Việt Nam đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phòng, chống HIV/AIDS
Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm đáp ứng với dịch HIV/AIDS, trong chặng đường hơn 30 năm qua, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhất là việc liên tục mở rộng và nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS.
– Về công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống HIV/AIDS: Chúng ta đã làm rất tốt, huy động sự tham gia của không chỉ ngành y tế và các ban ngành, các cấp và các tổ chức cộng đồng cùng làm truyền thông. Hình thức truyền thông cũng rất đa dạng, phong phú, không chỉ là truyền thông trên các phương tiện đại chúng như đài phát thanh, truyền hình, báo in hoặc tổ chức truyền thông trực tiếp. Gần đây chúng ta đã chú trọng sử dụng mạng xã hội trong truyền thông thông qua các trang thông tin điện tử (website; facebook; tick tok…), hình thức này được các tổ chức cộng đồng đặc biệt ưa thích và sử dụng đã đem lại hiệu quả cao. Nhờ vậy cho đến nay hầu hết người dân đã có những hiểu biết cơ bản về phòng, chống HIV/AIDS và kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS cũng đã giảm đi rất nhiểu.
– Việt Nam cũng đã triển khai rất tốt các hoạt động can thiệp giảm hại: phân phát và hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch, bao cao su, chất bôi trơn cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao, đặc biệt gần đây tập trung nhiều các can thiệp cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Mỗi năm hàng chục triệu bơm kim tiêm và bao cao su được cấp phát miễn phí. Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone cũng đã được mở rộng ở tất cả các tỉnh, thành phố. Hiện nay có hơn 50.000 người nghiện các chất dạng thuốc phiện được điều trị bằng methadone. Việt Nam cũng đang đẩy mạnh điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) cho hơn 40.000 khách hàng. Điều này giúp giảm đáng kể việc lây nhiễm HIV trong các nhóm có hành vi nguy cơ cao. Thời điểm cao nhất đỉnh dịch (vào những năm 2000) tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy vào khoảng xấp xỉ 30% thì đến nay chỉ còn khoảng hơn 10%.
– Về công tác xét nghiệm sàng lọc HIV đã bao phủ 100% tuyến huyện với hơn 1.300 cơ sở và xét nghiệm khẳng định HIV đã bao phủ 100% tỉnh/thành phố với 204 phòng xét nghiệm khẳng định. Xét nghiệm nhiễm mới đã được triển khai tại 28 tỉnh/thành phố trên cả nước. Mỗi năm có tới hơn 1 triệu test HIV được triển khai không chỉ ở hệ thống y tế mà ở cả cộng đồng và do chính các tổ chức cộng đồng thực hiện.
– Về điều trị HIV/AIDS: Hiện có 167.022 người đang được điều trị HIV bằng thuốc ARV và hiệu quả rất cao. Tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế đạt tới 96% và Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đạt được tỷ lệ này. Với hiệu quả này thì không chỉ giúp người bệnh khỏe mạnh mà còn giảm lây nhiễm HIV ra cộng đồng thậm chí không làm lây truyền HIV cho bạn tình của mình. Ngoài ra Việt Nam cũng đang triển khai điều trị viêm gan C cho bệnh nhân HIV và bệnh nhân điều trị Methadone. Với tỷ lệ khỏi bệnh đạt tới 97,4%.
Với sự liên tục mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ dự phòng, điều trị HIV/AIDS, Việt Nam đã kiểm soát được dịch HIV/AIDS. Nhiều năm liền tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư luôn ở mức dưới 0,3%. Cũng với đó chương trình phòng chống HIV/AIDS đã giúp cho khoảng 950.000 không bị nhiễm HIV và hơn 300.000 người không bị tử vong liên quan đến HIV/AIDS.
Các tổ chức cộng đồng đóng góp quan trọng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam
– Trong các kết quả phòng, chống HIV/AIDS kể trên, ngoài sự tham gia của cả hệ thống chính trị, ngành y tế, còn có sự đóng góp không nhỏ của các tổ chức xã hội. Các tổ chức xã hội đã tham gia vào hầu hết các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, từ đóng góp ý kiến trong khi xây dựng Luật và các văn bản quy phạm pháp luật; Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS; xây dựng kế hoạch, đến tổ chức triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ và theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình đặc biệt là việc cung cấp một số dịch vụ mà các tổ chức cộng đồng có lợi thế. Các báo cáo quốc gia cho thấy, các tổ chức cộng đồng có thể đóng góp từ 25-50% các chỉ tiêu cung cấp dịch vụ nhất là các dịch vụ mà tổ chức cộng đồng có lợi thế như tiếp cận cộng đồng, cung cấp dịch vụ can thiệp giảm tác hại, tư vấn xét nghiệm HIV và chuyển gửi điều trị ARV hay PrEP.
Ông Randolph Augustin, Giám đốc Chương trình Y tế, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trình bày về vai trò các tổ chức xã hội tại Hội thảo về tài chính bền vững cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức
– Riêng về xét nghiệm HIV tại cộng đồng: Do đặc thù ở Việt Nam, dịch HIV vẫn là dịch tập trung nên nhiều người nhiễm HIV thuộc nhóm dễ tổn thương như người nghiện chích ma túy, người bán dâm hoặc nam quan hệ tình dục đồng giới, đây là nhóm dễ bị kỳ thị phân biệt đối xử. Do vậy hệ thống y tế nhà nước khó tiếp cận hơn với các đối tượng này so với các tổ chức cộng đồng vì các tổ chức cộng đồng thường là người trong cuộc nên họ đồng cảm hơn, hiểu đối tượng của mình hơn nên dễ tiếp cận để truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ cho các nhóm này hơn. Việc xét nghiệm và tìm ca nhiễm HIV dương tính tại một số tỉnh thành phố hiện nay các tổ chức cộng đồng đóng góp tới 50% số ca mới, thậm chí một số tỉnh, thành phố có tới 60-70% các ca nhiễm HIV mới được phát hiện do các tổ chức xã hội thực hiện. Việc xét nghiệm sớm và điều trị sớm HIV là một trong giải pháp quan trọng để chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Người có hành vi nguy cơ cao khi được tư vấn xét nghiệm HIV sớm nếu âm tính (không nhiễm HIV) sẽ được tư vấn sử dụng các biện pháp dự phòng để không bị lây nhiễm HIV. Nếu xét nghiệm HIV có phản ứng (nghi ngờ nhiễm HIV) sẽ được tư vấn và chuyển gửi đến cơ sở y tế được công nhận xét nghiệm khẳng định và nếu khẳng định nhiễm HIV sẽ được điều trị HIV sớm. Khi người nhiễm HIV được điều trị sớm sẽ giữ cho hệ miễn dịch của họ khỏe mạnh, do vậy họ tiếp tục sống khỏe mạnh lâu dài, Khi được điều trị sớm, thuốc ARV sẽ ức chế vi rút HIV không phát triển để lượng virus HIV trong máu về ngưỡng không phát hiện và sẽ không còn làm lây nhiễm HIV cho người khác (Không phát hiện = Không lây truyền) qua đường tình dục.
– Một lợi thế khác là các tổ chức cộng đồng ngày nay cũng rất nhanh nhạy và có lợi thế đó là tiếp cận, truyền thông nâng cao nhận thức cho các đối tượng đích: Các tổ chức cộng đồng tổ chức truyền thông qua mạng xã hội như facebook; ticktok, livestream rất nhanh nhạy, sáng tạo, phù hợp với thị hiếu của đối tượng đích nên thu hút sự quan tâm của cộng đồng những người có hành vi nguy cơ cao.
Với vai trò của các tổ chức cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua có thể khẳng định nhóm cộng đồng đã có đóng góp quan trọng trong kiểm soát dịch HIV tại Việt Nam. Do vậy việc huy động sự tham gia của các tổ chức cộng đồng tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới cũng như cần có một cơ chế chính sách để duy trì sự tham gia của các tổ chức cộng đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước là hết sức quan trọng.
Vai trò của các tổ chức cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS
Trong những năm qua công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đạt được rất nhiều các thành tựu quan trọng, để đạt được kết quả đó ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị còn có sự đóng góp không nhỏ của các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng.