Thưa các bạn,
Câu chuyện tôi kể ra đây, theo nhận định của TS. Trần Tuấn, nhà nghiên cứu tâm huyết về chính sách y tế, đã đề cập vấn đề bảo hiểm y tế, chính quyền cơ sở, quản lý thông tin BHYT và an sinh xã hội, vai trò của tổ chức xã hội dân sự trong vận động chính sách, đổi mới hệ thống quản lý thông tin phát triển..Những Chuyện Như Đùa Có Thật là thực trạng tồn tại của bảo hiểm y tế cho đến hôm nay, khi các cấp, các ngành chưa tạo đủ điều kiện cho người dân thực sự tham gia xây dựng chính sách, thực hiện chính sách, giám sát việc thực hiện và đánh giá chính sách.
Thưa các bạn,
Câu chuyện tôi kể ra đây, theo nhận định của TS. Trần Tuấn, nhà nghiên cứu tâm huyết về chính sách y tế, đã đề cập vấn đề bảo hiểm y tế, chính quyền cơ sở, quản lý thông tin BHYT và an sinh xã hội, vai trò của tổ chức xã hội dân sự trong vận động chính sách, đổi mới hệ thống quản lý thông tin phát triển..Những Chuyện Như Đùa Có Thật là thực trạng tồn tại của bảo hiểm y tế cho đến hôm nay, khi các cấp, các ngành chưa tạo đủ điều kiện cho người dân thực sự tham gia xây dựng chính sách, thực hiện chính sách, giám sát việc thực hiện và đánh giá chính sách. Vì thế mới có: “Chuyện như đùa, mất tiền không hưởng”. Những Chuyện Có Thật là nỗi trăn trở và việc làm ích nước lợi dân của EBHPD, và những ý kiến của người dân trên mạng vào đầu năm 2015 khi triển khai Luật Bảo hiểm y tế. Bạn có đồng tình với tôi không là nước ta đã chuyển sang giai đoạn là một nước có thu nhập trung bình thấp, viện trợ quốc tế đang giảm dần, mỗi đồng tiền có được đều phải trân trọng?
EBHPD là một liên minh “Cho một nền y tế vì dân, Vì một nền y tế của dân” và RTCCD là một tổ chức phi chính phủ, “Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng” đang trăn trở sao cho Bảo hiểm y tế: 1. Nâng cao được năng lực quản lý của chính quyền cơ sở; 2. Đổi mới được quản lý thông tin BHYT và an sinh xã hội; 3. Có nguồn thu hợp lý, vừa với sức dân và 4. Chi cho hợp lý và tiết kiệm, không lãng phí, tham ô.
Nhà nước ta trong năm 2014 đã ban hành nhiều văn bản pháp qui. Ngày 20-11-2014, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13. Trước đó, tháng 6/2014, Quốc hội cũng đã thông qua Luật số 46/2014/QH13 ngày 13-06-2014 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Đến 15/11/2014, NĐ 105/2014/NĐ-CP đã quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và đến 10/10/2014, QĐ 1018/QĐ-BHXH đã sửa đổi một số nội dung tại các quyết định ban hành quy định quản lý thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Thời gian qua, đã có những chuyện gì xẩy ra?
NHỮNG CHUYỆN NHƯ ĐÙA CÓ THẬT
Câu chuyện thứ nhất. Bốn người còn sống, vẫn là đủ năm!
Tôi đến 1 hộ ở Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Chủ hộ đã mất nên gia đình chỉ còn 4 người. Phiếu điều tra bảo hiểm y tế vẫn ghi là 5 người, vì phải ghi tên chủ hộ, tuy chủ hộ là chồng chị đã mất. Nhật ký ghi lại là: Chuyện tôi kể như đùa có thật, Nhà năm người nhưng mất người cha, Quá trình ghi phiếu điều tra, Bốn người còn sống, vẫn là đủ năm!
Câu chuyện thứ hai. Buồn sao lên tỉnh không quen!
