Trang Chủ Tin tức Sự kiện VUSTA – HUY ĐỘNG SỰ THAM GIA CỦA CÁC TỔ CHỨC XÃ...

VUSTA – HUY ĐỘNG SỰ THAM GIA CỦA CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI TRONG HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS 2011 – 2015

112
0

Năm 2009, VUSTA đã huy động sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ, của các chuyên gia xây dựng Đề xuất dự án Quỹ Toàn cầu (QTC) phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam. Đề xuất đã được QTC chấp thuận với tư cách là Đơn vị tiếp nhận tài trợ phụ (SR) của Bộ Y tế triển khai dự án ở 10 tỉnh với tổng kinh phí 16,7 triệu USD cho giai đoạn 2011 – 2015.

 

 

 

Năm 2009, VUSTA đã huy động sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ, của các chuyên gia xây dựng Đề xuất dự án Quỹ Toàn cầu (QTC) phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam. Đề xuất đã được QTC chấp thuận với tư cách là Đơn vị tiếp nhận tài trợ phụ (SR) của Bộ Y tế triển khai dự án ở 10 tỉnh với tổng kinh phí 16,7 triệu USD cho giai đoạn 2011 – 2015.
Dự án thành phần VUSTA có 4 mục tiêu, bao gồm: 1)Thiết lập và mở rộng gói dịch vụ thiết yếu về can thiệp dự phòng HIV trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao; 2)Mở rộng và cải thiện các dịch vụ điều trị, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV và tối đa hóa các lợi ích về dự phòng và điều trị; 3)Tạo môi trường thuận lợi cho sự tham gia của các TCXH; 4)Tăng cường năng lực của các TCXH và năng lực thể chế.

Từ năm 2011 đến 2014, dự án QTC thành phần VUSTA đã triển khai tại 10 tỉnh/ thành phố là: Bắc Cạn, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Nghệ An, Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Long và Cần Thơ.

Kết quả triển khai dự án từ tháng 02/2011 – tháng 12/2014: Dự án đã tiếp cận và chăm sóc cho tổng số 55.008 khách hàng, trong đó có 24.610 nam quan hệ tình dục với nam; 19.363 bạn tình của người sử dụng ma tuý và người nhiễm HIV; 2.571 người nghiện chích ma túy; 2.767 nữ bán dâm; 3.811 người nhiễm HIV và 1.886 trẻ mồ côi và bị ảnh hưởng bởi HIV. Dự án đã hình thành được mạng lưới các tổ chức cộng đồng (CBO) với 82 CBO để tiếp cận và cung cấp dịch vụ đến các đối tượng đích. Để các tổ chức xã hội, các tổ chức cộng đồng có thể cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả thì việc nâng cao năng lực và vận động chính sách tạo môi trường thuận lợi là 2 mục tiêu xuyên suốt quá trình thực hiện dự án.

Tạo môi trường thuận lợi: Từ khi tham gia vào Cơ chế điều phối Quốc gia (CCM) Việt Nam về quản lý viện trợ của QTC (2011) và trở thành thành viên của Ủy ban quốc gia phòng chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (2012), VUSTA đã tăng cường trao đổi với Ủy ban quốc gia, các bộ ngành, tổ chức và dự án có liên quan, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS (PAC) ở các tỉnh, các cơ quan truyền thông, v.v… để phát huy vai trò đại diện tiếng nói và quyền lợi của những người có nguy cơ cao, nâng cao nhận thức về vai trò của các CBO và TCXH trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, tìm kiếm cơ chế tài chính hỗ trợ cho sự tham gia của các TCXH trong hoạt động phòng chống HIV/AIDS, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và các nhóm chính (KP) khuyến khích sự đối thoại giữa các TCXH với nhau và giữa các TCXH với các cơ quan xây dựng chính sách.

VUSTA cũng đã huy động sự tham gia của các TCXH và cộng đồng trong việc đóng góp xây dựng Chiến lược quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; Báo cáo giữa kỳ về tiến độ thực hiện “10 mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS” tại Việt Nam năm 2012 (Thực hiện Tuyên bố Chính trị 2011 về HIV/AIDS), Báo cáo quốc gia về tiến độ chương trình AIDS toàn cầu giai đoạn 2012-2013, Ngoài ra, VUSTA còn chủ động xây dựng Chiến lược tăng cường sự tham gia của các TCXH trong phòng, chống HIV/AIDS và nhiều chính sách, văn bản liên quan đến người nhiễm HIV và các nhóm chính, góp phần tăng cường năng lực cho người nhiễm HIV và các nhóm chính về chính sách và các văn bản/thủ tục pháp luật có liên quan đến HIV/AIDS.

Trong báo cáo Quốc gia về việc thực hiện tiến độ chương trình AIDS toàn cầu 2014 do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký, đã ghi nhận Dự án hợp phần VUSTA là 1 trong 4 mô hình thực hành tốt với tiêu đề: “Xây dựng và củng cố các tổ chức xã hội và cộng đồng thông qua dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS – hợp phần VUSTA”

Tăng cường năng lực của các TCXH và năng lực thể chế: Dự án đã hỗ trợ việc hình thành và phát triển hơn 82 CBO để thực hiện các hoạt động dự phòng, chăm sóc và hỗ trợ toàn diện, đồng thời tăng cường năng lực thể chế để đảm bảo tính bền vững thông qua các hoạt động tập huấn, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật tại chỗ, và cung cấp trang thiết bị làm việc và hỗ trợ thuê văn phòng. Trong 4 năm thực hiện dự án đã tổ chức 293 khóa tập huấn, 1.959 cuộc truyền thông nhóm nhỏ, 149 cuộc truyền thông nhóm lớn và sự kiện cộng đồng. Dự án cũng đã hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật để nâng cao năng lực và phát triển mạng lưới cho 4 mạng lưới quốc gia là Mạng lưới người sống chung với HIV Việt Nam (VNP+), Mạng lưới người sử dụng ma túy (VNPUD), Mạng lưới hỗ trợ người lao động tình dục (VNSW) và Mạng lưới Nam quan hệ tình dục đồng giới và Người chuyển giới Việt Nam (VNMSM-TG), hơn 70% các CBO tham gia dự án hiện là thành viên của các mạng lưới này.

VUSTA đã điều phối và tạo điều kiện cho việc chia sẻ kinh nghiệm giữa các CBO và TCXH trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế hoạt động trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đồng thời tiến hành đối thoại với đại diện ban ngành liên quan ở trung ương và địa phương về các chính sách và vấn đề liên quan đến HIV/AIDS thông qua các hội thảo thường niên về sự tham gia của các TCXH trong  phòng, chống HIV/AIDS.

Hội thảo quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS được dự án thành phần VUSTA tổ chức thường niên vào các năm 2012, 2013, 2014. Tại hội thảo “Tăng cường sự tham gia và hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội trong việc thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS” tổ chức vào 2 ngày 24 và 25/09/2013 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu ghi nhận vai trò và sự tham gia của các tổ chức xã hội, cụ thể là : “ các tổ chức xã hội có những đóng góp tích cực trong phòng, chống tệ nạn ma túy và mại dâm góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống tệ nạn ma túy và mại dâm”. Phó Thủ tướng cũng đã khẳng định “Chính phủ sẽ quan tâm trong việc tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện về cơ chế chính sách và xác định các tổ chức xã hội là những đối tác quan trọng đồng hành cùng Chính phủ trong công cuộc chống lại căn bệnh hiểm nghèo này, vì tương lai và vì hạnh phúc của mọi người”. Đặc biệt, Phó Thủ tướng cũng đã biểu dương những nỗ lực của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam (VUSTA) và vai trò của VUSTA “trong việc kết nối với các bộ ngành, các tổ chức quốc tế, điều phối các tổ chức phi chính phủ triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng có hiệu quả”

Với những nỗ lực và hiệu quả trong việc triển khai dự án giai đoạn 2011- 2014.  dự án thành phần VUSTA đã được Chính phủ, Bộ Y tế và Quỹ Toàn cầu công nhận, cộng đồng đánh giá cao; tháng 8/2014, VUSTA tiếp tục đại diện các tổ chức xã hội xây dựng Đề xuất dự án giai đoạn 2015 – 2017 gửi Quỹ Toàn cầu và đã được Quỹ Toàn cầu chấp nhận với địa bàn triển khai được mở rộng ra 15 tỉnh: Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Nam Định, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thái Bình, Nghệ An, Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa và tổng kinh phí cho giai đoạn này là: 6,79 triệu USD.

Mục tiêu của dự án trong giai đoạn này gồm: 1) Cung cấp các DVDP nhằm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm NCMT, NMD, MSM-TG tại 15 tỉnh của dự án; 2)Củng cố hệ thống cộng đồng nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia một cách hiệu quả và bền vững vào hoạt động phòng chống HIV/AIDS; 3) Gỡ bỏ các rào cản về mặt pháp lý nhằm tạo môi trường thuận lợi cho cho KP tiếp cận các DVDP, chăm sóc và điều trị HIV và tăng cường sự tham gia của các TCXH và CBO vào công cuộc phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam.

Đối tượng hưởng lợi của dự án là: Người nghiện chích ma túy;Người bán dâm; Nam có quan hệ tình dục với nam và người chuyển giới.

Chỉ tiêu cam kết với Quỹ Toàn cầu là: Dự án sẽ cung cấp gói dịch vụ dự phòng cho: 100.189 người nghiện chích ma túy; 27.809 người bán dâm; 64.188 nam quan hệ tình dục với nam và người chuyển giới (MSM-TG); Tỷ lệ người nghiện chích ma túy, người bán dâm, MSM và TG đi xét nghiệm HIV và biết kết quả xét nghiệm: 55% (2015),  60% (2016) và 65% (2017) 

Dự án có sự tham gia của 03 tổ chức phi chính phủ trực thuộc VUSTA là: Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS), Trung tâm Nâng cao Chất lượng Cuộc sống (LIFE) và Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI); có sự phối hợp giữa VUSTA và Bộ Y tế ở Trung ương; có sự tham gia của 15 Liên hiệp hội địa phương với vai trò phối hợp và giám sát.

Trong giai đoạn này. VUSTA đã được cơ chế điều phối Quốc gia đề nghị và Quỹ Toàn cầu đánh giá và đồng ý để VUSTA trở thành đơn vị tiếp nhận tài trợ chính trực tiếp từ Quỹ Toàn cầu. Đây là cơ hội để VUSTA tiếp tục huy động sự tham gia và đóng góp có hiệu quả của các tổ chức cộng đồng trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.

Tác giả bài viết : Ban quản lý Dự án Thành phần VUSTA – Dự án toàn cầu phòng chống HIV/AIDS

Một số hình ảnh về hoạt động dự án

vl2

GS.VS Đặng Vũ Minh, chủ tịch LHHVN phát biểu đề dẫn Hội thảo Tăng cường sự tham gia và hiệu quả hoạt động của các TCXH trong việc thực hiện chiến lược quốc gia phòng/chống HIV/AIDS

vl3

Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo Tăng cường sự tham gia và hiệu quả hoạt động của các TCXH trong việc thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS

vl4

Bác sĩ Đỗ Thị Vân, Giám đốc dự án trình bày với Ban quản lý Dự án những vấn đề trọng tâm của việc huy động cộng đồng trong công tác phòng chống HIV/AIDS

vl5

            Nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện dự án

vl6

Talk show về việc triển khai các hoạt động dự án

vl7

Hoạt động truyền thông

vl8

Tập huấn cho nhóm trẻ em bị tổn thương

Tác giả bài viết: Chí Thiện