Ngày 30/06/2017, tại phòng trà Châu Anh – Chung cư VINACONEX, TP.Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Được sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật từ Tiểu Ban quản lý dự án VUSTA – Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS(ISDS) và Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Vĩnh Phúc, liên minh 5 nhóm tự lực tại Vĩnh Phúc đã tổ chức chương trình: “Truyền thông tuyên truyền về lợi ích của xét nghiệm HIV tại cộng đồng nhằm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với các nhóm dễ bị tổn thương.” Tham dự chương trình còn có đại diện Chi cục Phòng, chống tệ nạn tỉnh Vĩnh Phúc, Báo Vĩnh Phúc, Đài Truyền hình tỉnh Vĩnh Phúc, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cùng hơn 100 thành viên thuộc mạng lưới nam quan hệ tình dục đồng giới, chuyển giới, lao động tình dục và người sử dụng ma túy ( MSM,TG, SW, IDU).
Phát biểu tại chương trình bà Nguyễn Thị Thanh Hằng – Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ : “Mô hình này đã chứng minh được hiệu quả cũng như thành công khi đã đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng mong muốn được tiếp cận với các dịch vụ y tế thân thiện, dễ dàng với bất cứ khung thời gian nào, đặc biệt là chính các tiếp cận viên thực hiện, đảm bảo chính xác và thông tin được đảm bảo bí mật. Với việc triển khai mô hình xét nghiệm thân thiện này, các nhóm đồng đẳng (CBO) hy vọng sẽ kết nối các dịch vụ thân thiện, nhằm mục tiêu giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với HIV.”
Ngoài chương trình văn nghệ kết hợp truyền thông, ban tổ chức còn tổ chức xét nghiệm cho những khách mời tới tham dự muốn trải nghiệm dịch vụ này do chính những tiếp cận viên đã được tham dự tập huấn và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Vĩnh Phúc cấp giấy chứng nhận để làm xét nghiệm.
Hoàng Văn Khánh – người tham dự cho biết : “Đầu tiên, khi mới nghe nói đến việc người trong cộng đồng làm xét nghiệm cho mình. Tôi vừa mừng vừa lo, mừng vì không phải đến các cơ sở y tế để xét nghiệm, lo vì không các bạn có đủ trình độ chuyên môn để làm cho mình hay không?. Nhưng hôm nay, đến đây được nghe những chia sẻ về lợi ích của mô hình này cũng như được trải nghiệm ngay tại đó. Mình cảm thấy những băn khoăn từ trước tới giờ đã không còn nữa. Từ giờ trở đi, khi có bất cứ nguy cơ nào tôi sẽ tìm tới các bạn để được hỗ trợ về dịch vụ này.”
Sự kiện này cũng góp phần thay đổi nhận thức của các cấp ban ngành trên địa bàn tỉnh về các nhóm IDU, SW, MSM-TG ngoài ra các thành viên trong cộng đồng cũng có thêm những hiểu biết về hành vi nguy cơ cũng như có thêm những cơ hội để biết về tình trạng nhiễm HIV của mình để kịp thời phòng ngừa cho bản thân và những người xung quanh. Ngoài ra đây cũng là dịp các nhóm xây dựng hình ảnh và giới thiệu thêm các hoạt động mà nhóm đang triển khai, cùng đóng góp vào các mục tiêu chung của hoạt động phòng chống HIV/AIDS của Vĩnh phúc.
Phạm Sinh