Dân phàn nàn: “Chúng tôi đã mua bảo hiểm, tiền trăm cũng cố chắt chiu. Nhưng ra trạm y tế xã chỉ có vài viên thuốc. Khi ốm nặng phải lên bệnh viện huyện, tỉnh thì thủ tục phiền hà, lại phải về xã bổ sung. Ở huyện và ở tỉnh thì chẳng quen biết ai, nên ngoài việc tốn tiền xe đi
lại còn mất thêm thời gian ăn đợi nằm chờ.” Vui làm sao được khi: Đóng bảo hiểm tiền trăm cũng chuốc, Nhưng xã mình ít thuốc thiếu men, Buồn sao lên tỉnh không quen, Mất công ở trọ, tốn tiền đi xa! Cuối cùng, người dân lại khăn gói về xã.
Câu chuyện thứ ba. Một mình tôi có ba xuất thẻ!
“Ông Nguyễn C.K, sinh 1938 sống tại Thi Sơn, Kim Bảng, Hà Nam, đang được hưởng theo chế độ mất sức lao động của Nhà nước. Ông K có 4 người con, con cả làm công nhân đường sắt, con trai thứ hai công tác ngành Quân đội, còn 2 anh thì ở nhà làm nông nghiệp. Năm 2011 theo bình xét của thôn và xã, gia đình ông được xếp hộ nghèo. Từ năm 2011 đến nay, năm nào ông cũng nhận được 3 thẻ BHYT. Một thẻ là bố của quân nhân, một thẻ của chế độ mất sức lao động, một thẻ của hộ nghèo. Ông không cần phải làm thủ tục hoặc khai báo mà cứ vào cuối năm là con trai và cán bộ xã lại đưa thẻ cho ông”. Ông cho biết thêm “vợ ông cũng có 2 thẻ BHYT (một thẻ hộ nghèo, một thẻ là mẹ của quân nhân)”.
Ông bảo “Đúng chế độ của tôi, nhà nước cấp thì tôi nhận, chứ có 1 thẻ hay 3 thẻ thì khi đi khám bệnh tôi cũng chỉ dùng có một thẻ, chứ có dùng được cả 3 thẻ đâu”. Nên nhà thơ tâm sự là: Một mình tôi có ba xuất thẻ, Thẻ hộ nghèo lại thẻ hưu non, Thẻ mình, bố của quân nhân, Ủy ban chẳng biết, tuy gần mà xa! Ủy ban chẳng biết là do chưa ai cùng Ủy ban lo xây dựng hệ thống cập nhật và lưu trữ thông tin một cách khoa học ở tuyến xã, phường và thị trấn!
Câu chuyện thứ tư. Là dân thì cứ đợi thôi!
Phát hiện của EBHPD và RTCCD gần đây là hệ thống bảo hiểm 3 cấp, nhiều cơ quan chồng chéo, phức tạp từ tỉnh đến huyện và xã, thôn. Lắm cơ quan in ra nhiều thẻ nên trùng thẻ, chậm cung cấp thẻ, sai thông tin trên thẻ. Tự nguyện nhưng có hiện tượng ép mua thẻ trong khi người dân không có tiền mua thẻ cho cả nhà. Đóng tiền mua rồi thì lại cứ đợi thôi vì chậm trả thẻ. Các nhà nghiên cứu EPHPD cho ta sơ đồ minh họa sự rắc rối dưới đây:
Nhà thơ cũng thấy câu chuyện thứ 4 qua hình vẽ là: Lắm cơ quan in ra nhiều thẻ, Ba cấp nên chẳng thể kịp thời, Là dân thì cứ đợi thôi, Đóng tiền thì ép, đứng ngồi chẳng yên! Chuyện như đùa mất tiền không hưởng, Là khách hàng, là thượng đế quèn, và đề nghị: Mong sao Bảo hiểm đừng quên, Góp phần thực hiện những quyền của dân!
Câu chuyện thứ 5: Con cò và Người cò
Hình ảnh con cò rất đẹp trong văn học Việt Nam, trong trái tim của những ai gắn bó với làng xóm Việt Nam nơi thẳng cánh cò bay. Trong bài hát Con Cò (nhạc sĩ Lưu Hà An, ca sĩ Tùng Dương) tôi nhớ mãi hình ảnh con cò bay đi ăn đêm: “ được một con tôm, đôi ba con tép, cho dù mưa bão, cả đời lầm lũi thân cò..” nhưng cò vẫn lặn lội ngày đêm, để rồi cùng ta dào dạt niềm vui: “để ngày mai, nhìn đàn cò trắng, đàn cò lại vút bay, ngẩng đầu vượt sóng, đàn cò vút lên, bay về phía mặt trời!”.
Vậy mà, con cò thân thương lại trùng tên với với những “người cò” mà ai cũng ghét khi nghe dân Hà Nam kể chuyện cò tỉ tê lấy tiền của dân: Chuyện dân kể có nhà người ốm, Mắc ung thư lo tốn bạc vàng, Cò liền tỉ tót chỉ đàng, Hãy lo bảo hiểm, sẵn sàng có ngay! Mất mấy triệu lót tay cò rút, cộng đồng ta thương sót dân lành dân lành, Mong sao bảo hiểm an sinh, Lắng nghe dân kể, tận tình giúp dân!
Những chuyện có thật
Chuyện thứ nhất. Thành công bước đầu của EBPHD
Trong thời gian tới, EBHPD tiếp tục hoàn chỉnh Mô hình “Chính quyền xã sử dụng sổ cái quản lý thông tin BHYT và an sinh xã hội”. Mô hình này được xây dựng căn cứ vào yêu cầu đặt ra của Luật BHYT 2014 đối với UBND xã trong việc lập danh sách đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).
Điều 17 của Luật qui định là UBND xã/phường/thị trấn có trách nhiệm lập danh sách đối tượng tham gia BHYT thuộc các nhóm do ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng, nhóm do bảo hiểm xã hội (BHXH) đóng và nhóm tham gia theo hộ gia đình. Qua Mô hình này, EBHPD đã nâng cao được năng lực quản lý của chính quyền cơ sở và đổi mới quản lý thông tin BHYT và an sinh xã hội.
Kết quả thí điểm mô hình “Chính quyền xã sử dụng sổ cái quản lý thông tin BHYT và an sinh xã
1. Đào tạo hơn 30 cán bộ xã/thôn về kiến thức và kỹ năng thực hiện mô hình, nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ.
2. Tạo lập “sổ cái và quy trình thiết lập sổ cái” bằng phương pháp hợp tác nhiều bên (nhóm nghiên cứu + BHXH huyện + cán bộ được đào tạo cấp xã + thôn) tại một xã và 2 tổ dân phố.
3. Hoàn thành thu thập thông tin theo sổ cái cho: 601 hộ gia đình với 2160 người dân tại xã Tân Dân, Sóc Sơn, Hà Nội và phường Lương Khánh Thiện, Phủ Lý, Hà Nam.
4. Phân tích thông tin thu được từ sổ cái
Tình trạng không có thẻ BHYT: sấp xỉ 30% người dân không có thẻ BHYT. Tỉ lệ này hoàn toàn phù hợp với “Kế hoạch tổng thể cho việc phổ biến y tế toàn cầu từ 2012 đến 2015 và 2020” của Bộ Y tế đã được Thủ Tướng Chính Phủ thông qua năm 2012. Theo báo cáo của Bộ Y tế năm 2013, tỉ lệ bao phủ BHYT toàn quốc đạt 68%. Có thể nói Sổ cái đã giúp thu thập thông tin nhanh để tìm ra tỉ lệ có thẻ BHYT. Tỉ lệ này cũng cho thấy sự chính xác của thông tin.
Tỉ lệ không có thẻ BHYT theo từng nhóm trong 5 nhóm BHYT. Nhóm tự nguyện có tỉ lệ rất cao người không có thẻ BHYT (74% tại xã Tân Dân và 72% tại phường Lương Khánh Thiện). So với cả nước thì tỉ lệ này là 71,1% (BYT 2013, Trần Văn Tiến và cộng sự).
