày tại 06 tỉnh/thành phố sử dụng nguồn Dự án Phòng, chống HIV/AIDS do Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS; vận động kinh phí của các dự án quốc tế tài trợ, kinh phí địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
– Bộ Y tế mong muốn các tổ quốc tế tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về tài chính và kỹ thuật để triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone, bao gồm cả các sáng kiến như phần mềm quản lý người bệnh; các kinh nghiệm quốc tế về cấp phát thuốc nhiều ngày và các can thiệp với các ma túy khác nhất là ma túy tổng hợp. Đây là lĩnh vực Việt Nam còn ít kinh nghiệm trong khi xu hướng người sử dụng và người nghiện không ngừng tăng lên.
Bà Maria Elena Filio Borromeo, Giám đốc quốc gia UNAIDS.
Tại Hội nghị, bà Maria Elena Filio Borromeo, Giám đốc quốc gia UNAIDS cho biết: Thế giới đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế bao gồm methadone, có tác dụng cứu người, ngăn ngừa hiệu quả việc lây nhiễm HIV, cải thiện chất lượng cuộc sống của người tham gia điều trị và cả gia đình của họ; đồng thời đóng góp tích cực cho việc giữ gìn trật tự xã hội. Do điều trị methadone và các dịch vụ điều trị rối loạn sử dụng chất khác là các biện pháp điều trị lâu dài, nên việc đa dạng hóa cung cấp dịch vụ là hết sức quan trọng để khuyến khích người có nhu cầu tham gia điều trị nhiều hơn và hỗ trợ họ tuân thủ điều trị tốt hơn.
Trong những năm qua, Việt Nam đã luôn là một điển hình dẫn dầu trong khu vực về hiệu quả điều trị methadone. Các tổ chức LHQ ủng hộ việc tiếp tục mở rộng cách tiếp cận mới trong cung cấp dịch vụ điều trị methadone này và khuyến nghị trong thời gian tới thể chế hóa cấp phát thuốc methadone nhiều ngày trong chính sách pháp luật về phòng, chống HIV. Chúng tôi tiếp tục cam kết và sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho những nỗ lực tiếp theo này, trong những nỗ lực chung để giúp Việt Nam đi đúng hướng thực hiện mục tiêu chấm dứt AIDS vào năm 2030, bà Maria Elena Filio Borromeo nói.
Ths.Bs. Đỗ Hữu Thủy báo cáo tại Hội nghị
Báo cáo tại Hội nghị, Ths,Bs Đỗ Hữu Thủy – Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone được triển khai tại Việt Nam từ năm 2008, hiện đang điều trị cho hơn 51.000 bệnh nhân. Đề án thí điểm cấp phát thuốc methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện với mục tiêu của Chương trình là tạo thuận lợi, tăng khả năng tiếp cận và nâng cao chất lượng dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone, góp phần giảm lây nhiễm HIV, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện.
Tại Việt Nam, sau 2 năm triển khai đến nay, tổng số có hơn 3.000 bệnh nhân được nhận thuốc methadone cấp nhiều ngày. Qua nghiên cứu tổng kết cho thấy chương trình an toàn, khả thi và rất hiệu quả. Bệnh nhân và người nhà đều hài lòng và yên tâm điều trị lâu dài.
PGS.TS Lê Minh Giang – Trưởng nhóm nghiên cứu Trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ báo cáo kết quả đánh giá đề án tại Hội nghị
Cấp thuốc methadone nhiều ngày đặc biệt phù hợp đối với những bệnh nhân sống cách xa cơ sở điều trị, bệnh nhân miền núi, vùng sâu, vùng xa; giúp người bệnh chủ động trong công việc, tuân thủ điều trị tốt hơn vì không phải bố trí thời gian đến uống thuốc trong giờ hành chính; có thời gian chăm lo cho gia đình nhiều hơn, góp phần giúp gia đình thêm thuận hòa, kinh tế ổn định và gia đình hỗ trợ kiểm soát bệnh nhân uống thuốc hàng ngày.
Việc cấp thuốc mang về cũng là phần thưởng cho bệnh nhân, khích lệ động viên bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt hơn, đồng thời khích lệ các bệnh nhân khác cố gắng tuân thủ điều trị để được mang thuốc về…
Bên cạnh đó, cán bộ y tế cũng chủ động đặt lịch hẹn bệnh nhân đến nhận thuốc và khám theo đúng thời gian quy định. Từ đó việc khám, cấp phát thuốc cho bệnh nhân không bị dồn dập vào thời gian đầu giờ buổi sáng, có thể giảm áp lực cho cơ sở điều trị và bệnh nhân.
PGS.TS Phan Thị Thu Hương – Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS phát biểu bế mạc
Toàn cảnh Hội nghị.
Đại diện ngành công an phát biểu tại Hội nghị.
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị.