Hơn 20 năm qua, kể từ năm 1990, Việt Nam thực sự phải đối phó với sự tấn công của căn bệnh thế kỷ và đạt được nhiều thành công, với mạng lưới PC HIV/AIDS được xây dựng rộng khắp từ Trung ương đến địa phương
Hơn 20 năm qua, kể từ năm 1990, Việt Nam thực sự phải đối phó với sự tấn công của căn bệnh thế kỷ và đạt được nhiều thành công, với mạng lưới PC HIV/AIDS được xây dựng rộng khắp từ Trung ương đến địa phương; cùng với sự giúp đỡ về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức trong nước và quốc tế. Nước ta đã triển khai hiệu quả các can thiệp PC HIV/AIDS từ truyền thông, can thiệp giảm hại, tư vấn xét nghiệm tự nguyện, đến chăm sóc, điều trị HIV/AIDS, áp dụng các kỹ thuật mới nhất. Người dân đã có kiến thức về HIV/AIDS, chúng ta có những con người nhiệt huyết với tấm lòng bác ái, yêu thương con người.
Đến nay, có thể khẳng định khó khăn về tài chính là quan trọng nhất. Khi Việt Nam đã có những thành công bước đầu trong công cuộc PC HIV/AIDS thì cũng là lúc các nguồn lực tài chính quốc tế giúp đỡ chúng ta liên tục bị cắt giảm. . Một số nguồn hỗ trợ từ các tổ chức lớn như Ngân hàng thế giới hay Chương trình PC HIV/AIDS khu vực châu Á của Chính phủ Australia, Hà Lan… đã và sắp kết thúc. Nguồn ngân sách trong nước đứng trước nguy cơ không thể đáp ứng được nhu cầu tiếp tục phòng chống dịch có hiệu quả.Chúng ta mới chỉ giảm được tốc độ gia tăng của sự lây nhiễm HIV, chứ chưa thể khống chế hoàn toàn được căn bệnh này. Nhìn vào từng địa phương, ta có thể thấy mỗi tỉnh cũng chỉ có từ vài đến hơn chục phòng tư vấn và xét nghiệm tự nguyện, như vậy là chưa đủ độ bao phủ cần thiếty. Ngay như vấn để đơn giản nhất như bơm kim tiêm sạch và bao cao su cũng mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu, điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đáp ứng khoảng 15% số người nghiện có hồ sơ quản lý của các địa phương; điều trị ARV đáp ứng được 37% số người nhiễm HIV được phát hiện.
Hải Phòng đã từng là nơi rất thành công khi được thí điểm Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone vào năm 2008,.Đây là giải pháp chi phí hiệu quả nhất trong các biện pháp điều trị nghiện, kéo theo đó là số người nhiễm HIV cũng giảm. Tuy nhiên đến nay, chương trình đang đứng trước có nguy cơ bùng phát trở lại dịch HIV/AIDS khi nguồn tài trợ bị cắt giảm,
Đầu tư cho PC HIV/AIDS là việc phải làm để cứu sống con người và mang lại hiệu quả kinh tế cao; đầu tư sớm khi dịch HIV/AIDS đang ở giai đoạn tập trung sẽ hiệu quả hơn về chi phí so với đầu tư muộn. Việt Nam cũng là một nước hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020, do đó phải nâng cao hiệu quả và sử dụng kinh phí hợp lý nhất. Bên cạnh nỗi lo về tài chính thì con người mới là yếu tố quyết định đến sự thành bại của công tác này. Việt Nam đã cam kết thúc đẩy công cuộc PC HIV/AIDS, tiến tới hoàn thành mục tiêu Thiên niên kỷ số 6 của Liên hợp quốc (MDG 6) nên cần thực hiện xã hội hóa một phần, tiến đến thực hiện phần lớn công tác PC HIV/AIDS trong cộng đồng.
Người Việt Nam được đánh giá cao về truyền thống tương thân, tương ái, trong đó có nhiều người sẵn sàng bỏ công sức chăm sóc, giúp đỡ của cộng đồng. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần tạo điều kiện để những người nhiễm HIV và gia đình họ tự giác tham gia tích cực các hoạt động PC HIV/AIDS; khuyến khích các đoàn thể chính trị – xã hội, các tổ chức phi chính phủ, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia PC dịch, tích cực huy động sự đóng góp của toàn xã hội, từng bước đẩy lùi căn bệnh thế kỷ ở Việt Nam.
Đinh Thành Trung