Vẫn có tỉ lệ trùng thẻ, tuy rất thấp; Tân Dân, Sóc Sơn, 4,2% và Lương Khánh Thiện, Phủ Lý 0,7%.Trùng thẻ gặp nhiều ở nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT bao gồm hộ cận nghèo và HS/SV của Tân Dân, Hà Nội.
Tóm lại, việc phân tích thông tin của sổ cái sẽ giúp tuyến thôn và tuyến xã xác định được tỉ lệ người không có thẻ BHYT, nhóm không có thẻ BHYT, tỉ lệ trùng thẻ và đặc biệt là trùng thẻ ở đối tượng nào.
Đây là những thông tin rất quan trọng giúp tuyến xã có những can thiệp hợp lý, đúng đối tượng để cải thiện mức độ bao phủ BHYT của địa phương đáp ứng lộ trình bao phủ BHYT toàn dân của chính phủ đến năm 2020.
EBHPD đã đạt 2 mục tiêu Nâng cao năng lực quản lý của chính quyền cơ sở và Đổi mới quản lý thông tin an sinh xã hội
Ý kiến của địa phương đối với mô hình là “Việc thông tin thu được đáp ứng nhiều yêu cầu; dễ dàng thống kê danh sách theo nhóm đối tượng. Thông tin trong sổ cái được sử dụng bởi các ban ngành khác nhau trong thôn và xã phục vụ mục đích báo cáo, quản lý thông tin và ra quyết định. Sổ cái giảm gánh nặng cho chính quyền thôn và xã, người dân bớt đón tiếp nay đoàn này, mai đoàn khác đến xin thông tin. Cả cấp xã và cấp thôn đều cho thấy sự cam kết của họ trong việc bảo quản sổ cái và cập nhật thông tin trong sổ.
So sánh trước và sau Mô hình
Xin có thơ chúc mừng EBHPD
Cả nước mình cùng lo bảo hiểm, Mong đổi thay toàn diện vì dân, Bảo hiểm không chỉ đơn thuần, Cung cấp dịch vụ cho dân mà còn..
Có sổ cái từ thôn đến xã, Giúp Ủy ban quản cả thông tin, Liên ngành xã hội – an sinh, Trong cùng sổ cái, nhiều ngành cần tra..
Cấp thôn mình điều tra, lưu trữ, Mọi thông tin theo hộ gia đình, Cấp xã tổng hợp phân minh, Sẵn sàng trich xuất, từng ngành dùng chung!
Xin lắng nghe ý kiến người dân
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Chính sách BHYT – Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, cho biết trong một tháng triển khai Luật BHYT sửa đổi (1.2015), nhiều ý kiến đã phản ánh tới cơ quan bảo hiểm về việc mua thẻ BHYT theo hộ gia đình. Luật BHYT sửa đổi quy định người dân muốn mua thẻ BHYT phải đăng ký theo hộ. Khác với trước đây, khi người dân mua BHYT tự nguyện, từng cá nhân trong gia đình được phép mua riêng cho mình thì nay, tất cả thành viên trong hộ (trừ người đã mua hoặc được cấp thẻ BHYT) đều phải mua. “Nếu một người không mua thẻ BHYT thì những thành viên khác trong hộ gia đình sẽ không được mua. Hộ gia đình ở đây được hiểu là những người có tên trong sổ hộ khẩu” – ông Sơn giải thích. “Nếu kê khai không đúng thì sau khi hậu kiểm, UBND xã, phường hay các đại lý bán thẻ sẽ có chế tài xử lý, thậm chí thu hồi thẻ đã phát hành” – ông Sơn nêu rõ
Chuyện thứ hai. Một bước lùi! Nhiều vướng mắc!
Tại TP HCM những ngày qua, nhiều người cho rằng mua BHYT theo hộ gia đình là “bước lùi” của quy định mới. Theo BHXH TP HCM, các vướng mắc tập trung ở việc: xác minh tạm vắng đối với người đang công tác, du học, làm việc ở nước ngoài; xác nhận tạm vắng đối với người có hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú tại TP nhưng chuyển đến nơi khác làm việc, sinh sống…
Chuyện thứ ba. Dân ngán ngẩm, bực bội!
