Trang Chủ Tin tức Báo chí viết về chúng ta Truyền thông về LGBT- tiếng nói người trong cuộc

Truyền thông về LGBT- tiếng nói người trong cuộc

622
0

Người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT) là đề tài dành được sự quan tâm sâu sắc từ giới truyền thông, điện ảnh. Những tác phẩm về đề tài này luôn gây sự chú ý, tò mò đặc biệt từ phía khán giả. Tuy nhiên truyền thông về cộng đồng này như thế nào? Hãy lắng nghe tiếng nói người trong cuộc.

“Hũ gia vị độc – lạ”

Tò mò, hiếu kỳ với những khác biệt là tâm lý thông thường của con người. Bởi vậy, sự hiện diện của những người đồng tính, song tính, chuyển giới trong các tác phẩm truyền thông – điện ảnh ngày càng nhiều. Trên thực tế, LGBT là đề tài hấp dẫn cho người cầm bút, các nhà biên kịch…

14199739_10205650559263066_3165013345365357719_n

Jessica-Ảnh:Nhân vật cung cấp

Chia sẻ về hình ảnh của người LGBT xuất hiện trong các tác phẩm truyền thông-điện ảnh, Jessica (tên thật là Nguyễn Hữu Toàn) là người chuyển giới nữ cho biết, ngày càng có nhiều người dám công khai giới tính để được là chính mình. Những “động tĩnh” của LGBT đang là “hũ gia vị độc – lạ” đối với giới truyền thông. Tuy nhiên, một số cá nhân khi khai thác về đề tài này đã sử dụng hình ảnh của LGBT giống như để đem lại tiếng cười hoặc là mồi câu khán giả. “Mưa dầm thấm lâu” công chúng sẽ dễ liên tưởng đến người LGBT với những lố lăng, bệnh hoạn, gây cười cho thiên hạ.

Jessica chia sẻ: Người LGBT cũng rất tự ái khi nghe những từ dành cho họ như “ô môi”, “pê đê”, “xăng pha nhớt”. Đồng thời, cô cũng mong muốn những tác phẩm về LGBT trong tương lai đến với công chúng sẽ đa dạng, đa chiều và toàn diện hơn.

Người đồng tính có H – kỳ thị kép

Cùng chung quan điểm như Jessica, Phạm Hồng Sơn-trưởng một nhóm MSM chia sẻ, LGBT là cộng đồng khiến người ta tò mò. Một vụ giết người chỉ là vụ án hình sự nhưng nếu hung thủ là LGBT thì đưa “tít” thể nào cũng dính đến chữ LGBT. Cộng đồng LGBT khá nhạy cảm khi thấy hình ảnh trên phương tiện truyền thông không giống như thực tế. Theo anh, điện ảnh cũng góp phần định hướng nhận thức của khán giả, tạo nên sự đồng cảm, lên án kỳ thị.

Chia sẻ về các bộ phim về LGBT, anh trải lòng, bản thân từng xem nhiều phim về LGBT, cũng có nhiều bộ phim với các giá trị nhân văn sâu sắc, đủ sức “chinh phục” khán giả nhưng vẫn còn nhiều tác phẩm điện ảnh tái hiện hình ảnh LGBT nhằm gây cười cho khán giả. Anh Sơn liệt kê, người LGBT “lên sóng” thể nào cũng “tính thì ẻo lả; ăn mặc kệch cỡm; đi đứng ỏn ẻn; hay khóc hay hờn”. Thậm chí, còn có nhiều bộ phim có quan điểm lệch lạc, hiểu không đúng về cộng đồng LGBT.

14570279_1460521560629395_4623771945805736726_n

Nguyễn Anh Phong-Ảnh: Bình Nguyên

Nguyễn Anh Phong, thành viên điều hành của Mạng lưới quốc gia của những người sống với HIV tại Việt Nam (VNP+) chia sẻ, với góc độ là người tổ chức sự kiện liên quan đến LGBT, khi mời một người LGBT đến truyền thông ban tổ chức thường phải cân nhắc rất cẩn thận. Nhiều người khi công khai giới tính, phải chịu áp lực rất lớn từ phía gia đình, xã hội. Anh từng chứng kiến, một lần có trường hợp tên K là người LGBT có H đồng ý chia sẻ trước cộng đồng về nguy cơ lây nhiễm, các biện pháp phòng tránh. Sau chương trình, K đã bị dòng họ và gia đình chỉ trích, bị kỳ thị trong chính gia đình của mình. K đã bị “kỳ thị kép” vì là người đồng tính, lại dương tính với HIV.

Kết thúc buổi nói chuyện, anh Phong mong muốn khi cầm bút viết một bài báo, một kịch bản điện ảnh, người viết cần có kiến thức cơ bản về LGBT, cũng như bảng thuật ngữ thông dụng trong cộng đồng. Anh Phong kỳ vọng, nếu một người cầm bút nên biết tôn trọng sự đa dạng, lắng nghe, hiểu biết sẽ tạo ra những tác phẩm tử tế với người, với đời.

Bình Nguyên