“Nhà ở phường 3 (quận Gò Vấp) bị giải tỏa nên tôi tạm trú phường 4. Năm ngoái tôi ra công an chứng nhận tạm trú xong mang đến phường cùng chứng minh nhân dân là họ bán. Nay tôi làm y chang thì cán bộ nói phải về phôtô hộ khẩu và thẻ BHYT của những người trong hộ khẩu để chứng minh cả hộ chỉ còn mình tôi chưa mua” – bà Lê Thị Nguyệt cho biết. Với quy định phải làm chừng đó thủ tục, thấy quá rắc rối bà Nguyệt đành quay về tay không.
Cũng từ UBND phường 4 (quận Gò Vấp) ra về tay không, bà Lê Thị Thoa cho biết: “Theo quy định, tôi phải mua theo hộ khẩu nhưng ngặt con nhỏ út mới nghỉ làm, chờ làm chỗ mới nên chưa có BHYT. Tôi đòi mua một mình, cán bộ không chịu bán”.
Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động cho thấy ngoài việc bị “hành”, người dân còn than phiền không đủ tiền để mua BHYT cho cả nhà cùng lúc. Với lại, nhu cầu mua BH phòng thân cũng khác. “Gia đình tôi có 10 thành viên, nếu 1 người cần mua thì phải mất tiền thêm cho 9 người còn lại…”
Chuyện thứ tư. Chẳng có tiền mua! Lại mất tích lũy!
Chị Nguyễn Thị Phượng ngụ phường 4 cho biết nhà có 10 anh chị em nhưng chỉ có… bốn người đồng ý mua. Trong gia đình có ba người thất nghiệp nên không có tiền mua BHYT. Theo lời cán bộ bán BHYT phường 4 (quận Gò Vấp), đến hơn 10 giờ ngày 26-1 mới có khoảng 15 người dân đủ điều kiện mua. Số đông còn lại sau khi nghe giải thích xong thì về. Tâm trạng của người dân khá bức xúc, bực bội.
Tại UBND phường 8 (quận Phú Nhuận), bà Huỳnh Ngọc Hương mấy ngày nay cứ chạy qua chạy lại chỗ mua BHYT để xin gia hạn thẻ BHYT (thẻ có thời hạn đến ngày 31-1). Đến ngày 26-1 phường kết sổ gia hạn thẻ nhưng bà vẫn chưa đăng ký được. Bà sẽ mua lại BHYT từ đầu và mất vài năm tích lũy để hưởng kỹ thuật cao (theo quy định mới là 5 năm). Lý do: hai con của bà (cùng hộ khẩu) có mua BHYT ở công ty nhưng thẻ BHYT của họ cũng vừa hết hạn và công ty đang đi gia hạn. Bà Hương mang thẻ BHYT cũ của con đi phôtô để chứng minh nhưng không được chấp nhận. Cán bộ bán BHYT bảo con bà làm đơn xác nhận có làm việc và đang chờ thẻ BHYT công ty mua, tuy nhiên công ty nơi con bà đang làm việc không chịu chứng nhận. Bà Hương chỉ biết thở dài.
Anh Đặng Kiến Quốc cho biết đến ngày 31-1 thẻ BHYT của anh hết hạn. Trước ngày 15-1, anh có đến phường xin gia hạn thì nơi này nói chưa đến thời điểm gia hạn, hôm nay đến thì cán bộ nói đã quá hạn nên phải mua lại từ đầu. Vậy là anh mất hai năm tích lũy mua thẻ BHYT.
Thơ tôi đã viết: Chuyện như đùa, mất tiền không hưởng, Là khách hàng, là thượng đế quèn, Nay đành viết thêm: Đi mua mà tựa ăn xin, Trên cao không thấu, biết tin nơi nào?
MONG BHYT LẮNG NGHE Ý DÂN TRÊN MẠNG VÀ QUA CÁC KÊNH KHÁC NHAU ĐỂ CÓ BIỆN PHÁP BỔ SUNG HỮU HIỆU VÀ KỊP THỜI!
NGƯT.BS. Đặng Văn Khoát